TP HCM là một TP năng động nhưng yên bình, náo nhiệt nhưng sâu lắng, phát triển văn minh nhưng không ít những trầm tích văn hóa; một TP bao dung, nghĩa tình, mang phong vị riêng khiến nhiều người luôn có nhiều hoài niệm, ký ức đẹp và lưu luyến.
Tĩnh và động trong lòng phố
TP HCM là ngã ba đường, có thể nói là một "giao lộ định mệnh" với nhiều nền văn hóa đa dạng, nhiều tộc người, với lịch sử hình thành được đánh dấu bằng các đợt nhập cư từ nhiều địa phương, xứ sở liên tục đổ về lập nên một thế giới thu nhỏ. Có thể nói, đây là ưu điểm khiến văn hóa TP thêm phong phú nhưng đồng thời cũng là một hạn chế vì khó nhận dạng được bản sắc của đô thị, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Do vậy, việc định vị văn hóa TP HCM, tìm ra bản sắc riêng, tạo nên điểm nhấn, mang tính "thương hiệu" là một trong những việc khá quan trọng, cần quan tâm và định hướng trong sự phát triển bền vững ở tương lai. Bởi lẽ, bản sắc của một TP là cái không thể thiếu. TP càng hiện đại, văn minh càng dễ rơi vào hình thái giống nhau. Chính nét riêng, khác biệt tạo nên giá trị bản sắc.
Con người TP HCM dù xuất thân từ nhiều vùng khác nhau nhưng dường như có cùng nhịp đập, một trái tim của sự bao dung, vị tha, chân thành và nhiệt huyết. Mỗi người trẻ luôn nỗ lực, năng động trên từng lĩnh vực để góp phần vào giá trị chung đó. Có người với sở trường "động" đã sáng tạo, thăng hoa trên những nền công nghệ số, phát triển trí tuệ nhân tạo, tiên phong trong công nghệ thông tin, rực sáng trên các sân khấu nghệ thuật. Cũng không ít những nốt trầm thời hiện đại, hòa mình vào không khí của cổ xưa với những thú chơi tao nhã, văn nhân mặc khách, như: khai tâm với thư pháp, nhàn đàm với trà đạo, hòa điệu với tuồng xưa tích cũ, lắng đọng với tâm linh, tôn giáo... Tất cả tạo nên sự hài hòa, cân bằng giữa tĩnh và động, giữa khoa học và nghệ thuật, giữa lý trí và tình cảm, giữa âm và dương…
Định vị văn hóa TP HCM để tìm ra bản sắc riêng, tạo nên điểm nhấn mang tính “thương hiệu” là một trong những việc quan trọng Ảnh: Hoàng Triều
Hồn đô thị
Theo quy luật, thế giới càng hiện đại, càng "phẳng" bao nhiêu thì càng cần có cái riêng bấy nhiêu, nếu chúng ta không muốn bị hòa lẫn theo dòng chảy của hội nhập, toàn cầu hóa. Đây là một vấn đề lớn, cần có thêm nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm từ các nhà khoa học, quy hoạch đô thị, định hướng giá trị đặc sắc để có thể tạo nên sự nhận diện riêng biệt, độc đáo.
Cần thiết có bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng, quy định những chuẩn mực, định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh của du khách, người dân và cán bộ phục vụ, tạo nên nét đẹp văn hóa, thái độ lịch sự, thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ du khách, biết lắng nghe, chia sẻ, không phân biệt đối xử với khách du lịch; không lợi dụng khách du lịch để trục lợi bất chính.
Bên cạnh đó, giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp tại các cơ quan, đơn vị, khu vực phục vụ khách; sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp nơi làm việc, nơi tiếp đón, phục vụ khách… Đặc biệt, cần tăng tính nghiêm minh của pháp luật, có cơ chế chế tài, phạt nặng những vi phạm nơi công cộng về ứng xử, về cảnh quan đô thị… để có thể mang lại hiệu quả cao.
Với những quận, huyện thuộc vùng ven đô thị, cùng với sự phát triển chung của TP, cần nhận thức rõ vai trò của văn hóa trong sự phát triển đô thị. Thường những vùng này còn diện tích đất khá rộng, cần cho những thiết kế không gian công cộng, không gian xanh của đô thị, góp sức tạo cho đô thị có một cảnh quan hài hòa, sinh thái. Cũng có thể phát triển kiến trúc tâm linh ở những vùng ngoại vi này. Ở thời hiện đại, kiến trúc tâm linh không chỉ là kiến trúc hoàn chỉnh mà phải là một không gian kiến trúc cảnh quan hoàn chỉnh. Ngoài công trình chính, phải có sân vườn, cây xanh, mặt nước, các tác phẩm điêu khắc và các kiến trúc phụ khác. Một cổng chùa đẹp và uy nghi, một ngôi nhà trống nhẹ nhàng thanh thoát để vọng cảnh, một ao sen với những bông sen bập bềnh ngát hương… sẽ làm cho không gian tâm linh sâu lắng hơn, bay bổng hơn. Đấy là một tổ hợp kiến trúc cảnh quan hài hòa được tạo nên từ thiên nhiên nơi ấy. Sẽ tạo không gian yên bình, mỹ quan TP và hình thành nên thái độ ứng xử, giao tiếp với thiên nhiên, với xã hội nơi công cộng của cư dân đô thị.
Phát triển TP Thủ Đức ra sao?
Từ thế kỷ XIX- XX, các nhà đô thị học đã đúc kết chức năng của đô thị thành 3 nhóm: chức năng làm giàu (các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ), chức năng trách nhiệm (hành chính, giáo dục, y tế - sức khỏe), chức năng sáng tạo và truyền đạt (vận chuyển, văn hóa - nghệ thuật, xuất bản).
Theo đó, ngành du lịch tương đồng với hai chức năng quan trọng của đô thị là phát triển kinh tế và truyền đạt văn hóa. Do vậy, các khu đô thị luôn là điểm đến du lịch đầy hứa hẹn và là nguồn tài nguyên du lịch để khai thác. Đối với TP mới, trẻ như TP Thủ Đức thì vị thế đó vừa là lợi thế vừa là thách thức. Thách thức vì còn quá non trẻ và là một tiểu đô thị bên cạnh TP lớn, chưa có nhiều cơ sở hạ tầng hiện đại…
Tuy vậy, đô thị mới lại có những lợi thế nhất định, như: tính năng động, sức bật của TP trẻ, nơi kết nối giao thương với trung tâm đô thị, trở thành đô thị vệ tinh, gắn kết với vùng miền khác, lan tỏa những giá trị cho các tỉnh lân cận và đặc biệt là lợi thế về văn hóa. Nơi đây có nhiều di sản văn hóa, danh thắng, cơ sở tôn giáo, tâm linh, gần với môi trường giáo dục (làng đại học), kết nối với TP, tỉnh khác (Biên Hòa, Bình Dương). Điều này là điểm sáng, sức hút du lịch trong tương lai gần nếu biết khai thác địa hình, môi trường di sản, văn hóa, làng nghề, giáo dục... Tất nhiên cần có thêm cơ sở vật chất mang tính hiện đại, gắn với môi trường sinh thái, cùng với tính cách hiền lành, hòa hiếu, tôn trọng, thái độ văn minh, lịch sự của cư dân đô thị, đặc biệt là mang lại cảm giác bình yên, an ninh cho du khách.
Đơn vị đồng hành:
Bình luận (0)