Trong bối cảnh số ca bệnh cả nước mỗi ngày một tăng, việc phải áp dụng các biện pháp phong tỏa triệt để ở các ổ dịch nghiêm trọng để tránh thảm họa y tế là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, mọi liều thuốc đều có tác dụng phụ; thuốc càng mạnh, tác dụng phụ càng nguy hiểm.
Đối diện nhiều thách thức
Các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt vào thời điểm này giúp ngăn chặn sự lây lan nhưng đồng thời ít nhiều đóng băng nền kinh tế, xói mòn thu nhập và tích lũy của người dân, thậm chí có thể tạo ra khủng hoảng thiếu đối với nhu yếu phẩm nếu hệ thống cung ứng bị gián đoạn và xuất hiện tình trạng đầu cơ tăng giá. Như vậy, trên phương diện kinh tế, người dân phải đối mặt với nguy cơ kép - giảm thu nhập và giá hàng hóa tăng - khi thực hiện phong tỏa.
Bên cạnh đó, việc không thể ra ngoài giao tiếp, hạn chế tiếp xúc cũng tạo ra những hệ lụy tiêu cực lên sức khỏe người dân về tâm thần lẫn thể chất. Theo chia sẻ từ GS-TS-BS Cao Tiến Đức, nguyên Chủ nhiệm Khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 103, trên trang tin của Bộ Y tế: "Việc cách ly tại nhà, không được giao tiếp với nhiều người xung quanh, khiến mọi người khó chịu, bức xúc vì không được thư giãn, sự căng thẳng, u uất kéo dài cũng là nguyên nhân khiến stress, lo âu, trầm cảm, mất ngủ gia tăng". Về mặt thể chất, không thể ra ngoài tập luyện dễ dẫn đến việc tăng cân và những bệnh lý đi kèm.
Mặt khác, nhiều người dân, nhất là người nhập cư có điều kiện cư trú và sinh hoạt khó khăn, sẽ càng vất vả trong điều kiện phong tỏa, cách ly. Khi phải trải qua giai đoạn phong tỏa nghiêm ngặt trong căn hộ chật hẹp, nguy cơ xảy ra các va chạm và xung đột gia đình là khó tránh.
Từ đầu năm đến nay, khu Mả Lạng, quận 1, TP HCM có 3 đợt phong tỏa do liên quan đến Covid-19. Ảnh: LÊ PHONG
Huy động mọi nguồn lực
Với những thách thức như trên, nhà nước và cộng đồng xã hội cần huy động mọi nguồn lực và sáng kiến để giảm bớt phần nào những tác động tiêu cực của các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt.
Trước hết và quan trọng nhất, chính quyền cần kịp thời hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, giúp giải tỏa phần nào áp lực kinh tế mà họ đang đối mặt. Các giải pháp trợ cấp, hỗ trợ cần tiếp tục được triển khai, thống nhất và thực thi trong thời gian ngắn nhất có thể. Toàn bộ quá trình chuẩn bị này nên được công bố minh bạch để người dân theo dõi và kiểm tra. Nên chia ra thành nhiều đợt hỗ trợ sẽ giúp giải quyết các khó khăn của người dân kịp thời trong khi vẫn tuân thủ các quy định về quản lý ngân sách. Cụ thể, với nguồn lực sẵn có, chính quyền địa phương nên nhanh chóng công bố các gói hỗ trợ khẩn cấp, đồng thời tính toán và đệ trình các gói bổ sung tiếp theo theo quy định hiện hành. Quá trình này nên được công bố minh bạch để người dân có niềm tin, qua đó nâng cao tính tuân thủ trong việc thực thi phong tỏa.
Mặt khác, việc xác định đúng đối tượng cần được hỗ trợ, tránh thất thoát và sai phạm với thời gian ngắn là một sự lưỡng nan. Tuy nhiên, với mục tiêu ưu tiên trên hết là cứu trợ người dân kịp thời, chính quyền nên ra quyết định nhanh chóng trên những dữ liệu có sẵn; song song đó, ban hành và công bố biện pháp trừng phạt nghiêm khắc, mạnh tay xử lý để răn đe nếu xảy ra gian lận, tham nhũng. Khi người dân có được sự hỗ trợ ban đầu, chính quyền sẽ có nhiều thời gian hơn cho việc xác lập nhóm đối tượng thụ hưởng phù hợp và xây dựng, hoàn thiện các công cụ quản lý. Tóm lại, nếu được hỗ trợ kịp thời, người dân có thể vượt qua thách thức trong giai đoạn phong tỏa thuận lợi hơn, sự tuân thủ của người dân với các biện pháp do nhà nước đặt ra sẽ được bảo đảm, giúp tránh những bất ổn do căng thẳng xã hội gây ra.
Mặt khác, để giúp cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất, các tổ chức, đoàn thể và cộng đồng xã hội cần có sáng kiến giúp duy trì kết nối, giải tỏa căng thẳng và hỗ trợ tư vấn cho các đối tượng thông qua hội nhóm trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo. Tuy nhiên, cần có những sáng kiến để tăng sự hấp dẫn, kết nối và chia sẻ. Chẳng hạn, xây dựng những đêm nhạc online của các ca sĩ phục vụ cộng đồng hay trò chơi online với các nghệ sĩ, người nổi tiếng có thể thu hút được sự quan tâm, tham gia của nhiều người. Ngoài ra, các tổ chức, đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên có thể tổ chức các chương trình sinh hoạt văn nghệ trực tuyến, đồng thời gây quỹ hỗ trợ người khó khăn. Bên cạnh đó, việc tổ chức các kênh tư vấn trực tuyến cá nhân hoặc theo nhóm, cộng đồng về các vấn đề sức khỏe tinh thần, thể chất và các vấn đề tâm lý, hôn nhân có thể giúp giảm bớt những căng thẳng trong cuộc sống của người dân trong giai đoạn này.
Sau cùng, phải bảo đảm nguồn cung ứng các hàng hóa thiết yếu đầy đủ với giá bình ổn. Muốn làm được như vậy, cần quản lý chặt nguồn cung và hệ thống phân phối. Có sự phối hợp liên tỉnh để vừa bảo đảm nguồn cung vừa tránh gián đoạn hệ thống cung ứng và vận tải nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu chống dịch. Bên cạnh đó, kiểm soát đầu cơ và tăng giá; sử dụng các siêu thị thuộc nhà nước quản lý như Co.opmart, SATRA để làm các công cụ điều tiết thị trường.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-7
Bình luận (0)