Đó là phản ánh của hàng trăm hộ dân ở thôn Thạch Kiều, xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Trước đó, vào tháng 5-2011, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Nam đã giao Trung tâm Nước sạch và Tư vấn thủy lợi Quảng Nam làm chủ đầu tư, xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch cho hơn 810 hộ dân thôn Thạch Kiều. Đến tháng 11-2012, công trình đi vào hoạt động nhưng chỉ vài tháng thì liên tục hư hỏng. Nước cung cấp đục ngầu, nổi váng phèn và có mùi tanh, khắc phục nhiều lần mà không hiệu quả. Vì thế, từ tháng 4-2015 đến nay, công trình bị “đắp chiếu”, nhiều hạng mục xuống cấp trầm trọng, hệ thống bơm và bồn chứa nước đều trong tình trạng gỉ sét.
Theo ông Trần Thanh Xuân, Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2, công trình cung cấp nước sạch này có tổng kinh phí gần 8 tỉ đồng, trong đó hơn 4 tỉ đồng là nguồn ngân sách nhà nước, còn lại do người dân địa phương đóng góp. Ông Xuân đánh giá việc đặt công trình xa khu dân cư, cộng với bơm hút nguồn nước sông Bá Túc gần đó bị ô nhiễm để lọc nhưng không bảo đảm chất lượng khiến nguồn nước sau xử lý dẫn vào nhà dân bằng đường ống bị ô nhiễm, không thể sử dụng được. Người dân trong thôn phải lấy nước giếng lọc dùng hoặc lội bộ qua xã lân cận mua nước sạch.
Trong khi đó, ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Tư vấn thủy lợi Quảng Nam, lại cho rằng công trình nước sạch nêu trên vẫn cung cấp nguồn nước đạt yêu cầu nhiều năm qua.
“Công trình được đầu tư bài bản, được kiểm định nguồn nước đầu ra sau khi nghiệm thu nên không có chuyện người dân phải dùng nguồn nước bị ô nhiễm sau xử lý. Việc người dân và chính quyền xã nói công trình không hiệu quả là thiếu trách nhiệm (?). Hiện nay, do mạng lưới cung cấp nước sạch của Công ty Cấp thoát nước Tam Kỳ được mở rộng nên nhiều công trình cung cấp nước sạch trước đây bị “đắp chiếu”, bỏ hoang như tại xã Tam Xuân 2 là chuyện… bình thường. Chúng tôi sẽ tiến hành thanh lý công trình này nếu UBND tỉnh đồng ý” - ông Dũng cho biết.
Bình luận (0)