Mới nghỉ hè vài bữa, một chị người quen đã nhăn nhó vì chuyện 2 đứa nhỏ ở nhà quậy quá, cãi nhau ỏm tỏi rồi còn đánh nhau. Chỉ mỗi việc phân xử cũng đã nhức đầu. Thôi thì bổn cũ soạn lại, ngoài học Anh văn 3 buổi tối trong tuần, chị tính vài bữa nữa cho đứa anh học lớp 7 đi học thêm toán, lý, hóa; còn đứa em thì học ở nhà với gia sư dù chỉ lớp 5.
Triệt tiêu niềm vui con trẻ
Đó là giải pháp an toàn nhất mà chị và nhiều người khác chọn để tránh cho tụi nhỏ dán mắt vào những thứ "độc hại" như máy tính, iPad, tivi… Chị lý giải: "Chứ giờ để nó ở nhà ai coi? Vợ chồng mình đi làm hết, nó cứ ôm iPad lướt web ai biết nó coi gì trên đó. Chưa kể mấy đứa này lười học, không cho học trước, mai mốt vô lớp nghe giảng không theo kịp bạn bè". Mặc cho 2 con phản đối, chị vẫn lên lịch học hè dày đặc.
Hãy để mùa hè là mùa vui vẻ của trẻ Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ai cũng biết trẻ vui nhất là được nghỉ hè. Thế nhưng, người lớn đã triệt tiêu niềm vui của con trẻ bằng nhiều lý do, cái cớ nghe vô lý mà tưởng như hợp lý: không ai quản lý; sợ con mất kiến thức; con cần phải học thêm vì học lớp chọn, trường chuyên, không được thua sút so với bạn; cần phải đua nước rút, không được phí thời gian…
Có lần đi trên xe, nhìn xuống thấy bọn trẻ đang nô đùa, tắm suối bên đường, một anh bạn của tôi thảng thốt: "Trời ơi, nhìn bọn trẻ này tôi thấy thương con mình ghê! Giờ hè cũng phải vùi đầu vào học. Ngày xưa, hè là tôi theo xe của bố rong ruổi khắp các nơi". Rồi anh kể chuyện ngày bé, cứ hè về là theo bố đi khắp các tỉnh, thành đây đó vì ông làm tài xế xe tải. Đó cũng là những bài học địa lý của anh mà không quyển sách giáo khoa nào sinh động bằng. Hỏi con anh có được những ngày xưa thân ái như thế không, anh lắc đầu: "Cũng muốn lắm chứ nhưng mình không "đấu" lại vợ nên đành vậy".
Tại sao phải học hè?
Vấn đề chính của chuyện học hè là để giải quyết những nỗi sợ hãi, bất an của cha mẹ khi trẻ ở nhà một mình, chơi suốt mấy tháng hè, chỉ bấm điện thoại, lướt web. Nếu không thể cho con một mùa hè lung linh và rộn rã với các trò đi bắt dế, tát ao bắt cá, thả diều như trẻ con vùng quê thì hãy cố gắng cho con một mùa hè thảnh thơi và thư giãn sau 9 tháng cắm mặt vào sách vở. Tại sao chúng ta đang phản đối một nền giáo dục nhồi nhét mà lại len lén ủng hộ, tiếp sức cho bệnh thành tích, điểm số bằng cách ép con đi học hè? Sao không nghĩ đến chuyện dạy con lướt web an toàn, khuyến khích con phụ công việc với bố mẹ trong những tháng hè. Hay gợi ý và hướng dẫn cho con học một môn năng khiếu thay vì chỉ mải mê xem tivi, lên mạng. Hoặc giả khuyến khích con đọc sách, trồng cây, nói chuyện với ông bà, tham gia các hoạt động xã hội…
Như cháu tôi, ngày thường cô nàng lười đọc sách vì bảo chả có thời gian học nữa là đọc. Thế nên, hễ đến hè là tôi treo thưởng đọc hết quyển sách A, B… trong thời gian nhất định sẽ được dẫn đi ăn món mà cô nàng yêu thích. Do cô nàng có tâm hồn ăn uống, lại thích được tôi dẫn đi ăn nên không mấy chốc đã đọc xong những danh tác mà ngày thường không để mắt đến. Ngoài được ăn, cô nàng còn được tôi tặng những sách này để đọc lại khi muốn hoặc cho bạn bè mượn. "Chỉ đạo" của mẹ tôi - bà nội của cháu, cũng là cựu giáo viên - là không học hè mà chỉ học các môn năng khiếu, kỹ năng sống như bơi lội, nấu ăn, học vẽ và cả học võ (nếu thích).
Mẹ bảo anh tôi đưa con về quê ăn giỗ để biết bà con, họ hàng cùng cách sống của người quê. Bản thân mẹ tôi cũng hay nhờ cháu phụ việc nhà, rồi kể cho nghe những câu chuyện đời, truyện ngụ ngôn… để cháu hiểu cách đối nhân xử thế... Mẹ tôi còn dẫn cháu đi làm từ thiện với lý do hết sức dễ thương là "đỡ đần những lúc bà đau ốm trên đường". Nghe đến chuyện mình có thể là chỗ dựa cho bà, cháu tôi sung sướng đi cùng mà không biết là bà đang "chơi chiêu".
Cứ thế, từ lớp 1 đến lớp 6, cháu tôi chả biết đến học thêm là gì nhưng luôn là học sinh giỏi nhất nhì lớp. Ngoài ra, cô nàng làm cuốn chả giò, chiên cá… ngon và thành thạo chẳng khác gì người lớn. Vậy nên, hãy để trẻ bay bổng ước mơ và tận hưởng niềm vui của một mùa hè ăn chơi đúng nghĩa chứ không phải là một học kỳ 3 mà cả con lẫn cha mẹ đều sợ hãi, mệt mỏi khi nghĩ tới.
Thực tế, nhiều học sinh nghèo dù trải qua một mùa hè phải lao động vất vả để phụ giúp ba mẹ kiếm sống nhưng vẫn là thủ khoa các trường.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 6-6
Bình luận (0)