Chiều 14-10, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam thông tin sáng cùng ngày, đơn vị đã cử lãnh đạo và đoàn công tác cùng Công ty Điện lực Long An đến thăm hỏi, động viên, chia buồn và hỗ trợ gia đình 2 học sinh tử nạn trước cổng Trường THCS An Lục Long (xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) vì sự cố đứt dây điện, mỗi gia đình 50 triệu đồng để lo hậu sự; đồng thời đến thăm hỏi các cháu và hỗ trợ 4 gia đình có con đang điều trị, theo dõi tại 2 bệnh viện với tổng số tiền 50 triệu đồng.
Lý giải... đủ cách!
Trưa cùng ngày, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Điện lực huyện Châu Thành, cho hay sự cố trên bước đầu xác định nguyên nhân là trong cơn mưa lớn vào chiều 13-10, sét đánh làm đứt thanh ngang gắn trên cột điện, trên cây thanh ngang có treo 4 dây điện nên dây điện bị đứt.
Về thắc mắc của nhiều người tại sao khi xảy ra sự cố từ đường dây trung thế mà điện không ngắt ngay, đại diện Điện lực Châu Thành giải thích theo nguyên tắc, khi dây điện bị đứt rơi xuống tiếp đất thì nguồn điện sẽ bị ngắt. Đáng tiếc trong sự cố này, dây điện rơi xuống vũng nước trước cổng trường nên đã dẫn điện, gây nên cái chết thương tâm của 2 học sinh và bị thương 4 học sinh khác.
Hiện trường vụ tai nạn điện thương tâm ở Long An Ảnh: MINH SƠN
Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, thì cho rằng sau khi sét đánh, bình điện nổ, dây điện đứt, khi dây chưa chạm tới đất thì trúng ngay 2 học sinh. Chính vì thế mà 2 em tử vong. Sau đó, khi dây chạm đất thì điện đã ngắt tự động. "Đây là chuyện hy hữu, tỉ lệ này chỉ xảy ra 1/1.000. Nếu điện không ngắt tự động ngay khi có sự cố thì 2 học sinh gặp nạn sẽ cháy đen chứ không phải như thế" - ông Đức nói. Tuy nhiên, ông Đức cũng cho rằng muốn biết kết quả thế nào thì cơ quan công an phải giám định và điều tra làm rõ.
Chiều cùng ngày, trao đổi với phóng viên, Cơ quan CSĐT Công an huyện Châu Thành cho biết đang khẩn trương làm rõ để xác định vì sao đứt đường dây điện, có phải do sét đánh hay lý do nào khác. Trả lời câu hỏi vì sao cơ quan chức năng chưa khởi tố vụ án, một điều tra viên cho rằng việc có khởi tố hay không phụ thuộc vào quá trình xác minh nguyên nhân dẫn đến hậu quả, khi nào có kết luận xác minh chính thức thì đơn vị này sẽ thông tin. Tổng Công ty Điện lực Miền Nam cũng khẳng định đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương để xác minh làm rõ nguyên nhân sự cố.
Coi thường an toàn điện
Sau vụ đứt dây điện khiến 2 học sinh ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An tử vong, nhìn lại cảnh sinh hoạt, buôn bán của người dân TP HCM dưới các tủ điện, đường dây cao thế mà thấy "ớn lạnh". Đường Kha Vạn Cân (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) có đường dây cao thế đi song song, cứ cách hơn 100 m là có một trụ điện lớn. Theo ghi nhận của phóng viên, các trụ điện đều được lập hàng rào B40 nhưng nhiều hộ dân vẫn bất chấp, cơi nới, phơi quần áo và cất vật liệu bên trong hàng rào này.
