Thời gian qua, tình trạng chống đối lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Rất nhiều trường hợp, CSGT nếu không lao ra đường chặn xe thì các đối tượng vi phạm sẽ cố tình phớt lờ hiệu lệnh và bỏ chạy. Đó cũng là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến một số tai nạn đáng tiếc cho CSGT đang thực thi nhiệm vụ.
Chưa phù hợp và nguy hiểm
Theo quy định pháp luật nói chung và Thông tư 02/2016/TT-BCA nói riêng, cán bộ được phân công làm nhiệm vụ phải đứng ở vị trí an toàn, công khai, có thái độ, cử chỉ đúng mực và ứng xử phù hợp với người lái xe.
Còn theo Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT, yêu cầu CSGT khi thực hiện nhiệm vụ là "phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định". Tại khoản 2 điều 16 Thông tư này quy định "việc dừng, kiểm soát phương tiện giao thông phải bảo đảm không gây cản trở đến hoạt động giao thông". Như vậy, căn cứ vào pháp luật hiện hành, hành vi lao ra đường để chặn phương tiện giao thông vi phạm của một số CSGT đang thực hiện nhiệm vụ là chưa phù hợp.
Hơn nữa, hành vi nêu trên có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người đang thực hiện nhiệm vụ và người khác. Trong trường hợp phương tiện vi phạm di chuyển với tốc độ cao, không kịp phản ứng, có thể đâm thẳng vào người thi hành công vụ. Trường hợp chệch tay lái, có thể gây ảnh hưởng đến người, phương tiện khác đang tham gia giao thông. Đó là những tình huống hết sức nguy hiểm, có thể gây thương vong về người và tài sản. Việc xử lý vi phạm khi tham gia giao thông suy cho cùng nhằm giảm tình trạng vi phạm, xây dựng hệ thống tham gia giao thông trật tự đúng pháp luật, giảm thiểu thiệt hại khi có tai nạn xảy ra. Do đó, việc CSGT có những hành vi có nguy cơ dẫn đến các tình huống nguy hiểm nhằm mục đích ngăn chặn và xử lý phương tiện vi phạm là không cần thiết và không nên khuyến khích.
Việc CSGT lao ra đường, bám trên nắp ca-pô, cửa ôtô... còn làm cho hình ảnh người CSGT vốn được xây dựng là hình ảnh "thân thiện - trách nhiệm - nhân văn" bị ảnh hưởng. Ngoài ra, cách làm này không thật sự tối ưu khi thi hành công vụ, thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của cán bộ được giao nhiệm vụ.
Đặt trên bàn cân giữa ưu và nhược điểm của việc CSGT lao ra đường chặn xe vi phạm, có thể thấy đó là hành vi không phù hợp, không nên khuyến khích.
Ghi hình vi phạm để phạt nguội cũng là một giải pháp hiệu quảẢnh: Lê Phong
CSGT cần làm gì?
Vậy trường hợp người tham gia giao thông không hợp tác, không dừng lại khi có hiệu lệnh, CSGT cần làm gì?
Trước hết, cần hoàn thiện và bổ sung các quy định hướng dẫn quy trình tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ. Hiện không có bất cứ quy định cụ thể nào về việc CSGT sẽ xử lý như thế nào nếu người vi phạm không dừng phương tiện khi có hiệu lệnh. Bên cạnh đó, cần tăng chế tài xử lý đối với người và phương tiện không dừng khi có hiệu lệnh của CSGT. Ngoài ra, hướng dẫn cụ thể quy trình áp dụng hình thức xử phạt nguội vì hiện nay dù Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã có quy định nhưng việc triển khai áp dụng còn mang tính cục bộ, chưa phổ biến.
Về phía cơ quan chức năng và người thi hành công vụ, cần đẩy mạnh việc áp dụng hình thức xử phạt nguội. Theo đó, có sự phối hợp chặt chẽ giữa CSGT với chính quyền địa phương, ban quản lý đô thị trong việc chia sẻ dữ liệu hình ảnh qua hệ thống camera quan sát tại một số tuyến đường, hệ thống máy đo tốc độ... để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Sau khi xác định hành vi vi phạm, CSGT phát thông báo vi phạm thể hiện đầy đủ các nội dung liên quan đến chủ thể vi phạm, địa chỉ, hành vi... và gửi công an địa phương để phối hợp, chuyển thông báo vi phạm đến chủ xe và mời đến trụ sở nộp phạt.
Bên cạnh đó, cần trang bị thiết bị khoa học kỹ thuật cho cán bộ trong quá trình thi hành công vụ. Bởi thực tế hiện nay, không phải tất cả CSGT thi hành công vụ đều được trang bị đầy đủ các thiết bị này, dẫn đến trường hợp không thể ghi nhận kịp thời hành vi vi phạm.
