xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi: "Bên nhau ngày Tết": Lá rụng về cội

Nguyễn Thị Bích Nhàn

(NLĐO) - Hai mươi tuổi, tôi ôm hồ sơ lên núi làm cô giáo, đến hai hai tuổi lấy chồng - mối tình đầu mà tôi ngỡ đẹp nhất thế gian. Thế nhưng...

Tôi lấy chồng, sinh con; cùng chồng chung tay cho những nỗ lực an cư nơi vùng đất mới, một lòng vun vén, những mong bình yên cho tổ ấm nhỏ của mình nhưng rồi tai ương đã ập tới. 

Tôi gặp tai nạn giao thông, trở về từ cõi chết cũng cùng lúc chồng xác nhận đã có tình nhân. Mặc tôi van xin, bằng cách này hay cách khác, ra sức kéo cuộc hôn nhân đến kỳ đổ nát nhưng anh ấy vẫn đơn phương nộp đơn ly hôn. Hai tám tuổi, chúng tôi phải chia cách.

Đất khách quê người, một mình tôi vừa chăm con nhỏ vừa đi dạy, lại thêm sức khỏe èo uột sau những chấn thương nặng nề về thể xác lẫn tinh thần nên cầm cự được mấy năm rồi bỏ cuộc. Lực bất tòng tâm, cuối cùng tôi đành đứt ruột ôm con về tá túc nhà mẹ - chật chội vô cùng nhưng bao dung vô tận.

Thực tình, thời gian đầu sau ly hôn, tôi đã nghĩ tới phương án sẽ ôm con về với mẹ liền nhưng thấy con trai quyến luyến nhà nội nên không nỡ. Cuộc sống có vẻ ổn vì ông bà nội của con cũng bày tỏ quan điểm "không còn là con dâu thì sẽ coi như con gái". Tôi cũng tin như vậy nên an tâm công tác. Nhưng một thời gian sau, khi thấy tôi manh nha bắt đầu một mối quan hệ mới thì xung quanh có điều tiếng. Khi nghe được những lời chì chiết tới mức cay nghiệt, tôi suy sụp nhiều. Và cuối cùng, tôi phải quyết định đem con đi.

Về với mẹ, tôi bắt đầu cuộc sống mới. Cuộc sống sau ly hôn của tôi không đơn giản. Tổn thương dai dẳng, âm ỉ, tôi mất niềm tin, mất phương hướng. Cũng may có con trai, tôi xem đó là chỗ bấu víu cuối cùng của mình.

Năm năm ròng rã, cuộc sống của tôi, hạnh phúc của tôi là được nhìn con chơi, trông con ngủ. Mọi suy nghĩ, hành động của tôi đều nghĩ về con trước nhất. Con là thanh xuân, là những tổn thương chí mạng mà tôi đã đánh đổi được nên niềm vui tột bậc của tôi là ưu tiên kiến tạo niềm vui cho con.

Sau ly hôn, tôi vẫn để chồng cũ và gia đình anh ấy được liên lạc với con như những người lớn đáng kính. Nhớ hồi còn nhỏ, con ấm ức khi gặp ba chở người đàn bà khác trên đường đi học, về nhà kể với mẹ, gọi ba bằng "ổng", gọi người phụ nữ kia là "bà", tôi dạy con phải gọi bằng "ba", "dì". Tôi không dám nói mình cao thượng hay rộng rãi, bao dung gì hết. Chính xác là cũng từng đau, từng tủi, từng phẫn nộ tới mức hận tận xương tủy nhưng khi sóng gió qua đi, tôi nghĩ trẻ con không có tội, càng không nên lôi con trẻ vào "cuộc chiến" của người lớn. Tôi muốn con được vô tư, hồn nhiên chứ không nảy nở những ý nghĩ thù hận. Để tự xoa dịu mình, tôi luôn tâm niệm ý nghĩ: đó là ba ruột của con nên cứ dặn mình "chín bỏ làm mười".

