Vậy là tôi lại đón thêm một cái Tết xa xứ. Mấy năm gần đây, hầu như ngày nào tôi cũng nhớ quê hương nhưng da diết nhất vẫn là khoảng thời gian ngay trước Tết Nguyên Đán.
Mong đại gia đình tôi sớm đoàn viên như thế này
Nỗi nhớ nhà, nhớ Tết không những hiện diện khi tôi tỉnh thức mà còn len lỏi vào cả trong những giấc mơ. Lắm lúc tôi đang ngồi làm việc lại ngửi thấy mùi thịt kho, đang chơi với con lại thấy thoáng hiện trước mắt hình ảnh một con đường nào đó của TP HCM. Còn trong mơ, tôi được về Việt Nam, cùng mẹ và các dì đi chơi sắm Tết, như thông lệ hằng năm của gia đình thuở tôi còn độc thân.
Dạo ấy, cứ đến ngày đưa ông Táo về trời là tôi bắt đầu cảm nhận niềm háo hức lớn dần trong tim. Bố mẹ và chị em tôi sẽ bắt đầu vào guồng quay tất bật sắm sửa, nấu nướng, lau dọn. Suốt một tuần tính từ 23 tháng Chạp, trong nhà tôi sẽ rộn vang những bản nhạc Xuân quen thuộc. Nghĩ cũng lạ, những bài hát ấy chúng tôi nghe đi nghe lại bao nhiêu năm vẫn không chán. Cứ mỗi năm một lần, đến hẹn lại lên, chúng trở thành một phần tuy nhỏ nhưng không thể thiếu của bầu không khí rộn ràng những ngày giáp Tết đối với gia đình tôi.
Trước khi lập gia đình, có lẽ trong nhà, tôi là người hay cùng mẹ đi mua sắm vào khoảng thời gian trước Tết nhất. Tôi nhớ nhất là những buổi đi chợ hoa. Mẹ và các dì tôi luôn hẹn nhau đi cùng một ngày và thường là đi chợ hoa Đầm Sen. Sáng hôm đó, mẹ sẽ đánh thức tôi dậy từ lúc trời còn mờ sương vì "đi sớm mới mua được hoa đẹp". Tới nơi mẹ và các dì sẽ gửi xe vào bãi giữ của chợ rồi tất cả chúng tôi cùng nhau đi hết chợ để tìm ra chỗ bán hoa đẹp nhất mà rẻ nhất. Sau này nghĩ lại tôi thấy buổi đi chợ hoa đó chẳng khác nào một buổi hẹn hò riêng của cánh phụ nữ bên nhà ngoại tôi và trong ký ức của tôi thì cả cái chợ hoa Đầm Sen khi đó cũng toàn đàn bà con gái đến mua, rõ là "âm thịnh dương suy".
Sau một tuần tất bật mà vui với đủ thứ việc, cuối cùng cũng đến 30 Tết, ngày "đậm đặc" chất Tết nhất đối với tôi. Lúc này, căn nhà nhỏ của gia đình tôi như được thay áo mới với những bình hoa rực rỡ sắc xuân, với mâm ngũ quả dán giấy đỏ, với những món đồ trang trí.
Đến tận bây giờ, dù đã nhiều năm không được cùng bố mẹ và em trai đón Tết nhưng cứ hễ nghe ai nhắc từ Giao thừa hay 30 Tết là một khung cảnh thân thương lại hiển hiện trong đầu tôi như cuốn phim chiếu chậm, mà là phim 5D hẳn hòi.
Trong đó, phần thị giác là những hình ảnh của chương trình "Gặp nhau cuối năm" bốn người nhà tôi cùng ngồi xem vào tối Giao thừa; thính giác thì ngoài tiếng của chương trình còn có tiếng lầm rầm khấn vái bên mâm cúng của mẹ tôi; khứu giác có mùi hương trầm phảng phất mà mẹ tôi hay gọi là nhang Bắc; vị giác là vị của thịt đông, giò heo hầm măng, củ kiệu, dưa giá, dưa chua; và xúc giác là làn gió mát lạnh đêm cuối năm thổi qua khung cửa để ngỏ, mang theo niềm hân hoan đón xuân về của cả đất trời, của cỏ cây, chim muông và mấy mươi triệu người Việt Nam vào lan tỏa khắp từng ngõ ngách nhà tôi, thấm qua da thịt rồi cuồn cuộn theo từng mạch máu chạm đến trái tim của cả bốn người chúng tôi.
Tiếc thay, ngần ấy năm đón Tết cùng gia đình, vậy mà tôi chưa một lần nghĩ đến chuyện đặt máy quay ghi lại khoảng thời gian đặc biệt nhất trong năm đối với mình, cũng bởi khi ấy tôi xem nó là chuyện đương nhiên, để rồi giờ đây lại ngồi ôm nỗi nhớ nhung và hối tiếc trong lòng. Người ta nói cái gì đã mất đi rồi mới thấy quý, quả chẳng sai chút nào.