Cuối cùng, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân. Một khi người dân ý thức được việc tuân thủ pháp luật giao thông là đang bảo vệ bản thân cũng như người xung quanh thì CSGT sẽ không cần thiết phải có những hành vi nguy hiểm để ngăn chặn vi phạm.
Cần xử lý an toàn và hiệu quả hơn
Tham gia diễn đàn "CSGT có nên lao ra đường chặn xe vi phạm?", nhiều bạn đọc khẳng định không nên hành động như vậy vì nguy hiểm cho CSGT, chủ phương tiện và cả người đi đường. "CSGT hãy xử lý nghiêm khắc nhưng theo cách thông minh hơn, an toàn hơn" - bạn đọc Lao Công nêu ý kiến.
Bạn đọc Vũ Nguyễn cho rằng thời buổi công nghệ, CSGT cần phải có chuyên môn nghiệp vụ hợp lý, an toàn, hiệu quả hơn.
Về giải pháp để vừa bảo đảm thực thi pháp luật nghiêm minh vừa giữ hình ảnh đẹp của người CSGT, bạn đọc Trịnh Đông Hải đề xuất: "Nên nghiên cứu xem xét giải pháp quăng lưới để bắt xe vi phạm, vừa an toàn vừa hiệu quả".
Nhiều bạn đọc gợi ý có thể dùng các hình thức bắn vỡ lốp xe sau, rào chắn, xe cản; dùng camera, máy quay ghi lại hình ảnh để phạt nguội...
Trong khi đó, nhiều bạn đọc cho rằng muốn không bị thổi phạt, giải pháp đơn giản nhất chính là tôn trọng Luật Giao thông đường bộ. Để làm được điều này, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền song song với tăng nặng mức phạt.
Đức Huy
Gửi thông báo phạt nguội về nơi làm việc
Vi phạm an toàn giao thông hiện nay được ví như căn bệnh nan y của người Việt Nam. Nguyên nhân là do chế tài xử phạt hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ cùng quá trình thực thi pháp luật thiếu nghiêm khắc. Rất nhiều nước trên thế giới đánh mạnh vào ví tiền của người vi phạm để buộc họ phải gò mình vào khuôn nếp trật tự, dần dà hình thành văn hóa giao thông văn minh.
Nhìn lại hiện trạng giao thông ở nước ta hiện nay mới thấy ý thức người dân còn quá kém. Trên một số tuyến đường trong nội thành, bất chấp đèn đỏ, mỗi khi ùn ứ, xe to, xe nhỏ chen nhau vượt qua. Chỉ ở những chốt trực có CSGT, may ra người ta dè chừng nhau, liếc ngang liếc dọc trước khi dừng ở vạch đèn đỏ.
Bên cạnh đó, tâm lý a dua, hiệu ứng đám đông ăn sâu trong tâm thức của một số người. Khi đường phố đông, một vài cá nhân leo xe lên lề đường, phóng xe chạy ngược chiều... Và lối tư duy "người ta đi thế được, mình dại gì mà chôn chân tại chỗ" lập tức lôi kéo nhiều người vốn nghiêm túc chấp hành luật giao thông bỗng chốc nhập cuộc nhanh chóng vào đoàn xe vi phạm. Lâu dần thành quen, thói xấu nhanh chóng tiêm nhiễm trở thành điều bình thường trong vô số người, làm nên bức tranh xấu xí về văn hóa giao thông của người Việt Nam.
Chính vì tình trạng mất an toàn giao thông đang có chiều hướng gia tăng như thế nên CSGT phải ra quân chốt chặn ngăn ngừa vi phạm. Tuy nhiên, việc lao ra đường chặn xe vi phạm thì hoàn toàn không nên. Bởi hình ảnh vi phạm luật giao thông đã được "mắt thần" công nghệ giăng mắc khắp các ngả đường ghi lại. Từ hệ thống dữ liệu đó, cơ quan chức năng sẽ dễ dàng truy tìm, xử lý và có chế tài xử phạt. Tuy nhiên, để quá trình "phạt nguội" được thực thi nghiêm túc và phát huy hiệu quả, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành liên quan.
Ngoài ra, một trong những giải pháp hiệu quả chính là ràng buộc người vi phạm với các quy định xử lý kỷ luật của cơ quan công tác, cơ sở sử dụng lao động và địa phương nơi cư trú. Bằng cách gửi thông báo phạt nguội đến tận nơi công tác, làm việc và cư trú cùng với mức phạt tăng mạnh, hy vọng rằng văn hóa giao thông sẽ được cải thiện.
Trang Nguyễn
Bình luận (0)