Bạn đọc CHUNG THANH HUY:
Phải giãn cách thật nghiêm
0 giờ ngày 9-7, TP HCM chính thức giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16. Để đưa ra quyết định này, lãnh đạo thành phố đã phải cân nhắc rất nhiều. Tuy nhiên, chính sách có hiệu quả hay không, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp, thì ý thức, trách nhiệm và sự đồng lòng của mỗi công dân là yếu tố then chốt đẩy lùi dịch bệnh.
Các chuyên gia y tế đã nhiều lần nhấn mạnh người dân cần thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế, tránh đi đến những nơi có nguy cơ bùng phát ổ dịch... Việc bảo vệ sức khỏe cho mình cũng chính là bảo vệ cộng đồng khỏi dịch bệnh. Mục tiêu giãn cách xã hội là cắt đứt chuỗi lây nhiễm thông qua việc hạn chế tiếp xúc giữa người với người. Đã giãn cách thì phải thật nghiêm mới sớm kiểm soát, ngăn chặn được dịch và ổn định tình hình. Nên tăng cường thay đổi nhận thức của người dân thông qua truyền thông; các điểm bán hàng nhu yếu phẩm phải phân chia khung giờ mua sắm cho từng cụm dân cư; đa dạng hóa hình thức mua và giao hàng bằng online. Song song đó, kiểm tra, giám sát thường xuyên và xử lý thật nghiêm các vi phạm phòng chống dịch theo quy định.
Từ sáng 9-7, các lực lượng bắt đầu triển khai lập chốt kiểm soát ở các tuyến đường trọng điểm, khu vực trọng điểm Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Với Chỉ thị 16, nhiều hoạt động bị ngưng trệ, nhiều người rất khó khăn về đời sống trong thời gian giãn cách xã hội. Chính quyền TP cần quan tâm, có kế hoạch cụ thể hỗ trợ kinh tế cho người dân bị ảnh hưởng, người lao động mất việc, người yếu thế trên địa bàn; không để ai thiếu ăn, thiếu các nhu cầu thiết yếu…
Giãn cách xã hội cũng ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế. Nếu doanh nghiệp nào còn năng lực và khả năng sản xuất, phải cố gắng giữ nhịp, không để đứt gãy chuỗi cung ứng thông qua việc tổ chức cho công nhân, người lao động làm việc và sinh hoạt tại chỗ. Ngoài ra, cần ứng dụng mạnh cũng như kết nối công nghệ thông tin trong phòng chống dịch, cũng như hoạt động khác để giảm sự tiếp xúc, hạn chế lây lan dịch bệnh, giảm phiền hà cho người dân.
Bạn đọc NGUYỄN CHINH:
Thông tin quá trình điều trị cho người mắc Covid-19
Để việc kiểm soát dịch bệnh được hiệu quả hơn, thông tin là cực kỳ quan trọng. Vì vậy, cần thận trọng hơn trong việc cung cấp thông tin cho người dân, có độ giãn nhất định để họ chuẩn bị tâm lý. Chính quyền cần nói rõ hơn về những việc người dân được làm và không được làm trong những ngày giãn cách. Bên cạnh đó, cần tăng cường thông tin về quá trình chữa trị nếu chẳng may mắc Covid-19: triệu chứng, những người đã chữa khỏi có gặp vấn đề gì về sức khỏe, tâm lý…? Nếu có thêm những thông tin này, người dân sẽ bớt hoang mang hơn nếu chẳng may mắc Covid-19.
Dịch bệnh tác động đến nhiều thành phần trong xã hội, đặc biệt là người yếu thế, chính quyền cần nhanh chóng, linh hoạt triển khai ngay gói hỗ trợ đã được HĐND TP thông qua. 15 ngày giãn cách xã hội là thời gian người dân thật sự cần gói hỗ trợ này.
Với hội nhóm thiện nguyện, chính quyền, nhất là các tổ chức như hội phụ nữ, UBND phường- xã cần linh hoạt kết nối và có kênh để những hội nhóm lan tỏa ra cộng đồng. Thực tế nhiều người muốn giúp đỡ người khác, nhiều nhóm muốn chung tay nhưng còn thiếu thông tin nơi nhận, quy định phòng dịch… nên còn lúng túng.
