Đã hơn 30 năm qua, cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, anh em chúng tôi lại nôn nao chờ đến sáng mùng 1 để đi chúc Tết.
Mùng 1 chúc Tết ông bà, cha mẹ
Nghe kể lại, từ xưa, ông bà tôi đã có dạy rằng mùng 1 là ngày thiêng liêng nhất trong năm. Nên "Mùng 1 Tết cha" trở thành ngày vợ chồng con cái, anh em ruột thịt sẽ tập trung bên nội để cúng bái gia tiên và chúc Tết ông bà, cha mẹ bày tỏ hiếu đạo. Nội tôi có 10 người con và trên dưới 50 cháu. Cho dù trước đây đời sống kinh tế khó khăn hay giờ đã ổn định, nhưng sáng mùng 1 Tết, mọi người cũng phải tranh thủ tề tựu về nhà thờ dòng họ để lạy tạ và mừng tuổi ông bà.
Do chiến tranh, ông nội tôi mất sớm, một mình bà nội tảo tần nuôi 10 người con và đến giờ tất cả đều yên bề gia thất, nay lại có đầy đủ con cháu nội ngoại. Khi nội tôi còn khỏe, chính bà là người đầu tiên thắp hương, khấn vái ở nhà thờ họ. Bà khấn rằng: "Ông bà, cha mẹ ơi, nay mùng 1 Tết, con cháu về đây tề tựu bên bàn thờ của ông bà. Ông bà về đây chứng giám lòng thành kính của con cháu với, phù hộ tụi nó yên ổn làm ăn, sức khỏe dồi dào, tai qua nạn khỏi".
Con, cháu lần lượt mừng tuổi, chúc Tết bà nội
Năm nào cũng vậy, khi nghe nội khấn, chúng tôi đều nhìn xuống đất để che đi những giọt nước mắt chực trào. Sau đó lần lượt ba tôi, các cô, các chú và cuối cùng đến anh em chúng tôi. Trong giờ phút thiêng liêng ấy, dường như ai cũng thành tâm tin tưởng vào ông bà tổ tiên đang che chở, phù hộ mình trong cuộc sống, tạo thêm niềm tin vượt qua mọi khó khăn.
Sau đó, mọi người trở về nhà nội gần đó thắp hương cho ông nội. Khi ấy, bà nội mặc chiếc áo dài đẹp, trang trọng ngồi bên ghế tựa giữa nhà để con cháu mừng tuổi. Các cô, chú đứng theo thứ tự ngôi thứ: anh chị trước, các em sau, sau cùng là các cháu nội ngoại, mọi người đều mừng thọ bà bằng hai vái.
Mỗi đứa cháu cũng đều chuẩn bị một bao lì xì, một câu chúc hay, vui và có ý nghĩa từ trước nên tạo được không khí đầm ấm, thân thiện trong gia đình. Số tiền không đáng là bao nhưng nói lên nghĩa cử ấm áp tình người. Bà xúc động đến rưng nước mắt, mừng tuổi lại các con cháu bằng phong bao lì xì để phát lộc, lấy may.
Hình ảnh ấy luôn đọng lại trong tâm trí anh em chúng tôi từ lúc còn bé và cứ lặp đi lặp lại cho đến lúc trưởng thành. Những đứa bé trước còn gọi nội bằng cố, nay trình diện đứa con của mình bập bẹ "chúc sơ sống hơn trăm tuổi!", nghe qua ai cũng cảm động. Thời buổi công nghệ, chiếc điện thoại di động cũng trở thành máy ảnh, máy quay phim ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong từng năm rồi đưa lên Zalo, facebook để bạn bè cùng chia vui.
Bên mâm cơm đầu năm, chú bác, cô dì, con cháu có dịp hàn huyên nhắc lại những kỷ niệm năm qua, hỏi thăm chuyện làm ăn, cùng uống ly rượu đầu xuân và chúc nhau những điều may mắn và thăng tiến trong năm mới. Có lẽ chắc hiếm gia đình nào tổ chức đi chúc Tết hùng hậu như chúng tôi. Các chú lập thành một đoàn cùng đám cháu đến từng nhà trong đại gia đình để chúc Tết, trước những ánh mắt đầy ngưỡng mộ của bà con trong xóm. Nhiều người thấy vui cũng gia nhập cùng đoàn đi suốt ngày hôm ấy. Đây chính là điểm nhấn nên dù ai đi xa cũng mong muốn về đoàn tụ với gia đình trong ngày mùng 1 Tết.
Mỗi nhà đến chỉ 15 – 20 phút, uống ly bia để chúc tụng nhau, ai cũng thấy ấm lòng. Ngoài 10 nhà trong đại gia đình, nếu còn thời gian, chúng tôi còn đến chúc Tết bà con bên họ nội, ngoại bên nội. Đến đâu, gia chủ cũng mời bánh mứt. Nếu là đàn ông thân thích thì mời bia, rượu. Dĩ nhiên đó chỉ là uống để chúc mừng, không để ai say khướt vì còn phải sang nhà khác. Suốt mùng 1 Tết, chúng tôi sống trong niềm vui khi bà con trong dòng họ có dịp đoàn tụ đầy đủ.
Nghi thức chúc và ăn Tết những ngày đầu xuân bao giờ cũng để lại ấn tượng sâu đậm cho mọi người dân Việt nói chung và anh em chúng tôi nói riêng. Nội đã mất hơn 4 năm nhưng gia đình, dòng họ vẫn duy trì nếp sinh hoạt ấy. Chúng tôi thật may mắn là những người được thừa hưởng, bảo tồn và cố gắng giữ gìn đến thế hệ sau, thể hiện sự tri ân của con cháu với ông bà, cha mẹ hai bên nội ngoại.
Bình luận (0)