TS HUỲNH TRUNG MINH, chuyên gia kinh tế: Đó là tâm huyết và kỳ vọng
Những ý kiến đóng góp cho cuộc thi là những tâm huyết của các chuyên gia, doanh nghiệp ở từng vị trí của họ, với sự trăn trở và kỳ vọng về quá trình phát triển của TP HCM. Đây là những ý kiến được chắt lọc, đúc kết của cả quá trình làm việc, quan sát, cống hiến… Do đó, chúng tôi mong muốn có thêm những cuộc thi lắng nghe hiến kế, quan trọng hơn cả là sau các cuộc thi, các sở, ban, ngành và lãnh đạo TP ghi nhận, tiếp thu những ý kiến này, có thể sử dụng các hiến kế nếu thấy phù hợp, cần thiết để người đóng góp cảm thấy được trân trọng và góp phần vào sự phát triển của TP.
Sau các cuộc thi, Báo Người Lao Động có thể tổng hợp những ý kiến hiến kế của chuyên gia, doanh nghiệp để gửi lãnh đạo các cấp, chính quyền TP nhằm đem lại hiệu quả thiết thực.
Giao lưu với 2 tác giả đoạt giải tại buổi trao giải cuộc thi “Lắng nghe người dân hiến kế” lần 1 .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Trung tá TRẦN BỬU TÙNG, nguyên cán bộ Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM: Càng về sau, hiến kế càng chất lượng
Ngay từ đầu, khi Báo Người Lao Động mở cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế", tôi đã quan tâm và tham gia viết. Ở cuộc thi lần 2 này, tôi nhận thấy càng về sau, những ý kiến hiến kế càng chất lượng hơn. Điều tôi thích khi theo dõi cuộc thi này là ai cũng có thể tham gia hiến kế, từ giới chuyên gia đến cán bộ hưu trí, người dân. Mỗi độ tuổi, mỗi công việc có những góc nhìn khác nhau, ý kiến hiến kế vì vậy mà toàn diện hơn. Trên báo in đã sôi nổi, bài viết đăng tải trên hệ thống báo điện tử lại càng sôi nổi hơn bởi có thêm nhiều bình luận, nhiều ý kiến phản biện phía dưới mỗi bài viết.
Tôi là người sinh ra và lớn lên tại TP HCM. Nhận thấy có một thời gian, bản sắc văn hóa của TP HCM bị mờ nhạt, thiếu nét riêng. Những hiến kế, những ký ức về con người, ẩm thực và cách ứng xử của người dân TP được các chuyên gia, nhà văn hóa học đưa ra vừa "bắt bệnh" vừa đưa ra những giải pháp hợp lý để khơi gợi lại những giá trị ưu việt.
Về giải thưởng, tôi nhận thấy mức thưởng cao mới xứng tầm với sự đóng góp. Nhưng niềm vui lớn nhất vẫn chính là các ý kiến hiến kế được lãnh đạo TP xem xét và chấp thuận, từ đó góp phần thay đổi nhiều diện mạo cho đô thị TP HCM.
Một góp ý nhỏ nếu quý báo mở rộng thêm cuộc thi lần 3, tôi kiến nghị nên có thêm các chủ đề về nghĩa tình ở TP HCM.
Ông TRẦN ANH TUẤN, CEO Công ty Tư vấn Người Mở Đường (The Pathfinder): Cuộc thi rất ý nghĩa
Theo kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh mới đây, TP HCM vẫn đứng ở thứ hạng khiêm tốn, điều đó phần nào cho thấy TP vẫn đang hoạt động theo nhịp cũ, chưa có những thay đổi cần thiết phù hợp với bối cảnh phát triển mới.
Chính quyền TP đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình chuyển đổi số, trong đó phát triển kinh tế số là nội dung quan trọng nhất, bao gồm thúc đẩy chuyển đổi số tại doanh nghiệp, hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo… Phát triển kinh tế số cũng là yêu cầu bức thiết để nâng TP HCM lên thứ bậc cao hơn trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh.
TP kêu gọi chuyển đổi số nhưng mô hình kinh tế số, đổi mới sáng tạo của TP chưa rõ ràng. Nếu xem TP HCM là một doanh nghiệp thì việc thúc đẩy kinh tế số của doanh nghiệp đó đòi hỏi nhìn lại khách hàng là người dân, doanh nghiệp… trên địa bàn cần được phục vụ như thế nào, cần xây dựng hình ảnh TP HCM là một TP thông minh gắn với người dân, doanh nghiệp trên địa bàn ra sao… Từ định hướng đó sẽ huy động nguồn lực tri thức của mọi tầng lớp nhân dân hiến kế, góp ý xây dựng phát triển TP.
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" của Báo Người Lao Động huy động những ý tưởng sáng tạo, nguồn lực tri thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau giúp TP cải thiện hình ảnh, phát triển kinh tế, nâng sức cạnh tranh… với nhiều đóng góp tâm huyết của nhiều tầng lớp nhân dân, trong đó bao gồm những chuyên gia có kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực, nên rất ý nghĩa. Tôi cho rằng nếu ban tổ chức cuộc thi đưa ra những hướng dẫn chi tiết hơn về mô hình kinh tế TP HCM đang xây dựng, muốn cung cấp cho người dân để từ đó các ý kiến hiến kế tập trung hơn, thiết thực hơn… và sự đóng góp hiệu quả hơn.
Chuyên gia du lịch HUỲNH VĂN SƠN, Tổng Giám đốc Công ty Ngôi Sao Biển Sài Gòn: Cần tiếp thu, ghi nhận và sử dụng
Lắng nghe những ý kiến phản biện, góp ý để TP HCM phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn và tốt hơn là cần thiết, trong đó có thể thông qua những cuộc thi như "Lắng nghe người dân hiến kế" của Báo Người Lao Động. Càng hiệu quả hơn nếu các cơ quan quản lý nhà nước liên quan tiếp thu, ghi nhận và chuyển tải thành những giải pháp thiết thực, hiệu quả cho phù hợp với thực tế, góp phần phát triển lĩnh vực liên quan.
Như trong lĩnh vực du lịch, dịch Covid-19 tác động trực tiếp ảnh hưởng đến ngành du lịch TP HCM, vì vậy càng cần lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia rồi chắt lọc những giải pháp tốt để sớm hồi phục và duy trì du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn, hàng đầu của TP.
Đúng với tiêu chí "lắng nghe người dân"
Ở cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2, tôi thấy có rất nhiều ý kiến hiến kế về vấn đề đô thị, quy hoạch. Đáng quý là bên cạnh những kiến trúc sư nổi tiếng với những góp ý chất lượng, còn có nhiều ý kiến từ những nhân tố mới. Họ là người dân bình thường, có người "ngoại đạo", chưa một lần được đào tạo bài bản về vấn đề đô thị nhưng họ thấu hiểu TP HCM, có tình yêu tha thiết với TP và rất tâm huyết, trăn trở với từng đổi thay của TP. Cũng vì thế, cuộc thi càng đúng với tiêu chí "lắng nghe người dân".
Tôi hy vọng qua cuộc thi, Báo Người Lao Động sẽ tổng hợp được những góp ý chất lượng để các cơ quan chức năng và lãnh đạo TP HCM có thể áp dụng vào thực tế, biến TP HCM thành đô thị đáng sống.
Kiến trúc sư NGUYỄN KHẮC THÁI, Hiệp hội Kiến trúc sư Việt Nam
Bình luận (0)