Chim non một khi đã đủ lông đủ cánh sẽ rời tổ bay xa. Tôi lập gia đình, ra riêng. Em tôi lấy học bổng sang Phần Lan du học. Hai năm sau, tôi cũng theo chồng đưa hai con về quê hương của anh là Scotland định cư.
Về Việt Nam ăn Tết trở nên xa xỉ với chúng tôi vì chi phí quá cao và thời gian cũng không dư dả, mấy năm nay còn vướng thêm các quy định hạn chế đi lại do dịch Covid-19. Ngôi nhà của bố mẹ tôi vào tối Giao thừa đã không còn cảnh mọi người quây quần bên nhau. Những cuộc gọi qua mạng kết nối ba đất nước dẫu có thường xuyên cách mấy cũng không thể khỏa lấp nổi khoảng cách địa lý quá lớn lao. Công nghệ thời nay dẫu đã tiên tiến nhiều hơn trước nhưng vẫn không thể mang đến cho tôi phần khứu giác, vị giác và xúc giác của cuốn phim 30 Tết năm nào.
Gửi nụ cười đến ông bà ngoại
Vợ chồng tôi chọn sống ở một làng nhỏ phía Tây Scotland với đồi, rừng, biển vì muốn các con mình lớn lên cùng thiên nhiên. Nơi này có phong cảnh nên thơ, cư dân tử tế nhưng lại không có người Việt nào ngoài tôi. Những ngày cuối tháng Chạp, trong khi TP HCM rực rỡ sắc mai vàng, rộn rã không khí đón xuân thì nơi tôi ở chẳng có chút gì gợi nhớ Tết, tiết trời cũng ảm đạm một màu xám của mùa đông.
Phong cảnh nơi gia đình tôi sinh sống
Chồng tôi tuy là người phương Tây nhưng vì đã được đón mấy cái Tết ở Việt Nam cùng gia đình vợ nên rất hiểu tâm trạng của tôi vào những ngày giáp Tết và luôn hỗ trợ tôi mang không khí Tết Việt vào nhà. Nhưng cũng như tôi, anh hiểu rõ rằng: nhạc chỉ cần lên mạng là có, đồ trang trí chỉ cần mày mò làm sẽ ra, món ăn chỉ cần chịu khó sẽ nấu được nhưng niềm vui sum họp cùng người thân, bên nhau chuyện trò rôm rả suốt mấy ngày Tết thì chúng tôi không cách nào tái hiện được.
Điểm sáng giữa bầu trời mùa đông âm u xứ Tô Cách Lan
Tôi hay leo đồi mỗi ngày để tập thể dục. Trên con đường này, tôi có một điểm dừng chân yêu thích. Chỉ là một mỏm đá nhìn ra biển nhưng đứng tại đó tôi có thể phóng tầm mắt thật xa về hướng Đông. Mỗi lần leo lên đó, thấy mặt biển và bầu trời mở rộng trước mắt, tôi lại thầm nghĩ phía xa kia, cách hơn 10 ngàn cây số là ngôi nhà nhỏ của bố mẹ tôi, nơi hai người đang kiên cường vượt qua nỗi thương con nhớ cháu không lúc nào nguôi để sống, để đợi ngày đoàn tụ.
Có nhiều lần, khi lặng lẽ đứng một mình nơi đây, tôi bắt gặp một, hai chú hải âu bay lượn ngang qua, khiến tôi phải tự hỏi: Sao tôi cũng là cánh chim rời tổ nhưng chỉ bay đi mà không thể quay về lúc mình muốn? Đã vậy thì, hỡi cánh chim đang bay lưng chừng trời kia ơi, có chở giùm tôi nỗi thương nhớ này, vượt đại dương ngàn dặm mang đến cho bố mẹ tôi hay chăng?
Phong cảnh gia đình nơi tôi sinh sống
Scotland giờ đây đã dỡ bỏ mọi quy định về cách ly, xét nghiệm khi nhập cảnh đối với người đã tiêm ngừa đủ nên vợ chồng tôi dự định sẽ mời bố mẹ sang ở chơi một thời gian và đón Tết Nguyên đán năm sau cùng chúng tôi.
Con gái tôi ngồi tư lự trên mỏm đá
Tôi bắt đầu mơ mộng đến một Giao thừa ấm áp với ba thế hệ giữa mùa đông Scotland. Các con tôi sẽ tíu tít cùng bà ngoại nấu các món ăn ngày Tết, háo hức nghe ông ngoại kể về các lễ hội đầu xuân của quê hương ông.
Mong sao dịch bệnh lui vào dĩ vãng, mọi sự thuận lợi để năm sau cả gia đình tôi có cái Tết đúng nghĩa, chúng tôi không còn cần đến công nghệ để kết nối với nhau mà quay về với những phương tiện tự nhiên nhất: cái ôm và hơi ấm.
Bình luận (0)