Chiều 29-6, trang facebook N.P. đăng một clip ghi lại cảnh một bé gái bị cha dượng đánh đập dã man. Bất nhẫn hơn là sự việc diễn ra có mặt của người phụ nữ (mẹ của bé gái) nhưng người này không có phản ứng gì.
Thái độ khó hiểu này của người mẹ đã khiến dư luận hết sức bất bình. Nhiều bạn đọc đã nêu ý kiến: "Người mẹ này đã đem hổ dữ về ăn thịt con"; "Người mẹ này thật vô tâm và hèn nhát. Chính điều này đã tiếp tay cho tên cha dượng độc ác hành hạ con gái mình"; "Bà mẹ thật là nhu nhược"…
Hình ảnh một bé gái bị cha dượng đánh đập dã man
Bạn đọc Hồng Ngự đề nghị: “Những kẻ đánh đập trẻ em tàn nhẫn như thế này cần phải nghiêm trị để răn đe, nghiêm trị cả người "đồng tình" với tội ác đó”.
Hầu hết các ý kiến đều đề nghị phải bắt ngay người cha dượng có hành vi bạo hành này và khởi tố tội danh cố ý gây thương tích.
Dư luận vẫn chưa quên câu chuyện đau lòng ngày 30-5, khi Công an thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) bắt tạm giam Danh Đa (24 tuổi; xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu) về hành vi hành hạ con ruột của mình là bé Danh Thị N. (6 tuổi). Chỉ vì lý do bé N. lấy gạo đổ vào cát để chơi, người cha ruột này đã đánh, giẫm đạp con mình không thương tiếc.
Tiếp đó ngày 31-5, một bé gái 11 tuổi đã bị mẹ và ông ngoại trói tay, đánh, "bêu" ngoài đường Quốc lộ 1 (ở Quảng Bình) vì nghi cháu lấy trộm tiền.
Dư luận cũng chưa thể nguôi ngoai về vụ bạo hành dã man của mẹ ruột và bố dượng khiến một bé gái (4 tuổi, trú tại Hà Nội) tử vong vào tháng 4-2020 vừa qua. Hay vụ người cha ở quận 9, bạo hành con ruột 4 tháng tuổi đến xuất huyết não, gãy chân (vào tháng 2-2020)
“Chúng ta có Luật Trẻ em 2016; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 (không chỉ ở mức xử phạt hành chính, nếu hành vi đánh đập, hành hạ đủ yếu tố cấu thành tội phạm, còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự); Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái (Cha, mẹ phải có trách nhiệm chăm lo để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội)...
Thế nhưng vì sao vẫn xảy ra rất nhiều trường hợp trẻ em bị bạo hành trong thời gian vừa qua và cho đến nay, vẫn chưa có cơ sở nào cho thấy sẽ chấm dứt được nạn bạo hành trẻ em trong thời gian sắp tới?”- bạn đọc Thế Thành băn khoăn.
Mong rằng các cơ quan chức năng vận dụng hiệu quả các quy định của pháp luật, sớm tìm ra giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn triệt để nạn bạo hành trẻ em, để cho mỗi đứa trẻ đều được lớn lên trong sự yêu thương, chăm sóc cần có; trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Bình luận (0)