Sở dĩ có thể nói như thế là bởi đến trưa 15-10, ngành điện lực vẫn chưa có một lời giải thích hợp lý cho vụ đứt dây điện rớt xuống đường gây ra thảm họa trên. Đại diện Điện lực huyện Châu Thành cho rằng dây điện đứt do sét đánh, rơi xuống vũng nước giật chết người. Còn giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An lại giải thích: Dây điện rơi xuống trúng 2 em học sinh và "kết quả thế nào thì cơ quan công an phải giám định và điều tra làm rõ". Không sớm xác định nguyên nhân cụ thể thì không có phương án phòng ngừa và tai nạn tương tự có thể tiếp tục xảy ra.
Mỗi năm, trên cả nước có hàng trăm vụ điện giật chết người. Nguyên nhân thì thiên hình vạn trạng: bất cẩn chạm dây trung thế, rò rỉ điện dân dụng... và cũng không ít vụ do sự bất cập của hệ thống điện xuống cấp, không bảo đảm an toàn của ngành điện. Phần lớn các vụ việc ít được thống kê vì được xem như tai nạn nên thỏa thuận dân sự rồi xong. Cách xử lý này hàm chứa nhiều nguy cơ và thiếu tính răn đe, cảnh báo. Từ đây, chính ngành điện cũng hời hợt với công tác bảo đảm an toàn của thiết bị.
Trong những ngày này, phóng viên Báo Người Lao Động cũng ghi nhận thực trạng đáng sợ của hệ thống điện dân dụng tại TP HCM. Dây điện trơ những mối nối lộ thiên, tủ điện hư hỏng lộ dây điện ra ngoài, trời mưa cứ thế xối vào; biến áp lớn đặt ngay trên hè phố ghi rõ "nguy hiểm chết người" nhưng không có rào chắn. Hệ thống dây điện giăng khắp phố phường, rất cũ kỹ, có thể rơi xuống đường bất cứ lúc nào. Ngay trong mùa triều cường này, nguy cơ rò rỉ điện càng lớn, thật đáng lo với hậu quả có thể xảy ra. TP HCM đã thế, các TP lớn khác cũng không hơn gì.
Để giảm nguy cơ tai nạn điện, từ những năm 70 của thế kỷ trước, các nước phát triển đã ngầm hóa hệ thống điện. Hệ thống này luôn được kiểm tra nghiêm ngặt, bảo dưỡng thường xuyên. Ở nước ta, ngành điện kêu gọi hiện đại hóa đã bao năm rồi nhưng hệ thống truyền tải vẫn còn lạc hậu, chắp vá. Ngay tại TP HCM đến nay chỉ ngầm hóa được khoảng 40% lưới điện trung thế, chưa đến 20% lưới điện hạ thế. Tỉ lệ hiện đại hóa ngành điện càng thấp thì nguy cơ tai nạn càng lớn.
Điện lực là ngành kinh doanh. Giá điện mà người dân phải trả bao hàm cả tiền mua điện từ nhà sản xuất, chi phí vận hành, bảo dưỡng và cả lợi nhuận của doanh nghiệp bán điện. Vậy thì không có lý do gì người dân phải phập phồng với lưới điện mất an toàn, nguy hiểm cứ chực chờ như hiện nay. Những cái chết thương tâm là lời cảnh báo cay đắng nhất, mạnh mẽ nhất cần phải được những người có trách nhiệm của ngành điện ghi nhận để cải thiện tình hình.
Bình luận (0)