"Từ thứ hai đến thứ sáu, con phải đi học thêm toán, tiếng Việt; thứ bảy, chủ nhật học tiếng Anh". Cô cháu gái học lớp 4 lên tiếng khi tôi rủ đi chơi Đà Lạt - Nha Trang 1 tuần, như là chuyến du lịch hè cho cháu. Hỏi mẹ cháu thì cô cho biết: "Hè vẫn phải học vì sợ vô năm không theo kịp các bạn. Với lại cả nhà đều đi làm, không lẽ ngày nào cũng dẫn con vào cơ quan. Có cô giáo dạy trong trường tiểu học nhận dạy hè và giữ trẻ từ sáng đến chiều nên em đăng ký cho cháu học luôn". Vậy là kỳ nghỉ hè biến thành học kỳ 3 của cháu tôi.
Nghỉ hè vẫn phải học
Tôi nhớ cách nay hơn 20 năm, cứ đến hè là chúng tôi vô cùng vui sướng vì được 3 tháng không động tới sách vở (hoặc nếu có thì cũng chỉ để chiếu lệ theo yêu cầu của người lớn). Suốt 3 tháng ròng được về quê tắm sông, thả câu, lội ruộng…; được tham gia sinh hoạt hè ở địa phương (từ tập nghi thức đến thi văn nghệ, cắm trại…), được cha mẹ giao nấu cơm, rửa chén, dọn dẹp nhà cửa… Nhờ vậy mà tích lũy cho mình được không ít kỹ năng sống cơ bản. Đến khi chuẩn bị vào năm học mới, ai cũng có cảm giác hồi hộp, vui mừng khi được gặp lại bạn bè, thầy cô sau thời gian dài xa cách; thấy ai cũng khác lạ, lớn hẳn lên.
Trẻ em học tiếng Anh thực tế tại Công viên Tao Đàn Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Giờ đây, kỳ nghỉ hè của con trẻ gói gọn trong máy tính bảng, điện thoại thông minh, tivi. Sân chơi ở địa phương không nhiều và cũng chưa làm các bậc cha mẹ an tâm, thế nên giải pháp học hè, cho con tham gia các khóa học kỹ năng sống được nhiều phụ huynh lựa chọn. Cũng vì thế, việc nghỉ hè đối với nhiều học sinh TP được nhường chỗ cho hai chữ học hè với lịch học dày đặc, thậm chí ngay cuối tháng 5, khi học sinh chính thức được nghỉ hè cũng là lúc các trung tâm, lớp học thêm, chương trình kỹ năng sống rục rịch lên lịch học hè. Học sinh cứ thế xoay tít với sách vở, các khóa học kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng xã hội, tự nhận thức bản thân…; các lớp năng khiếu hội họa, âm nhạc, võ thuật… từ thứ hai đến tận chủ nhật.
Cha mẹ đau đầu, học sinh mệt mỏi
Nói về lý do đăng ký dày đặc lịch học thêm văn hóa, các khóa học kỹ năng cho con, nhiều phụ huynh lý giải để vào năm học con không thua kém bạn bè, muốn trang bị kỹ năng mềm để con phát triển toàn diện và cũng không hiếm lý do để cha mẹ yên tâm làm việc vì đã có chỗ… gửi con.
"Hè đến là thấy căng thẳng, vừa chạy đôn chạy đáo để tìm chỗ học cho con vừa phải tốn bộn tiền. Ai cũng muốn con có thời gian nghỉ hè thực thụ để thư giãn sau một năm học dài nhưng cha mẹ đều đi làm, không thể cứ bỏ mặc con ở nhà thích làm gì thì làm, chơi gì thì chơi. Rồi lại cứ cắm mặt vào thiết bị cầm tay, tivi, game... Thà đăng ký cho con vào các lớp học Anh văn, kỹ năng, năng khiếu vừa rèn luyện kỹ năng mềm vừa được hoạt động, vui chơi mà mình cũng yên tâm" - một người mẹ có con học lớp 3 đã nói như vậy khi được tôi bắt chuyện tại một trung tâm tiếng Anh.
Học sinh tiểu học khổ, học sinh trung học lại càng khổ hơn bởi nghỉ hè là khoảng thời gian để bồi dưỡng thêm kiến thức nhằm dễ dàng bắt nhịp trong năm học mới với điểm số không thua bạn kém bè. Lịch học kín mít chẳng khác gì trong kỳ học chính thức. Sau một năm học căng thẳng, các em lại không có thời gian nghỉ ngơi để tạm thoát khỏi áp lực học tập, dù đang trong kỳ nghỉ của mình.
Chị Phạm Thanh Mai (ngụ quận 10, TP HCM) có con đang học lớp 8 cho biết: "Vừa nghỉ trên trường là tôi cho con đi chơi 1 tuần luôn rồi, giờ thì phải tập trung học. Sang năm, con bé thi hết cấp, nếu ngay từ bây giờ không học thêm thì cháu sẽ không thể theo kịp các bạn. Các thầy cô ở các lớp học thêm cũng đã mở lớp rồi, vô học trễ lại mất bài mà nhiều khi không đăng ký được vào lớp học tốt".
Trong khi đó, tâm sự với tôi, con gái chị Mai - bé Hoàng Mai Anh - nói: "Quanh năm chỉ có học. Mẹ nói nghỉ hè ít quá, phải tranh thủ học. Con cũng thấy sang năm thi chuyển cấp rồi nên phải ráng. Nhưng mấy năm trước cũng vậy, con nghỉ hè chỉ 1 tuần đến 10 ngày là phải vào lớp học thêm rồi, đến giữa tháng 8 là phải đi học lại ở trường. Nghỉ hè còn ít hơn cả nghỉ Tết".
Cha mẹ quá bận bịu và việc phải học trước để vào lớp không thua bạn bè là có thật. Làm thế nào để con trẻ có một mùa hè đúng nghĩa, bổ ích là câu hỏi làm đau đầu nhiều bậc phụ huynh.
Bình luận (0)