Bạn đọc Thanh Vân:
Xây dựng hình ảnh CSGT quyền lực và nghiêm minh
Với xu thế phát triển, hòa nhập thế giới thì việc CSGT lao ra đường chặn xe hay rượt đuổi xe vi phạm là không còn phù hợp. Phải có biện pháp văn minh, hữu hiệu hơn. Nhưng để làm tốt và bằng cách nào thì trước hết, có 2 việc quan trọng. Một là, tăng thêm quyền hạn cho lực lượng CSGT, đồng thời việc xử lý phải mạnh, kiên quyết và dứt khoát. CSGT chúng ta còn khá "hiền" khi giải quyết vi phạm, dùng dằng, mất nhiều thời gian, thậm chí có tâm lý "ngại", "sợ", nhất là khi có yếu tố kéo bè, đám đông, quay clip... Tôi nghĩ nếu xử lý đúng thì cứ làm mạnh tay, dứt khoát, ai nói gì hay quay clip, mặc kệ!
Tăng quyền hạn vì tình trạng manh động, chống đối người thi hành công vụ gần đây có chiều hướng tăng. Ở Mỹ, người vi phạm không tuân thủ mệnh lệnh của cảnh sát - bắn ngay! Vậy nên, trước khi trang bị cho CSGT đủ mạnh, cần có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ với các lực lượng cảnh sát trật tự, địa phương.
Hai là, xây dựng hình ảnh CSGT thân thiện, nghiêm túc, chỉn chu và quyền lực trong mắt mọi người. Để làm tốt công việc thì trước hết hãy làm tốt bản thân mình. Khi có một hình ảnh thân thiện, đủ lòng tin trong mắt mọi người thì lo gì không có sự giúp sức của người dân. Hiện tượng chống đối theo kiểu a dua, thành kiến ắt cũng sẽ không còn.
Không phủ nhận có tiêu cực trong lực lượng CSGT nhưng chỉ là một bộ phận nhỏ và đó lại là một câu chuyện khác. Còn việc xử lý vi phạm giao thông thì phải bằng mọi cách, mọi giá, phải xây dựng hình ảnh CSGT thật sự quyền lực và nghiêm minh.
Bị CSGT lập biên bản, gọi người nhà ra “giải cứu” (vụ việc xảy ra trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM ngày 23-11; ảnh cắt từ clip)Bạn đọc Chung Thanh Huy:
Cố tình tông CSGT, xử tội "Giết người"
Thực trạng chống người thi hành công vụ khi vi phạm giao thông xảy ra một cách manh động, liều lĩnh đòi hỏi phải có những biện pháp linh hoạt, cứng rắn và có chế tài đủ sức răn đe, phòng ngừa chung. Cần phải xác định khi người điều khiển phương tiện tông, đụng vào lực lượng làm nhiệm vụ thì về ý thức chủ quan, họ biết rõ hành vi đó là cố ý trực tiếp xâm phạm đến tính mạng người thi hành công vụ. Theo điều 330 Bộ Luật Hình sự, tội "Chống người thi hành công vụ" có mức phạt cao nhất là 7 năm tù. Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ngày 17-10-2018 thông qua Án lệ số 18/2018/AL về hành vi giết người đang thi hành công vụ trong tội "Giết người" và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 6-11-2018 của Chánh án TAND Tối cao. Theo đó, với những vụ cố tình tông xe vào CSGT tương tự, bị cáo sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Giết người" với tình tiết định khung là "Giết người đang thi hành công vụ" thay vì tội "Chống người thi hành công vụ" như trước đây.
Ngoài ra, để phòng chống tội phạm đối với nhóm tội này hiệu quả, góp phần tuyên truyền pháp luật, răn đe và phòng ngừa chung, cần áp dụng thủ tục rút gọn, xét xử nhanh chóng, kịp thời. Bởi lẽ, những vụ việc này hầu hết thuộc trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ, tài liệu rõ ràng.
Đối với việc CSGT lao ra đường chặn, xử phạt xe vi phạm, có thể khẳng định cách làm này không an toàn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của cả CSGT và đối tượng được cho là có hành vi vi phạm.
Bộ Công an đã có quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT. Trong đó, một số nội dung đã quy định rõ như CSGT được trang bị, lắp đặt, sử dụng phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an để phát hiện, ghi thu hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
Vì vậy, cần thay đổi cách làm, nâng cao nghiệp vụ khi thực thi công vụ. Chẳng hạn nếu nhận thấy người vi phạm hành chính manh động, có thể ghi hình để áp dụng hình thức phạt nguội. Nếu người điều khiển xe chạy tốc độ cao, có thể thông báo cho cán bộ, chiến sĩ CSGT trạm gần nhất để đón lõng, xử lý. Trong những trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông bỏ chạy để lại hậu quả nghiêm trọng như chống đối CSGT, gây tai nạn cho người đi đường, cần áp dụng thủ tục rút gọn, xét xử nhanh chóng, kịp thời, mức án nghiêm để răn đe, phòng ngừa chung. Các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên.
Hãy làm tốt những việc này
Tất cả các vấn đề diễn ra trong cuộc sống hằng ngày, tốt hay xấu đều từ con người và do con người quyết định.
CSGT là một ngành, một nghề trong xã hội. Nếu cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước làm tốt công tác tuyển chọn, giáo dục, quản lý... thì những người thuộc cơ quan, đơn vị đó sẽ có ý thức, có tinh thần trách nhiệm tốt.
Công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe được siết chặt; học viên học cả thực hành lẫn lý thuyết (lý thuyết lái xe và đạo đức lái xe) một cách bài bản, nghiêm túc; đơn vị, doanh nghiệp bố trí người lái xe hoạt động đúng quy định... thì ý thức người tham gia giao thông sẽ tăng, hạn chế thấp nhất hành vi vi phạm.
Việc giám sát, xử lý hành vi vi phạm luật giao thông được người thực thi pháp luật xử lý nghiêm minh, công bằng, không làm ngơ, bỏ qua trước bất kỳ vi phạm nào thì sẽ hình thành thói quen tốt trong tham gia giao thông...
Làm được như thế, CSGT sẽ không cần phải lao ra đường để chặn xe vi phạm để phải đối diện nhiều hiểm nguy.
Vũ Xiêm
Bình luận (0)