Ngày mồng 1, con cháu nội ngoại tập trung lại, ai cũng bảo ông đừng bi quan, bảo bà thèm món gì, thích cái gì để con cháu mua tặng. Lần đó, ông ngồi trầm ngâm bên điếu thuốc lào, còn bà bỏm bẻm nhai trầu "tuổi này thì chẳng thèm, chẳng thích gì nữa, chỉ mong con cháu gần bên để chuyện trò cho vui".
Tôi giật mình nhớ ra suốt 2 năm nay tôi mới về gặp lại ông bà một lần này. Và không chỉ riêng tôi, đám cháu chắt khoảng vài chục đứa cũng không về Tết thường xuyên nữa. Đô thành, công việc, con cái, tiền nhà, đám cưới, bạn bè đã làm chúng tôi ngày càng rời xa ông bà thật rồi!
Ông bà tôi chăm đàn gà
Đại gia đình tôi ngày xưa mỗi khi Tết đến việc đầu tiên là sắm sửa cửa nhà cho ông bà. Từ khoảng hai mươi mấy Tết cô bác chú cùng con cháu nội ngoại hẹn nhau cùng đến. Người lớn lo bổ củi, sửa lại mái tranh, lau dọn bàn thờ, trẻ con như chúng tôi làm cỏ ngõ, quét dọn nhà và rửa chén bát. Riêng việc đi chợ ông bà "không thích nhờ", vì những Tết năm đó ông còn khỏe có thể cuốc bộ vài cây số để sắm thịt cá.
Tôi nhớ những lần đó ông bà vui lắm. Lúc nào, khi con cái tập trung về ông bà cũng đã mang trên mình bộ quần áo đẹp nhất - những bộ mà con cháu may tặng được bà cất trong thùng phi cũ với vài lớp ni-lon buộc chặt, mỗi năm chỉ mặc một lần.
Rồi căn nhà tràn ngập với không khí se lạnh cuối năm và mùi thịt gà xáo bắt đầu ngự trị trong căn bếp. Bên chiếc kiềng ba chân, củi nhóm chung quanh cháy rực, bốn bề là tường làm bằng đất trộn rơm xen vài tấm phên nứa… tỏa lên một thứ hơi ấm đặc biệt vô tư.
Đại gia đình tôi ngồi đó, bên cạnh ông bà nghe tiếng từng thanh củi nổ tí tách. Tôi không hiểu vì sao chính những khoảnh khắc lặng im nhìn lửa cháy trong triền miên này khiến tôi nhớ rất nhiều. Nhiều lần, khi từ TP HCM về nhà, tôi ngồi nhóm bếp rồi miên man nghĩ rằng giá tôi có thể ở lại đây và sống như tôi của ngày xưa với ông bà cha mẹ trong những tháng ngày không vội vã, ra đồng rồi về nhà, làm rồi nghỉ ngơi, đông tàn rồi xuân đến và những ngày nắng ngày mưa xen kẽ.
Sau ngày sắm sửa cửa nhà con cháu chúng tôi luôn tề tựu bên ông bà suốt mấy ngày Tết. Vui nhất là sáng mồng 1, ai cũng gắng đến sớm nhất để tỏ lòng hiếu thuận. Và đây cũng chính là ngày mà tôi thấy ông bà hạnh phúc nhất trong ánh mắt long lanh và miệng không ngớt gọi tên từng đứa cháu.
Ông luôn nhận "trọng trách" phát lì xì! Đó là công việc ông vui nhất vì được mặc chiếc vest cũ trịnh trọng, được nói ra những lời tự đáy lòng, được nhìn con cháu hạnh phúc… Còn bà vừa nhắc ông, vừa nói chuyện xa xưa và vừa làm công việc thường ngày của bà: bổ cau, têm trầu!
Thế rồi những cái Tết năm đó chia xa thật! Bây giờ, cháu con chúng tôi đều tha hương thường ăn Tết ở những nơi rất xa. Những mùa Tết cách ông bà hơn 1.000 cây số đành chúc qua điện thoại. Lần nào ông bà cũng bảo không sao, Tết ngoài này ông bà vui lắm, nhưng tôi biết trong đôi mắt ông bà luôn có một nỗi buồn!
Mấy Tết năm nay đại gia đình chúng tôi không còn thể tụ họp sắm sửa cửa nhà cho ông bà nữa. Tết với ông bà trở về những ngày bình thường, có khác là con cháu ghé đến đưa ông bà con cá hoặc ký thịt lợn. Hoặc nếu không biết mua gì thì đưa ông bà "vài tờ" mà như lời ông tâm sự: "tiền mới đến mức đem cạo râu cũng được".
Như tôi 2 năm nay mới về một lần, có gia đình nên Tết tôi luôn bận rộn chuyện nội chuyện ngoại. Ngày mồng 1, gia đình nhỏ của tôi ghé chúc ông bà mà lòng còn bận tâm bao cuộc hẹn. Trong căn bếp ông bà giờ đây không ai nhóm lên nữa, mọi thứ đều được mua sẵn từ khi ông yếu hơn.
Mẹ tôi bảo, Tết với ông bà bây giờ chỉ cần người nói chuyện là được. Chỉ cần một người ngồi kề bên, lắng nghe và ậm ừ cho ông bà biết có người đang nghe mình. Vì đã nhiều năm nay, khi con cháu rời quê nhà ông bà không có ai tỉ tê trò chuyện. Thế rồi những mùa Tết nay ngôi nhà trống vắng chỉ còn tiếng côn trùng đáp lại tiếng thì thầm của ông bà.
Tôi không biết trả lời ra sao với mẹ. Vì sau Tết tôi lại vào TP HCM và quay cuồng với cuộc sống thường nhật của riêng mình. Tôi biết, một ngày nào đó những mùa Tết nay bên ông bà rồi sẽ trở thành Tết xưa, như chính bao mùa Tết cha tôi đã bỏ lại.
Bình luận (0)