Cha kể đó là một buổi chiều mồng 5 Tết, nội tôi gọi mọi người lại họp gia đình. Hôm đó, việc quan trọng nhất nội muốn bàn với mọi người là đám cưới giữa chú ba tôi và cô Châu. Cô Châu là con gái bạn lính của nội ngày trước, sau này khi đất nước đã giải phóng, hai gia đình chúng tôi vẫn có cơ hội qua lại rất gần gũi, thân quen.
Chú ba với cô Châu có thể gọi là tri kỷ, là thanh mai trúc mã bởi tuổi tác cũng chỉ xấp xỉ nhau, hai người lại tốt nghiệp chung một trường đại học. Trong mắt người khác, cô chú ấy chính là hai mảnh ghép vô cùng hoàn hảo.
Vậy mà trong buổi họp mặt hôm ấy, chú ba lại từ chối, lý do chú đưa ra xưa như trái đất là chưa muốn lập gia đình, còn muốn thăng tiến thêm vài năm nữa. Nội tôi phản đối ngay "Con gái có lứa có thì, anh bắt người ta đợi bao năm rồi, anh muốn đợi đến bao giờ nữa".
Gia đình nội tôi
Bị nội cùng gia đình phản đối, chú ba đuối lý thừa nhận "Nhưng con không yêu Châu, lấy con cô ấy sẽ khổ". Nội tôi đập bàn bôm bốp "Đồ vô trách nhiệm, mày bắt người ta đợi mày bao nhiêu năm, giờ chỉ một câu không yêu của mày là phủi hết trách nhiệm hay sao, tao nói cho mày biết, cuối năm nay mày không làm đám cưới với nó thì tao coi như không có đứa con như mày".
Vẻ mặt chú ba lúc bấy giờ vô cùng hoảng hốt, chưa đợi mọi người kịp bình tĩnh, chú quỳ sụp xuống dưới chân nội, sụt sùi đau đớn "Cha, con xin cha, con không thể lấy Châu được, con yêu người khác, người yêu con mang thai rồi".
Cả nhà tôi chết lặng, nội tôi tru tréo thêm một hai câu rồi ôm ngực khuỵa xuống, mọi người nhốn nháo hết cả lên, còn chú ba vẫn quỳ dưới đất. Bình tĩnh lại, nội tôi vớ cây gậy ba toong đập vào người chú đôm đốp "Đồ nghiệp chướng, cả đời tao chưa làm điều gì khiến lương tâm hổ thẹn, sao tao lại có đứa con bất hiếu bất nghĩa như mày".
Chú ba quỳ lết tới chỗ chân nội, ôm chân nội van xin "Cha, con xin lỗi, con xin lỗi cha". Nội đẩy chú ngã ra nền, cao giọng quát "không có lỗi phải gì ở đây hết, mày cưới con Châu đi, tao sẽ coi như không có chuyện hôm nay xảy ra". Chú lại lắc đầu nguầy nguậy "Xin cha, con không thể làm thế, giờ con đã có con, con không thể vô trách nhiệm với con con được".
Mắt nội tôi đỏ ngầu, long lên sòng sọc, nội gọi cha tôi thắp cho nội bó hương, cả gia đình tôi kinh hãi ngăn cản, cha tôi lên tiếng "Cha, thằng ba dù gì cũng là con cha, cha không thể làm thế". Nội tôi càng phẫn nộ hơn nữa "Hôm nay đứa nào mở miệng bênh vực thằng ba, tao từ luôn cả đứa đấy". Nghe thế, cả gia đình tôi kinh hãi ngậm chặt miệng, tròn xoe mắt nhìn nội sì sụp khấn vái trước bàn thờ tổ tiên.
Chú ba như con rối gỗ, cứng nhắc dập đầu trước nội 3 cái, mỗi cái dập đầu của chú làm lòng người đau xót. Lạy nội xong, chú lên phòng khóa chặt cửa, sớm hôm sau, không còn ai nhìn thấy chú trong nhà nữa.
Chú đi biền biệt bao năm, bao năm đó tôi không bao giờ thôi nhớ ánh mắt ngóng trông mỏi mòn của nội, mỗi khi có tiếng xe dừng ngay đầu ngõ, nội lập cập chống gậy bước ra nhưng lần nào cũng khiến nội thất vọng, hụt hẫng quay trở vào.
