Chúng ta phải thừa nhận rằng đời sống vật chất và tinh thần của người dân Việt Nam ngày càng được cải thiện, nâng cao nhờ vào việc phát triển kinh tế. Thế nhưng, bên cạnh đó cũng xuất hiện những mặt tiêu cực, tệ nạn xã hội.
Muốn thể hiện cái tôi
Điển hình là một số người trẻ nhận thức sai lệch về những giá trị sống, dẫn đến lối sống sai lầm, có xu hướng muốn thể hiện cái tôi, như: đua xe, văng tục chửi thề, say xỉn, hưởng thụ, ỷ lại, ngộ nhận có tiền là có thể giải quyết được mọi vấn đề, kể cả việc vi phạm pháp luật. Cũng vì vậy mà khi gặp mâu thuẫn, họ không ngần ngại giải quyết bằng vũ lực chỉ để "khẳng định đẳng cấp".
Trong khi đó, môi trường giáo dục gia đình có những ảnh hưởng nhất định đến nhân cách con người nhưng gia đình Việt Nam đang biến đổi mạnh mẽ về cấu trúc, hình thái, các mối quan hệ. Những giá trị, chuẩn mực truyền thống đã và đang bị tác động, thay đổi, xen lẫn với những chuẩn mực, hành vi của xã hội mới.
Mối quan tâm, chăm sóc của một số cha mẹ dành cho con cái bị suy giảm dẫn đến nền tảng đạo đức xã hội, nhân cách của trẻ bị lung lay. Sự tác động của chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân từ người lớn thiếu gương mẫu làm tăng thêm nguy cơ đối với hành vi lệch chuẩn trong cuộc sống.
Nhóm thanh niên hành hung thương binh Hoàng Tiến Vin (SN 1955; ngụ huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) vào chiều 25-1 sau khi xảy ra va chạm giao thông. (Ảnh cắt từ clip)
Ngoài ra, yếu tố pháp luật và vai trò của tổ chức, cá nhân tuyên truyền, áp dụng pháp luật cũng rất quan trọng. Pháp luật Việt Nam hiện hành đã đủ để giải quyết các vấn đề phát sinh trong xã hội. Tuy nhiên, pháp luật của chúng ta chưa thật sự có tác động lớn đến nhận thức, ý thức của người dân. Các buổi tuyên truyền pháp luật đôi khi chỉ mang tính hình thức, chưa mang lại hiệu quả cao. Người dân chưa nắm, hiểu được các quy định pháp luật này.
Bên cạnh đó, các hình thức xử lý đối với hành vi vi phạm đôi khi chưa thật sự phù hợp, chưa đủ sức răn đe khiến người dân thiếu niềm tin vào các quy định pháp luật nên dẫn đến tự xử. Cơ quan quản lý nhà nước chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ văn hóa phẩm cũng góp phần làm cho đạo đức, lối ứng xử của giới trẻ mang tính côn đồ, lệch lạc về nhân cách.
Gia đình có vai trò rất quan trọng
Có thể thấy gia đình trong xã hội hiện đại có vai trò rất quan trọng, từ định hướng, nuôi dưỡng nhân cách cũng như giáo dục con người từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành. Nếu gia đình định hướng giáo dục đúng, các vấn đề về giáo dục có căn cứ, giúp con trẻ hiểu được hậu quả, tác động của hành vi bản thân thì sẽ góp phần tích cực trong việc ứng xử đúng đắn trong xã hội. Trẻ em có xu hướng bắt chước, nếu cha mẹ có cách ứng xử tốt, chừng mực, có lý có tình, kính trên nhường dưới với gia đình, hàng xóm, đồng nghiệp… thì con trẻ cũng sẽ có nhân cách tốt.
Về phía nhà trường, nếu trẻ được học tập trong môi trường giáo dục tốt, được tiếp nhận nhiều thông tin về luật pháp, giá trị đạo đức, quy tắc, kỹ năng ứng xử… thì sẽ tiếp tục hoàn thiện nhân cách tốt.
Ngoài ra, xã hội phải được kiểm soát tốt bởi pháp luật. Các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp hạn chế, sàng lọc thông tin trên mạng, thắt chặt quản lý đối với những loại phim ảnh, trò chơi mang tính bạo lực, kích động.
Hệ thống pháp luật cần có sự điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế, giải quyết được các vấn đề bức xúc của người dân; tránh trường hợp pháp luật chỉ giải quyết các vấn đề vĩ mô mà không thể áp dụng giải quyết các vấn đề nhỏ trong xã hội. Đồng thời, ban hành các quy định mang tính chất định hướng cho người dân, tạo điều kiện để họ hiểu và thực hiện trên tinh thần pháp luật; tiến hành các biện pháp tuyên truyền pháp luật, phổ biến pháp luật thông qua kênh thông tin đại chúng, chương trình truyền hình…
Bình luận (0)