Hình bóng bố trong hoài niệm của chúng con khi Tết về
Cũng đã 13 mùa xuân, thời gian trôi nhanh, chừng ấy thời gian khi những cành đào đang thắm nụ, những bông mận, mơ trắng xóa khoe mình trên những triền đồi, sườn núi. Những thảm cải đang dệt lên bức tranh xuân vàng óng ả thì cũng là chừng ấy khoảng thời gian chúng tôi thiếu vắng hơi ấm, hình bóng bố.
Cứ khoảng 23 tháng Chạp trở đi, hòa vào cái không khí bận rộn đầy khẩn trương của người người, nhà nhà thì cũng là lúc cái không khí xuân đã rộn ràng len lỏi vào từng phên dậu, mái ngói của những ngôi nhà, xa hơn nữa là những bản làng luôn ẩn hiện dưới những lớp sương mù trắng xóa. Để rồi năm nào cũng vậy chúng tôi như một thói quen đã được lập trình sẵn, mỗi chị em chẳng ai bảo ai mỗi người một việc chuẩn bị hoa quả, bánh mứt,… để dâng lên bàn thờ tổ tiên của gia đình.
Bà ngoại cùng cháu rửa lá dong chuẩn bị gói bánh sáng 28 Tết
Sẽ là thiếu sót nếu trong mâm cơm ngày Tết thiếu đi những món ăn mang đậm truyền thống gia đình mà ngày trước khi còn sống bố tôi luôn là người tự tay sắm sửa, chuẩn bị, chúng tôi nhận nhiệm vụ "phụ bếp". Những chiếc giò xào tự tay bố chế biến rồi cũng tự tay bố gói, nén ép để chiếc giò ra bớt mỡ và thêm phần rắn chắc. Rồi đến những quả nem chua mà như bố bảo: "Nếu mang thịt nạc đi xay nhuyễn thì đơn giản quá và nó sẽ thiếu đi linh hồn cũng như hương vị quê lúa Thái Bình nhà ta ", chính vì vậy để cho những chiếc nem thêm đặm đà, chứa hồn quê thì việc đầu tiên là cậu út sẽ thay bố đảm nhiệm việc giã thịt đến khi thịt nhuyễn và quện vào nhau.
Chiếc nem bố làm không bao giờ thiếu bì lợn thái sợi mỏng, tỏi băm nhuyễn và để nem lên men thì thính làm từ gạo rang xay nhuyễn là một phần tất yếu. Nêm nếm gia vị vừa ăn, chia từng quả nem vừa lòng bàn tay rồi lấy lá sung bọc ngoài, khâu lấy lá chuối bọc lại cùng lạt buộc cố định lá chuối là đã hoàn tất những chiếc nem. Một món ăn chứa hương vị ngày Tết của gia đình tôi.
Tết cổ truyền của bà con Tây Bắc không thể thiếu món thịt trâu, bò khô treo gác bếp với vị cay nồng của ớt, vị thơm của tỏi, của hạt mắc khén rừng quện cùng vị ngọt của những thớ thịt vừa đủ độ khô. Trong cái tiết trời rét ngọt, cùng vài hạt mưa xuân có đĩa thịt khô mời khách nhâm nhi càng làm cho hương vị ngày Tết cũng như tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt, câu chúc đầu năm mới thêm sâu sắc ý nghĩa.
Các cháu cùng mợ gói bánh chiều 28 Tết
Cứ ngày 28 hoặc 29 Tết, mẹ tôi với nhiệm vụ đãi gạo, đồ đỗ - một công việc mẹ luôn muốn tự tay làm vì "ngày còn sống bố chúng bay vẫn bảo: "Mẹ mày đãi gạo, đồ đỗ làm cho chiếc bánh tôi gói thêm dền hơn thì phải". Mấy chị em tôi và các cháu người chẻ lạt người rửa lá, lau lá, rửa khuôn, mỗi người một tay là bắt đầu đã chuẩn bị xong nguyên liệu gói bánh chưng. Để rồi, khi những chiếc bánh được đặt ngay ngắn bắc lên bếp lửa than rực hồng là y rằng đứa cháu nào của mẹ cũng đòi trông và chỉ một chút là thấy chán.
Nhớ lại mấy năm đầu sau ngày bố mất, một phần vì công việc một phần các cháu của bố còn nhỏ, mấy chị em chúng tôi tính "bàn lùi " với mẹ: "Hay là năm nay nhà mình đặt bánh chưng, đặt giò xào người ta làm đi mẹ,.. ". Chưa đợi chúng tôi nói hết câu, đôi mắt mẹ cụp xuống, đượm buồn, chực khóc: " Một năm chỉ có 3 ngày Tết, nếu đứa nào cũng bận mẹ sẽ làm một mình, ngày bố mấy đứa còn đã bao giờ mấy đứa thấy nhà mình sắm Tết mà mua bánh chưng hay giò xào ở chợ chưa?". Biết là lỡ lời với mẹ, mấy chị em xin lỗi bà rối rít và tự rút kinh nghiệm không có lần tái phạm nào nữa.
