Căn bếp nhà tôi từ lâu rồi đã vắng bàn tay vun vén của bà, của mẹ. Thế nhưng, trải qua hơn nửa thế kỷ bon ba xứ người, căn bếp đó được ba chồng tôi thay bà, thay mẹ nhuốm lửa yêu thương, nuôi các con khôn lớn và vẹn nguyên hương vị đậm đà món ăn Việt, nhất là mỗi khi Tết đến xuân về!
Căn bếp Việt đi nửa vòng trái đất
Không khói lam chiều, cũng chẳng có củi lửa bập bùng, bếp của ba chồng tôi là bếp Tây kiểu cũ rất lớn nấu bằng điện, với 4 nồi và 1 lò nướng. Ấy vậy mà kỳ lạ thay, ở đó tôi được nếm những món ăn đậm vị Việt dường như nguyên vẹn từ hơn nửa thế kỷ trước. Những món ăn được nấu từ tình thương dạt dào của một người cha và từ nỗi nhớ da diết của một người con xa quê hương.
Tác giả cùng con gái tại Canada
Ba chồng tôi vốn là thợ máy, quê Quảng Ninh, gặp mẹ chồng tôi quê Lạng Sơn khi họ cùng làm trong một hợp tác xã ở phố cổ Hà Nội. Sau đám cưới ấm cúng ở phố Gia Ngư, họ nhóm lên căn bếp đầu tiên bằng mùn cưa, rồi bếp dầu trong căn gác nhỏ bé ở số 61, rồi chuyển sang 67 Hàng Đường. Ba anh em chồng tôi lần lượt ra đời ở đó.
Những năm sau ngày thống nhất đất nước, tình hình kinh tế khó khăn. Vì mưu sinh, ba mẹ chồng tôi quyết định ra nước ngoài sinh sống.
Ba mẹ tôi (thứ nhất và thứ hai từ trái sang) lúc vừa sang định cư ở Canada
Mùa xuân năm 1980, gia đình lớn gồm ông bà, ba mẹ và ba anh em chồng tôi đến Canada trong cái lạnh cắt da cắt thịt. Họ trải qua bao khó khăn không kể hết để hòa nhập vào một đất nước hoàn toàn xa lạ. Rồi em gái út chồng tôi chào đời. Họ chuyển qua nhiều căn nhà thuê, trước khi cả nhà dành dụm mua được căn nhà hiện nay ở thành phố Calgary, bang Alberta.
Ổn định không được bao lâu thì mẹ chồng tôi đột ngột ra đi vì ung thư. Còn lại một mình, ba nhất quyết không chịu đi bước nữa. Ông "tiếp quản" căn bếp và tự mình xoay sở, vun vén chăm lo cha mẹ già và 4 đứa con thơ.
Vẫn nhẫn nại đỏ lửa
Món đặc biệt phải kể đến trong căn bếp của ba là bánh chưng. 43 cái Tết xa quê hương là 43 nồi bánh chưng của ba đều đặn, nhẫn nại đỏ lửa.
Những năm đầu mới sang Canada, hàng hóa Việt Nam còn rất ít ỏi và cũng vì thế mà hình thành nên bánh chưng "Liên Hợp Quốc" của nhà tôi. Lá bánh thường là lá chuối nhập từ Philippines. Còn nguyên liệu là gạo nếp Việt hay Nhật, Thái; đậu xanh Ấn Độ, Bangladesh; thịt heo Hàn Quốc, Canada, Mỹ hay Mexico… Đến muối, tiêu, gia vị, dây cuốn bánh cũng nhập từ nhiều nước khác nhau. Bây giờ hàng Việt Nam qua đây rất phong phú nhưng chẳng thể nào đủ đầy như ở quê nhà. Qua tay ba tôi, nguyên liệu "Liên Hợp Quốc" nhưng vị bánh vẫn đậm đà hương Việt, qua bao năm không thay đổi.
Bánh chưng nhân lớn "phong cách riêng" của ba tôi
Bánh chưng của ba tôi có phần nhân rất lớn, đậm vị ngọt, bùi, béo của đậu xanh, thịt heo quyện trong hương tiêu thơm nức. Ông quan niệm rằng, cả năm ăn Tết một lần, nhân bánh phải lớn, phải đậm đà cho tài lộc, may mắn đến. Nó giống như tình thương rất mạnh mẽ, dạt dào của người cha mà ông dành cho anh em tôi, đủ để khỏa lấp khoảng trống vời vợi của một gia đình khuyết thiếu người mẹ.
Ba tôi sắm hẳn một chiếc bếp gas lớn chỉ để nấu bánh chưng Tết. Thế là nồi bánh chưng âm ỉ dưới hầm nhà đã trở thành ký ức sưởi ấm tâm hồn của cả ông bà, ba mẹ và những đứa trẻ những năm đầu xa xứ.
Ba tôi với cháu út đang đội "chiếc mũ gia truyền" do bà tôi may tay 25 năm trước
Đến nay, khi ông bà lần lượt ra đi, anh em chồng tôi ra riêng, chỉ còn lại một mình ba tôi trong căn nhà cũ. Chiếc bếp gas nấu bánh phải bỏ đi, ba lại sắm hai chiếc bếp điện đơn "dã chiến" để chia hai nồi bánh, tuy nhiệt kém hơn hẳn gas nhưng bánh vẫn chín đều và đậm vị như 43 năm qua.
Cùng nhau giữ gìn bếp Việt
Nhớ lại Tết đầu tiên ở nhà chồng, sau khi phụ gói bánh chưng, tôi không thấy ba mua sắm gì nhiều, chỉ nói "chiều 30 qua nhà ba ăn Tết". Tôi nghĩ bụng có lẽ bên này không ăn Tết như Việt Nam. Nhưng tới bữa tối 30 Tết, ba bày ra một mâm cơm đầy đủ món Tết như thể có một phép màu. Ngoài bánh chưng còn có xôi gấc, nem rán, gà luộc, canh chân giò nấu măng, củ kiệu và khâu nhục - món Tết ở vùng biên giới quê hương của ba mẹ.
Những đứa cháu mê bánh chưng của ba tôi trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc
Và tôi phát hiện ra một bí mật tuyệt vời: Ba tôi có một nhóm bạn như ông, mỗi người làm một vài món và tặng nhau, để có một cái Tết đậm vị Việt trong khi con cháu bận rộn đi học đi làm. Đó là cách mà họ cùng nhau giữ gìn căn bếp Việt nơi xứ người, dù ở tuổi 70, 80, chiếc bánh gói không còn chắc khỏe, chiếc nem cuốn đã lỏng tay, chỉ có hương vị Việt vẫn ngưng đọng như ngày họ rời xa quê hương.
Với chúng tôi, căn bếp cũ kỹ của ba kỳ diệu lắm vì không cần phải chạy xe tới chợ Việt, cứ về với ba là có cả một bầu trời ẩm thực quê nhà. Nhưng điều kỳ diệu hơn cả là vì căn bếp luôn có ba ở đó, nhẫn nại, đầy tình thương với nụ cười luôn trên môi.
Bình luận (0)