Khép lại cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2, nhiều độc giả, trí thức trong và ngoài nước vẫn mong mỏi có một diễn đàn, một kênh thông tin để gửi đến lãnh đạo TP HCM những đóng góp tâm huyết, trí tuệ cho thành phố. Từ thực tế đó, Ban Biên tập Báo Người Lao Động quyết định phát động cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 (năm 2021-2022).
Tập trung 3 chủ đề chính
Dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 5-2021 đã và đang gây ảnh hưởng nặng nề đến TP HCM - trung tâm kinh tế, đầu mối giao thông, giao thương nhộn nhịp bậc nhất khu vực phía Nam và cả nước. Vì lẽ đó, từ nay cho đến sau khi tình hình dịch bệnh tạm ổn, TP HCM phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức. Bên cạnh việc kiểm soát dịch Covid-19 càng sớm càng tốt, thành phố cần tập trung xử lý nhiều vấn đề, thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, phục hồi và duy trì tăng trưởng kinh tế, tiếp tục phát triển cùng cả nước và vì cả nước.
Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã thúc đẩy nền kinh tế công nghiệp truyền thống phát triển và dần chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức với những yếu tố cốt lõi, gồm: Trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data), có tác động sâu sắc đối với hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội trên toàn thế giới. Ở góc độ chính sách, việc phát triển kinh tế số và kinh tế tri thức có một quan hệ biện chứng, thúc đẩy lẫn nhau cùng tăng trưởng. Trong đó, quá trình chuyển đổi số là bước đi bắt buộc phải có để tiến tới nền kinh tế số.
TP HCM cần có những hiến kế để xây dựng thành phố ngày càng phát triển nhanh và bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước..Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Trong thời gian qua, TP HCM đã thành lập và phát triển chuỗi Công viên Phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Ươm tạo chuyên về trí tuệ nhân tạo, Công viên Khoa học và Công nghệ tại Khu Công nghệ cao, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán… TP HCM cũng là địa phương đầu tiên ban hành Chương trình chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, chính quyền số và xã hội số...
Ngoài ra, mục tiêu phát triển định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định là không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.
Như vậy, đổi mới sáng tạo, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh bền vững - những nhân tố chính của nền kinh tế tri thức - đều là các mục tiêu phát triển của TP HCM. Trong đó, thành phố đặc biệt nhấn mạnh phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế ở các lĩnh vực ưu tiên; phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh mẽ thông tin, truyền thông, xây dựng đô thị thông minh…
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề mở: 1. Các giải pháp nhằm duy trì, phục hồi và phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19;
2. Hiến kế để TP HCM giữ vững đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Nên làm gì để chuyển đổi số thành công?
Với các chủ đề chính nêu trên, cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 kỳ vọng sẽ có sự tham gia của các trường đại học, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục, công nghệ…, đặc biệt là các kiều bào, chuyên gia nước ngoài đang giảng dạy ở các trường đại học; giúp các hiến kế đi vào chiều sâu, chất lượng, phù hợp và có thể áp dụng sớm cho TP HCM.
Tạo sự tương tác với chính quyền
Phát biểu tại lễ trao giải cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức nhận xét cuộc thi là một diễn đàn mở để những người có tâm huyết với TP HCM cùng trao đổi, thảo luận, có thêm nhiều ý tưởng chất lượng cho thành phố. Ông Dương Anh Đức góp ý ở cuộc thi lần 3, ngoài việc đăng ý tưởng, hiến kế của các tác giả, Báo Người Lao Động nên ghi nhận thêm góp ý, bàn luận của độc giả, chuyên gia về tính khả thi của hiến kế để nó hoàn thiện hơn.
"Với những ý tưởng độc đáo, có giá trị, chúng ta cần hỗ trợ những điều kiện cần thiết để ý tưởng thành đề án cụ thể, sớm triển khai thành hiện thực. Khi đó, giá trị cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" của Báo Người Lao Động sẽ được nhân lên" - ông Dương Anh Đức nhìn nhận.
Đồng quan điểm, TS Trần Du Lịch - chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - cho rằng những ý tưởng chưa thể đi vào cuộc sống là do thiếu giai đoạn đầu tư tiếp theo để chuyển từ ý tưởng sang các dự án cụ thể. "TP HCM nên đầu tư cũng như giao nhiệm vụ cho các sở, ngành triển khai nghiên cứu những hiến kế đó để có thể biến thành những giải pháp mà thành phố có thể thực thi. Làm được như vậy thì tâm huyết của người tham gia hiến kế sẽ có giá trị khi phục vụ được cho sự phát triển của TP HCM" - ông Trần Du Lịch góp ý.
Ông Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM, cho rằng Báo Người Lao Động có thể chọn ra một vài hiến kế, cũng có thể là những ý tưởng có nội dung liên quan nhau, để tổ chức tọa đàm, mời chuyên gia bàn luận sâu thêm, từ đó chuyển thành dự án khả thi để trình lãnh đạo TP HCM. Ngoài ra, báo vừa đăng tác phẩm hiến kế vừa lấy ý kiến cơ quan chức năng về những hiến kế đó, tạo sự tương tác với chính quyền thì cuộc thi sẽ hấp dẫn hơn.
Gửi kèm đề án, giải pháp thực hiện
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 nhận tác phẩm tham dự từ ngày 14-8-2021 đến ngày 28-7-2022 (ngày kỷ niệm 47 năm thành lập Báo Người Lao Động). Tác phẩm hiến kế gửi về Báo Người Lao Động là những tác phẩm chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào. Ngoài các bài viết để đăng báo, tác giả có thể gửi kèm đề án, phương án triển khai, giải pháp thực hiện.
Bài viết vui lòng gửi về địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn.
Bình luận (0)