Đấu điện từ trụ điện nguy hiểm cho người đi đường. Ảnh chụp trên đường Nguyễn Văn Quá, quận 12 (Ảnh: PHẠM DŨNG)
Kế đến là tình trạng người dân buôn bán dưới các tủ điện cũng khá phổ biến ở TP. Như ở đầu hẻm 578 Lê Quang Định (phường 1, quận Gò Vấp), một xe bán hủ tiếu vô tư bày bán cho khách dù trên đầu là máy biến áp 3 pha. Để tránh bị ướt khi trời mưa, người dân còn lắp thêm mái che cố định vào tường. Hay như trên đường Hoàng Hoa Thám (phường 6, quận Bình Thạnh) cũng có nhiều người dân buôn bán phía dưới máy biến áp 3 pha dù ngành điện đã cảnh báo nguy hiểm. Còn quán thịt chó 18A (đường Nguyễn Thị Đặng, quận 12) bày biện lò nướng thịt chó nghi ngút khói ngay dưới bình điện nhưng người dân và thực khách vẫn thấy đó là chuyện… bình thường.
Không chỉ nhiều người xem thường an toàn điện mà cả ngành điện cũng coi thường. Bằng chứng là trước một trường THPT ở Quốc lộ 1 (phường Trung Mỹ Tây, quận 12) là trụ điện bên trên có tủ điện bị bung nắp. Trong khi đó, dưới tủ điện này chi chít dây điện lớn nhỏ đan xen nhau. Đáng chú ý, 2 nhánh cây khô kích thước lớn quấn lấy đường dây điện nhưng không được tháo gỡ khiến nhiều phụ huynh có con học cạnh trường rất bất an. Ghi nhận trên đường Trường Chinh, phường Tân Hưng Thuận (quận 12), hầu hết các tủ điện đều gỉ sét, hư hỏng nặng nhưng không được quan tâm, bảo trì. Ông Nguyễn Văn Hiên (65 tuổi) chia sẻ: "Tôi thấy những tủ điện nguy hiểm này đều cũ kỹ, gỉ sét, bung nắp nhưng không thấy ngành điện thay thế".
Con ngừng thở trên tay cha!
"Nó nằm trên tay tôi, mắt nhắm, thở yếu ớt rồi tử vong trong chính vòng tay của tôi. Thử hỏi có gì đau xót bằng". Đó là những lời chia sẻ trong nước mắt của anh Nguyễn Văn Hòa (SN 1980; ngụ ấp Lộ Đá, xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) - cha của cháu Nguyễn Thị Ngọc Lan (SN 2007), khi phóng viên đến thăm hỏi và chia buồn cùng gia quyến.
Trái với cảnh vui vầy, đầm ấm ngày nào, trưa 14-10, ngôi nhà mái ngói khang trang nằm cạnh tuyến lộ 827, cách trung tâm huyện Châu Thành chưa đầy 1 km, bao trùm không khí tang thương dù có rất đông chòm xóm đến động viên, chia buồn. Cứ nhắc đến học sinh Nguyễn Thị Ngọc Lan là chòm xóm lại nghĩ ngay đến cô bé ngoan hiền, học giỏi. Từ lúc chúng tôi đến, chị Nguyễn Thị Đông (37 tuổi, mẹ của cháu Lan) luôn nằm cạnh quan tài khóc nghẹn. Hai bàn tay chị cứ cố giữ di ảnh con gái. Cháu Hồng cũng khóc cùng mẹ mỗi lần có bạn bè đến thắp nhang viếng người chị sinh đôi của mình.
Cách đó gần 1 km, vợ chồng anh Đinh Hồng Thái (SN 1966, ngụ ấp Cầu Hàng, xã An Lục Long) tổ chức đám tang cho con là cháu Đinh Thiên Bảo (11 tuổi, lớp 6A2), tử nạn chung với cháu Lan. Bảo là con trai út trong nhà. "Gia đình muốn những người có trách nhiệm nói rõ vì sao xảy ra tai nạn như thế ngay trước cổng trường. Ai chịu trách nhiệm cái chết của 2 cháu cùng nhiều em đang bị thương tích" - anh Thái nghẹn lời.
H.Minh
Bình luận (0)