Bạn đọc THANH VÂN:
Bổ sung các biện pháp mạnh
Việc thực hiện Chỉ thị 16 là rất cần thiết với tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay. Thậm chí, thành phố cũng cần tính đến phương án giới nghiêm nếu diễn biến dịch bệnh nghiêm trọng hơn.
Cố gắng giữ gìn các hoạt động kinh tế, sản xuất là cần thiết cả trên 2 hệ thống công tư nhưng phải được giám sát, kiểm soát chặt chẽ. Duy trì hoạt động của các nhà máy, khu công nghiệp nhằm bảo đảm sản xuất, phát triển kinh tế và ổn định đời sống cho công nhân, người lao động là cần thiết. Tuy nhiên, để hệ thống này được vận hành tốt và không chịu nhiều tác động của dịch bệnh, nên ưu tiên tiêm vắc-xin cho các đối tượng này. Nguồn cung vắc-xin còn hạn hẹp thì chưa cần thiết tiêm cho các hộ gia đình bởi số lượng là rất lớn; tiêm nhỏ lẻ theo kiểu mỗi tổ dân phố năm ba người cũng không tác dụng nhiều, quan trọng nhất vẫn là thực hiện tốt quy tắc 5 K và ý thức giữ gìn của mỗi người.
Với các hoạt động kinh tế chưa cần thiết cho nhu cầu cuộc sống đến thời điểm thật sự an toàn (dù còn hay không trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16), thành phố phải chấp nhận "hy sinh". Có thể bổ sung các quy định, biện pháp mạnh mẽ hơn nữa như phong tỏa, thậm chí là giới nghiêm cục bộ khu vực nào đó.
Kiểm tra chặt chẽ hơn các khu cách ly, thử nghiệm cách ly tại nhà hay cách ly theo yêu cầu (có trả phí). Tăng cường hệ thống y tế từ nhân lực đến vật lực. Liên kết các bệnh viện nhằm việc điều trị được tốt hơn. Lực lượng chống dịch, nhân viên y tế cần được chăm sóc chu đáo, bồi dưỡng ưu ái, đặc biệt.
Đa số người dân đều ủng hộ và đồng lòng chấp nhận mọi khó khăn để cùng chính quyền vượt qua dịch bệnh. Việc quan trọng nhất chính là chăm lo, ổn định đời sống, hay nói cách khác là bảo đảm miếng ăn hằng ngày cho những đối tượng khó khăn. Khi vấn đề này được giải quyết ổn thỏa, mọi người sẽ an tâm hơn với công tác chống dịch.
Đẩy nhanh tiến độ trả kết quả xét nghiệm
Đa số các ca dương tính mới của TP đều được phát hiện trong các khu cách ly tập trung, nguồn lây đã được xác định trước đó. Tuy nhiên, TP cần tiếp tục giám sát, điều tra, truy vết, khoanh vùng, tuyệt đối không để mất dấu nguồn lây F0.
TP cũng cần đẩy nhanh tiến độ trả kết quả xét nghiệm vì xét nghiệm diện rộng nhưng kết quả chưa có cũng không hiệu quả mà còn tốn kém. Hiện tại, cách nhanh nhất là test nhanh để sớm tìm F0, sau đó chờ xét nghiệm khẳng định lại. Cần giao trách nhiệm xuống từng tổ dân phố, địa phương để họ quản lý thật chặt địa bàn, không lơ là, mất cảnh giác.
Đặc biệt, để Chỉ thị 16 đạt hiệu quả, mỗi cá nhân, gia đình, mỗi cơ sở phải là một lá chắn bảo vệ mình và cộng đồng bằng việc chấp hành nghiêm những quy định của Chỉ thị 16, chấp nhận hy sinh lợi ích riêng, đồng lòng cùng thành phố vượt qua khó khăn để chiến thắng đại dịch.
Bạn đọc Trần Gia Nghi (quận 3)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-7
Bình luận (0)