Vì tâm niệm vậy nên những dịp hiếu hỉ, đặc biệt là mùa xuân, khi phía nội có ý định muốn đưa cháu về ăn Tết, tôi hỏi ý kiến con và đồng ý ngay lập tức nếu bé đồng ý. Tết là để về, về với nguồn cội, tôi nghĩ và tin vậy. Thế nên, liên tục nhiều năm, lúc con còn thơ dại - học mẫu giáo - cho đến bây giờ, đã là nam sinh lớp 10, mỗi mùa xuân về, tôi không bận tâm những ngổn ngang của quá khứ, không buồn phiền chuyện hay bệnh đau phải nuôi con một mình, không rầu rĩ ngày xuân người ta dắt con đi chơi còn mình chỉ ở nhà làm bạn với những quyển sách. Tôi bằng lòng với ý nghĩ muốn con có được những mùa xuân tuổi thơ thật ý nghĩa. Chẳng phải, người bất hạnh là người mùa xuân không có nơi để về sao? Nghĩ vậy nên tôi muốn con mình không bất hạnh. Con trai tôi có tổ tiên, có cội nguồn. Mùa xuân, được về sum họp với cội nguồn của mình, tôi xem đó là cách gián tiếp để dạy con bài học làm người.

Nhưng để làm điều đó, ngay từ đầu tôi không áp đặt mà chỉ khơi gợi. Thường cuối tháng chạp, biết ông nội cũng muốn cháu về nên tôi sẽ hỏi con có muốn về nội chơi Tết không. Nếu con trai đồng ý, tôi sẽ thu xếp đồ đạc, bảnh bao nhất có thể để con về nội. Nhiều người thân thấy cháu về núi ăn Tết, bỏ mẹ lủi thủi ngày xuân nên xót xa khuyên bận sau đừng như vậy nữa, mình đã buồn mà con cũng tội. Tôi còn bị la: dưới quê bao nhiêu trò Tết hay ho, lại cho con về xóm núi buồn hắt hiu.

Mấy dì, mấy ngoại "cám dỗ" con tôi bằng cách giới thiệu sát bên nhà có bài chòi, dưới quảng trường thị xã có rất nhiều trò chơi hấp dẫn cho trẻ con. Song, năm nào con trai tôi cũng chọn về nội. Con nói: "Cả năm, chỉ Tết con mới được về nội". Con nói mà mẹ thấm mẹ đau, cốt nhục tình thâm là thứ không thể cắt nghĩa bằng lý trí được. Con còn rất nhỏ nhưng đã có ý niệm tự nhiên như vậy, tôi làm mẹ, lại là cô giáo, đã trúng ý rồi, tôi phải vui vì con sống nghĩa tình chứ sao lại buồn nỗi buồn vặt vãnh - Tết phải lủi thủi một mình?

Xuân nào cũng vậy, mỗi khi con ở nhà nội về thì những ngày Tết cũng hết. Tôi hỏi con đã chơi những gì, đã gặp những ai, vui như thế nào. Không có trò chơi, Tết trên núi không nhộn nhịp rộn ràng như dưới ngoại. Con tôi chỉ ở nhà chơi với các em con cô, chú; qua nhà bạn Hùng hồi học mẫu giáo chung. Tối hai chín Tết, con tôi có ngồi canh nồi bánh chưng với ông nội – chỉ có vậy. 

Hỏi là để thể hiện sự quan tâm thôi chứ tôi quá rõ. Bảy năm ở xóm núi, một vùng kinh tế mới, mùa xuân rất đơn sơ, mộc mạc và giản dị như những núi đồi. Biết không có gì nhưng tôi vẫn muốn tạo "kịch tính" bằng những câu hỏi có vấn đề. Con kể, tôi lắng nghe hết những câu chuyện và nhìn thấy niềm vui lấp lánh trong đôi mắt thơ ngây, vậy là đủ rồi. Tôi đã tìm thấy động lực để những mùa xuân sau lại tiếp tục ở nhà một mình cho con về nội đoàn tụ.

Và như thế, nhiều mùa xuân tiếp theo - tôi lại trơ trọi một mình. Có mạnh mẽ thì vẫn là một người phụ nữ dễ tổn thương, mau nước mắt. Mỗi khi thấy người ta dắt con đi chơi, hay mỗi lúc lì xì cho một đứa trẻ khác, tôi bỗng nhớ con trai đến phát khóc. Buồn khủng khiếp, tôi gọi đó là những mùa xuân cô đơn. Nhưng tôi vẫn tin cái lý "lá rụng về cội" chắc chắn sẽ tồn tại giữa cuộc đời như một điều hiển nhiên, đặc biệt là trong dịp Tết. Vì vậy, buồn kệ buồn, tôi vẫn muốn con là đứa trẻ may mắn vì mùa xuân còn có nơi về...

                                                          

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo