Tiếp nối thành công cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 1 (phát động năm 2019, trao giải năm 2020), cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 đã được phát động, bắt đầu từ ngày 4-6-2020 đến hết ngày 31-5-2021 với 3 nhóm chủ đề chính: "Đô thị thông minh", "Khởi nghiệp - thương hiệu của TP HCM" và "Bản sắc văn hóa đô thị TP HCM".
Tâm huyết, trách nhiệm
Qua gần một năm, Ban Tổ chức đã nhận được sự tham gia của đông đảo bạn đọc, trong đó có nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý, chuyên gia trong các lĩnh vực... hiến kế cho TP HCM.
Mỗi tác phẩm là những ý tưởng hay đi cùng giải pháp cho từng vấn đề, từng lĩnh vực. Những hiến kế đoạt giải cũng đáp ứng khá đầy đủ tiêu chí: nội dung đúng chủ đề; có giải pháp cụ thể, thiết thực, gần gũi với đời sống; có khả năng triển khai ứng dụng vào thực tiễn, qua đó phục vụ tốt cho đời sống người dân và góp phần vào việc xây dựng TP HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình... Tuy nhiên, trên tất cả, mỗi tác phẩm không đơn thuần chỉ để tham dự cuộc thi mà đó còn là tâm huyết, ý thức trách nhiệm và tình cảm yêu quý TP HCM của các tác giả.
Cũng vì vậy, hiệu quả lớn nhất của cuộc thi chính là huy động được sự chung tay góp sức của mọi tầng lớp nhân dân đóng góp ý kiến, giải pháp, ý tưởng, những thông tin phản biện khoa học..., giúp cho lãnh đạo thành phố đưa ra chủ trương, chính sách cho sự phát triển của TP HCM.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP HCM)Ảnh: Hoàng Triều
Chiến lược, giải pháp cụ thể
Góp ý cho chiến lược xây dựng "đô thị thông minh", tiến sĩ Sơn Thanh Tùng và thạc sĩ Trương Thanh Thảo cho rằng cải thiện chất lượng cuộc sống qua việc cung cấp các dịch vụ công; tiện ích đô thị hiệu quả hơn; bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường là mục tiêu của xây dựng "TP thông minh". Đặc biệt, khuynh hướng phát triển TP thông minh" cần được tích hợp với xu hướng "TP xã hội". Trong đó, sự tham gia của người dân vào các hoạt động của cộng đồng và trong quá trình ra quyết sách là vấn đề mấu chốt nhằm tạo ra một xã hội công bằng. Tác giả Bùi Quang Bình lại cho rằng để có "đô thị thông minh", trước hết phải có con người thông minh. Tiếng Anh không chỉ để giao tiếp hay làm việc mà nó còn thay đổi cách suy nghĩ, nâng tầm tư duy, mở rộng hiểu biết, đồng thuận tinh thần cho người dân và lãnh đạo. Việc công nhận tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai trong bối cảnh hiện nay là điều nên và cần phải làm.
Với tác giả Tôn Thất Thọ, chú trọng mảng xanh ở đô thị cũng có thể coi là tiền đề để xây dựng một đô thị thông minh - đô thị xanh. Để công viên, cây xanh được phát triển theo đường hướng đúng, xã hội hóa đầu tư công viên là việc cần thiết và cần phải làm. Tác giả Tôn Thất Thọ đã đề xuất một số giải pháp để thu hút mạnh mẽ hơn nguồn lực xã hội tham gia vào việc đầu tư thực hiện, quản lý khai thác cây xanh một cách hiệu quả và khả thi.
Kiến trúc sư Nguyễn Đình Hòa hướng đến giải pháp phát triển giao thông công cộng (GTCC). TP HCM đang thiếu hệ thống trạm trung chuyển GTCC, để phát triển GTCC, cần tiến hành điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị toàn TP (đặc biệt là các khu trung tâm TP và các quận nội thành hiện hữu) để bố trí hệ thống trạm trung chuyển GTCC, đồng thời thực hiện một số giải pháp để dự án này được khả thi.
Phát triển phố đi bộ theo hướng hiện đại, văn minh, tác giả Bùi Thanh Tương Quan đề xuất TP HCM khai thác thêm nhiều loại hoạt động cho phố đi bộ, ban hành quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ. Nên quy hoạch, phát triển bờ Đông và Tây của sông Sài Gòn thành không gian đi bộ thông suốt với cảnh quan thiên nhiên mát mẻ, hạn chế chia cắt giao thông. Song song đó, xây dựng các cầu bộ hành quy mô hiện đại kết nối hai bờ, có cả nhà hàng, quán ăn, quầy lưu niệm hoặc các điểm dừng chân hóng mát...
Gỡ khó cho các đại dự án giao thông của TP HCM, kỹ sư Trần Văn Tường lưu ý cần chính sách đột phá để tập hợp đủ nguồn lực, huy động thêm nhiều nguồn vốn, đặc biệt là tận dụng nguồn lực trong nước. Ngoài công khai, minh bạch và hài hòa lợi ích các bên, cần chính sách bảo lãnh rủi ro và lợi nhuận cho nhà đầu tư; kiến nghị điều chỉnh bổ sung quy định pháp lý chưa phù hợp; linh hoạt đột phá bảo lãnh doanh thu cho nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn...
Để TP HCM trở thành trung tâm khởi nghiệp, có tác giả đề xuất phải giải quyết bài toán giáo dục phổ thông và thúc đẩy vai trò tham gia của hệ thống đại học với tư cách không chỉ là nơi thúc đẩy các ứng dụng thương mại hóa kết quả nghiên cứu mà phải là nơi trang bị tâm thế khởi nghiệp cho thế hệ trẻ. Cũng có tác giả cho rằng cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ về thủ tục hành chính, thị trường trong nước và kết nối với thị trường nước ngoài... Nhiều tác giả góp ý cần tìm bản sắc riêng cho TP HCM bởi việc định vị văn hóa TP HCM, tìm ra bản sắc riêng, tạo nên điểm nhấn, mang tính "thương hiệu" là một trong những việc cần quan tâm và định hướng trong sự phát triển bền vững ở tương lai.
Có thể thấy, những ý kiến đóng góp cho cuộc thi là những tâm huyết, được chắt lọc, đúc kết của cả quá trình làm việc, quan sát, cống hiến của các tác giả ở từng vị trí của họ. Đây cũng là những trăn trở và kỳ vọng về quá trình phát triển của TP HCM trong tương lai.
Bình luận (0)