Bắc Giang những ngày giáp Tết không khí lạnh tràn về, trời trở rét đậm. Cái buốt lạnh hoà lẫn trong sương mù miền trung du giăng ngập lối. Trên khắp các con phố, hoa đào, hoa mai, quất cảnh đã được bày bán rộn ràng báo hiệu "Tết đến, xuân về". Đó là thời khắc đẹp nhất trong năm để các gia đình được sum họp, đoàn viên bên nhau. Những người con đi xa nôn nóng được trở về, người ở nhà cũng sốt ruột mong ngóng từng ngày.
Bố tôi ngày nào cũng gọi điện hỏi dò "Không biết anh mày Tết này có về được không?", "Đã thấy anh gọi điện bảo về hay không chưa?,... Bố nuôi được con lợn, chỉ nhăm nhăm chờ Tết đến, anh chị và các cháu ở Hà Nội về để thịt. Biết bố mong lắm, nhưng giữa lúc tình hình dịch bệnh phức tạp thế này thật khó để có thể trả lời được chính xác Tết này anh, chị có về được hay không. Bản thân chị dâu tôi cũng vừa mới trải qua F0, nhưng sợ bố thêm lo lắng nên anh chị em tôi giấu không cho bố biết. Tết mà gia đình anh chị không về thì bố sẽ buồn và trống trải, nhưng bảo về rồi lại không về được thì bố sẽ hụt hẫng lắm. Tôi chỉ dám nói với bố "để chúng con tính ạ".
Anh chị tôi ở cách nhà chỉ hơn 60 cây số nhưng từ lúc dịch bệnh căng thẳng cũng không dám về nhà vì sợ không may nhiễm bệnh lại lây sang bố. Bởi bố đã gần 80 tuổi còn có bệnh nền nên việc giữ an toàn cho bố luôn là trên hết. Ngày giỗ mẹ, anh chị về đến cổng rồi lại phải treo vội túi đồ lễ ở cổng để quay đi ngay vì nhận được thông báo ngoài đó có ca nhiễm. Bố rưng rưng nói với theo "Giữ gìn sức khoẻ, Tết về con nhé." Tôi chạnh lòng thương câu hẹn "Tết về" của bố. Đó cũng chính là niềm khát khao, mong mỏi của những người cha, người mẹ, người ông, người bà có con cháu nơi phương xa.
Những ngày giáp Tết, dịch bệnh bùng phát mạnh khiến cho con đường trở về nhà của nhiều người con xa quê hương trở nên khó khăn hơn gấp bội. Nhưng chính trong khó khăn ấy, chúng ta lại cảm được nhiều điều đáng trân quý. Bộ phận truy vết và tư vấn tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh của chúng tôi luôn phải làm việc hết công suất để kịp thời thông tin tới các ca bệnh mới; tư vấn, hướng dẫn người dân cách chăm sóc sức khoẻ, bảo đảm an toàn cho gia đình và cộng đồng. Điện thoại của các tư vấn viên hoạt động liên tục, những cuộc gọi đến, gọi đi bất kể ngày đêm. Giữa những hối hả, vội vã, tất bật của ngày cuối năm, giữa những khát khao giây phút đoàn tụ, sum vầy bên gia đình sau một năm vất vả bởi dịch bệnh là những cuộc điện thoại rưng rưng nước mắt.
2 giờ sáng, khi hệ thống báo kết quả xét nghiệm PCR dương tính, biết chắc cô bé nóng ruột chờ kết quả xét nghiệm không ngủ được nên tôi bấm điện thoại gọi. Mới một tiếng chuông đã thấy bên kia bắt máy:
- Chị à, em có kết quả xét nghiệm chưa ạ? Kết quả thế nào hả chị? Giọng cô bé đầy lo lắng bởi hồi chiều test nhanh đã cho kết quả dương tính.
- Kết quả dương tính rồi em ạ, nhưng không sao, rồi sẽ ổn thôi.
Tôi vội vã trấn an. Một cô bé người dân tộc thiểu số mới 18 tuổi đã phải lặn lội từ tỉnh Hà Giang xa xôi xuống đây xin vào làm công nhân. Ở cái tuổi mà bạn bè cùng trang lứa vẫn còn được bao bọc ăn học thì vì hoàn cảnh em đã phải bươn chải kiếm sống đỡ đần cha mẹ. Cũng vì dịch bệnh mà cả năm nay em chưa về nhà, mong chờ đến Tết được nghỉ để về thăm bố mẹ, người thân. Quà Tết và hành lý đã được chuẩn bị, gói ghém cẩn thận, vé xe cũng đã đặt trước, chỉ còn chờ kết quả xét nghiệm nữa thôi là có thể trở về quê.
Cô bé bật khóc nức nở, một phần vì bối rối, lo sợ bệnh tật, một phần vì tủi thân, hụt hẫng khi phút cuối cùng không thể lên xe trở về sum vầy cùng gia đình vào đúng dịp Tết thiêng liêng. Tôi cũng thấy cay sè hai sống mũi, cố nén cảm xúc, cố tỏ ra mạnh mẽ, tỏ ra bình thường để trấn an, động viên cô bé vững vàng vượt qua.
Cùng chung hoàn cảnh của cô bé, rất nhiều công nhân, người dân đã lỡ chuyến xe trở về ăn Tết cùng gia đình. Nhưng họ không hề cô đơn bởi họ luôn nhận được sự động viên, chia sẻ của gia đình và xã hội. Đặc biệt, luôn đồng hành cùng với họ là những chiến sĩ thầm lặng sẵn sàng gác lại những ngày Tết nghỉ ngơi, đoàn viên bên gia đình để chăm lo, sát cánh cùng với các bệnh nhân Covid-19 trong cuộc chiến đầy gian nan này. Đón cái Tết đặc biệt, ở một nơi cũng thật đặc biệt, bên những người thậm chí chưa từng quen biết, gọi tên sẽ là những kỷ niệm không thể nào quên để mỗi người thêm trân trọng tình thân gia đình, trân trọng cả những tình cảm sẻ chia lẫn nhau trong gian khó.
An toàn để trở về - đó là cách mà rất nhiều người trong đó có cả anh chị tôi đã lựa chọn để bảo vệ những người thân yêu của mình và những người xung quanh. Bởi vậy, thay vì vừa nghỉ làm là khăn gói về quê ngay như mọi năm thì anh chị tôi cố gắng nán lại vài ngày để theo dõi sức khoẻ, đảm bảo thực sự yên tâm mới trở về.
Bữa cơm Tất niên sum tụ đông đủ theo truyền thống gia đình hàng năm được thay bằng bữa cơm đoàn viên ngày mùng 3 Tết. Khi anh chị thông báo ngày mai cả gia đình sẽ về. Bố tôi vui lắm cứ hết dặn anh, lại dặn chị dâu tôi "Mai về sớm con nhé để bố nấu cơm."
Bốn, năm mươi tuổi chúng tôi vẫn thích được hít hà hương thơm ngào ngạt nóng hổi từ những món ăn bố nấu như những ngày thơ bé. Bố nấu ăn rất ngon – đặc biệt là những món ăn truyền thống ngày Tết đậm đà bởi có cả hương vị của tình yêu bố dành cho chúng tôi ở trong đó.
Bình luận (0)