Để đến bây giờ, mỗi khi nàng xuân thấp thoáng trên những nụ đào hay những lộc non vừa nhú, nhìn thấy bố mẹ cùng bà chuẩn bị gói bánh chưng là lũ trẻ khuôn mặt đứa nào cũng háo hức, lăng xăng. Chẳng trách ngày trước bố vẫn bảo ba chị em tôi lúc bằng tuổi các cháu bây giờ: "Nhà nhà gói bánh chưng là Tết đã đến cửa ". Cảm giác háo hức được bố dạy gói bánh, được lau lá hay cắt lá khiến chúng tôi thêm phấn chấn và ước Tết không chỉ có 3 ngày mà phải nhiều hơn nữa. Nhìn nụ cười, niềm vui bọn trẻ chúng tôi lại càng thêm nhớ bố, nhớ cái cảm giác đón Tết đơn sơ mộc mạc nhưng không kém phần ấm áp của gia đình mình khi xưa…
Một mùa xuân mới lại về với "mùi Tết " - Mùi của tình thân
Và rồi, trong cái không khí rộn ràng đầy hứng khởi, khi bản nhạc xuân của nhà hàng xóm vẫn đang reo ca hạnh phúc chào đón xuân về, mẹ tôi đã chuẩn bị sẵn một nồi nước tắm của cây mùi già. Cứ trước Tết 2 tháng mẹ dành một khoảnh vườn nhỏ gieo riêng những cây mùi thơm ngào ngạt kia để đón Tết. Mẹ muốn mùi thật già vì khi ấy cây mùi giữ lại được sự tinh túy, hương thơm của nó sẽ thêm nồng.
Lần lượt từng đứa cháu rồi đến lượt các con được cảm nhận lại cái mùi quen thuộc chiều 30 Tết thơm lừng hương mùi già, gột sạch những điều không may mắn của năm cũ. Cả nhà được quây quần bên nhau lau dọn, tắm gội, tóc ai cũng thơm ngát cái mùi quen thuộc, " mùi Tết " - nhất là lũ trẻ. Thứ mùi quen thuộc của tuổi thơ đầy khó khăn, vất vả của bố mẹ tôi nhưng vẫn cố lo cho các con một cái Tết trọn vẹn.
Mâm cơm tất niên dâng các cụ tối 30 Tết
Bọn trẻ quần áo xúng xính háo hức được ngồi thưởng thức những món ăn mang đậm truyền thống gia đình trong hương thơm đầm ấm của nhang trầm. Được nghe bà kể chuyện với đôi mắt ngân ngấn nước đầy hoài niệm cùng niềm hạnh phúc vô bờ về "ông ngoại các con " mãi chẳng chán, được chờ cùng cả nhà đón đêm giao thừa ấm áp hương vị tình thân trong tiết trời xuân mưa lây phây lắc rắc. Thời khắc ấy cả nhà đoàn tụ và cùng dành ra một khoảng thời gian để tưởng nhớ đến: "Người đã thổi hồn và gìn giữ những nét đẹp văn hóa của gia đình, của dân tộc".
Năm cũ sắp qua, năm mới Nhâm Dần đang tới thật gần. Bà ngoại bọn trẻ đang cầm trên tay những phong bao lì xì màu đỏ thắm – màu của may mắn để chuẩn bị mừng tuổi các con, các cháu. Chúng tôi trên môi đều nở nụ cười, đưa tay nhận lời chúc tốt đẹp từ mẹ. Tôi chợt nhận ra dù cho chúng tôi đã trưởng thành, có gia đình riêng cùng những đứa trẻ của riêng mình thì với mẹ, chúng tôi vẫn chỉ là những đứa con vẫn mãi vụng dại thơ bé ngày nào.
Bất giác, tôi thấy mình thật may mắn bởi Tết của mấy chị em tôi hay của các cháu vẫn thật đong đầy khi có mẹ. Nhìn mái tóc mẹ đã thêm nhiều sợi bạc tôi lại càng thêm yêu mẹ nhiều hơn bởi nhờ những năm tháng tảo tần sớm hôm của những đấng sinh thành mà mấy chị em tôi mới có được những cái Tết đoàn viên ấm áp tình thân như bây giờ.
Bữa cơm sum vầy cùng các món ăn cổ truyền ngày Tết của gia đình
Có câu: "Còn mẹ, tâm sự nỉ non – Mất mẹ, xử chuyện vuông tròn với ai?". Tôi mong, Tết năm nào cũng sẽ là cái Tết chúng tôi được cảm nhận hơi ấm của mẹ, được nghe mẹ càm ràm mỗi khi các con các cháu có sự thiếu sót. Hay chỉ là một mong ước thật nhỏ nhoi để mỗi khi xuân về chúng tôi lại được nghe câu hỏi luôn lặp đi lặp lại hàng năm: "Hăm mấy các con về ? ".
Chỉ vậy thôi tôi đã thấy hạnh phúc đong đầy. Bởi thanh xuân của chúng tôi vẫn còn dài, còn với mẹ mỗi khi xuân sang cũng là lúc quỹ thời gian chị em tôi có mẹ càng dần ít đi. Tôi thầm ước một điều ước tưởng chừng như bé nhỏ mà cũng hết sức lớn lao: Năm nào chúng tôi cũng được cảm nhận "mùi Tết" - Mùi của tình thân vì ở đó chúng tôi được hít hà mùi của mẹ - Mùi của yêu thương, mùi của hạnh phúc.
Bình luận (0)