Gia đình tôi có thói quen lì xì bằng phong bao đỏ, năm nào nội cũng chuẩn bị cho trai gái cháu chắt mỗi người 1 bao. Nhưng khi phong bao trên tay đã phát hết bao giờ cũng thừa lại 1 cái, nội lại nhìn mãi vào cái phong bao ấy rồi lặng lẽ thở dài. Chỗ phong bao còn thừa nội bỏ vào một cái hộp thiếc, đến khi dọn nhà, tôi mở ra đếm có lẽ phải trên dưới 10 phong.
Nội tôi ngoài miệng cứng rắn nhưng trong ruột mềm, cha bảo trong mấy anh em chú ba giống nội nhất, từ ngoại hình đến tính cách. Nhưng giống nhau sao không thể hòa hợp cùng nhau, rõ là yêu thương nhiều lắm nhưng lời nói ra miệng lại xót như xát muối. Nội nói từ mặt chú trong khi tức giận, chú đi biền biệt bao nhiêu năm không thấy ngày về.
Nội ngày một già yếu, mỗi khi trái gió trở trời đau đến buốt ruột buốt gan nhưng tin tức về chú vẫn bặt vô âm tín cho đến Tết năm ấy, chúng tôi ngỡ tưởng như không còn hy vọng gì nữa thì chú về, dắt theo vợ và cậu con trai đã 8 tuổi về tạ lỗi với nội.
Nội nằm trong giường thiêm thiếp, không biết có phải do trời rét hay không mà khi chú vừa cất tiếng, tay nội run lên cầm cập. Ánh mắt vô hồn của nội như mắc màn sương mờ đặc quánh, khi nhìn thấy chú, lớp sương ấy cũng tản dần đi trả lại cho nội đôi mắt tinh anh và đầy nhựa sống. Nội cứ lặng yên nhìn chú không nói một lời dẫu trong lòng chất chứa, nhưng cảm xúc là thứ thiêng liêng không cách nào đong đếm được, thiêng liêng như thế nên đâu nhất định phải nói ra.
Chú kéo ghế, ngồi lặng yên bên giường nội, khi chú về cũng chỉ nói với nội được mỗi câu "Cha ơi con về rồi". Lời ít tình nhiều, tiếng "cha ơi" của chú sao thấm thía và nghẹn ngào đến thế. Chú nắm tay nội áp lên má, mắt nhìn nội trân trân không rời, lòng bàn tay nội lúc đầu lạnh lẽo, ủ trong tay chú dần dần có độ ấm lên, ánh mắt nội không còn nhìn xa xăm không rõ tiêu cự nữa, nội nhìn chú. Trong mắt nội lúc bấy giờ chỉ có mỗi chú thôi.
Nội không hề hỏi chú bao năm qua sống như thế nào. Với người sống lý trí và cũng đầy tình cảm như nội, có lẽ im lặng cũng là cách buông xuôi chuyện quá khứ, bởi khi nhắc lại rồi, vết thương lòng khó khăn lắm mới khép được miệng sẽ lại vỡ toạc ra.
Một khởi đầu mới đầy tốt đẹp, chú và vợ chuyển trường cho con trai về học gần nhà nội, cả gia đình chú cũng chuyển hẳn về ở cùng đại gia đình tôi. Hòa hợp sau bao năm chia cắt khiến trong lòng chúng vô cùng trân quý sự đoàn viên sum họp. Năm nào cũng thế, chúng tôi dù có đi xa đến đâu, năm hết Tết đến đều cố gắng về nhà.
Nội rời xa chúng tôi đã 9 năm, nhưng 9 năm ấy chúng tôi cũng chưa bao giờ quên trải nghiệm đoàn viên hằn vết thời gian và nước mắt. Mọi sự gặp gỡ và sum họp giữa những người thân yêu dù là trong khoảnh khắc thôi chúng tôi đều nâng niu trân trọng. Nội đi 9 năm, 9 năm ấy chú ba luôn bỏ vào chiếc hộp thiếc một phong bao màu đỏ.
Bình luận (0)