Cứ sắp đến Tết, dù bận rộn thế nào, tôi cũng dành cả một ngày để đến làng cổ Lộc Yên. Đó là Di tích Quốc gia ở thôn 4, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam; nơi không những có nhiều ngõ đá, nhà rường cổ đẹp mê hồn mà còn có những món bánh, món xôi ngon lành, được truyền lại từ bao đời với cách chế biến rất công phu mà không phải nơi nào cũng có.
Đến đây ngắm cảnh, ăn cái bánh chần gừng, bánh ú sắn; mua cái bánh tổ, đĩa xôi vang; từ trong ký ức của tôi bao hình ảnh thân thương, đầm ấm nơi quê nhà Tiên Phước mến yêu, nơi tôi đã gắn bó hơn nửa đời người lại hiện về.
Bánh ngày Tết ở làng cổ Lộc Yên
Bánh chần gừng
Khoảng 24-25 tháng Chạp, mẹ biểu: "Con ra bờ suối lượm ít sỏi về làm bánh". Vừa nghe vậy là tôi xách cái giỏ mây cùng cái rổ tre đi liền, vì biết mẹ chuẩn bị làm bánh chần (củ) gừng. Đến bờ suối tôi chọn nhiều hòn sỏi to, hình thù khác nhau rồi đem ra nơi dòng nước cạn, chà, rửa thật sạch. Đem sỏi về, tôi để ngoài nắng, phơi cho khô.
Để làm được bánh chần gừng, mẹ tôi chọn loại nếp cái thơm ngon, vo đãi sạch, ngâm khoảng 7 giờ trong nước cho mềm. Nước để ngâm nếp được hòa với nước gừng tươi giã nhỏ, lọc sạch. Đem nếp xay thành bột, đem bột đã xay bòng lại trong lớp vải mịn, dùng tảng đá nặng chần lên trên bòng bột một đêm để ép hết nước ra.
Tiếp đến, bột được nhồi dẻo bằng cách luộc vài vắt bột to bằng nắm tay trong nước sôi cho những cục bột vừa se lại; vớt bột bẻ ra, cho mật hoặc đường vào vừa đủ ngọt; trộn bột đã luộc với số bột nếp sống còn lại đem giã trong cối đá to. Tôi cầm cái chày đẽo bằng gỗ trai giã bột bằng cả hai tay, mẹ gạt bột trồi lên vào giữa lòng cối. khi lưng tôi ướt đẫm mồ hôi cũng là lúc bột đã dẻo quánh lại, rút chày lên thật nặng.
Bánh chần gừng
Mẹ tôi cán đều bột thành từng miếng dày, khi cán rắc ít bột khô cho khỏi dính, rồi cắt thành miếng to hơn ngón tay trỏ đem ra phơi nắng. Khi các miếng bột đã se khô, mẹ đem ủ với gừng tươi xắt lát mỏng một ngày cho miếng bột càng thơm mùi gừng.
Đến khâu nướng bánh cũng thật công phu. Mẹ tôi bắc hai cái nồi trên bếp củi, khéo léo đặt những viên sỏi sao cho có nhiều khe hở, rồi đun nóng. Khi sỏi đã nóng già, mẹ gắp những miếng bột vừa ủ đặt vào khe những hòn sỏi trong nồi, đậy vung lại để hấp khô. Từng miếng bột, gặp sỏi nóng phồng lên theo khe những hòn sỏi giống như những chần gừng hình thù khác nhau. Nhúng chiếc bánh gừng vừa nướng phồng vào nước đường đã thắng sẵn với nước gừng rồi mẹ gắp ra ngay, tôi ngồi bên rắc nổ (nếp rang) bên ngoài, bôi một ít phẩm hồng vào những phần chóp nhọn của những cái bánh như những mụt non trên củ gừng tươi. Thế là được những cái bánh gừng rất đẹp, ăn vừa xốp vừa béo, vừa ngọt vừa cay, thơm.
Nhiều chiếc bánh được làm xong, mẹ tôi lót mo cau khô trong chiếc mủng năm, xếp bánh vào, cất trong bồ đựng lúa nhiều ngày vẫn giòn. Tết đến, dọn lên đĩa bánh gừng để cúng và tiếp khách thì thật là đẹp. Trước khi thưởng thức cái bánh chần gừng, lũ trẻ chúng tôi ngày ấy thường nhìn ngắm một chút rồi mới ăn. Bao năm rồi tôi vẫn nhớ cái bánh có vị quê ngọt ngào nếp, mật; có cái nghĩa, cái tình "gừng cay, muối mặn"; có hơi ấm của lửa, có tình cảm gia đình, làng xóm yêu thương.
Bánh ú sắn, bánh "B.52"
Dịp Tết về Tiên Phước thăm lại chiến trường xưa, thăm bà con vùng căn cứ địạ thời kháng chiến, các cô chú đã từng chiến đấu ở quê tôi lại hỏi: "Quê mình bây giờ có còn gói bánh ú sắn, bánh "B.52" không?". Tôi trả lời: "Dạ có".
Thế rồi những câu chuyện xúc động được kể lại về những cái Tết thời chiến tranh đói khổ, chỉ mong được nhìn cái bánh ú, đòn bánh tét, dù cái bánh được gói bằng "sắn rài" (sắn trồng rải rác để địch không phát hiện đánh phá), bằng những trái chuối hiếm hoi trên những vùng đất mà chất độc hóa học, bom đạn cứ chà đi, xát lại. Riêng tôi và nhiều bạn bè lớp tôi, vào ngày Tết, dù có nhiều món "sơn hào, hải vị" vẫn nhớ quay quắt cái bánh ú sắn, đòn bánh "B.52" nên năm nào tôi cũng tự làm hay tìm mua cho được.
Phải sau ngày thống nhất đất nước được mấy năm, tôi mới được ăn bánh chần gừng, bánh tổ, bánh tét vào dịp Tết, khi nhà tôi đã vỡ được nhiều ruộng hoang để cấy lúa và cấy nếp. Quê hương vừa qua cuộc chiến khốc liệt nên gạo, nếp là ước mơ của nhiều gia đình vào dịp Tết, nên những năm đầu bánh ú, bánh tét đều được bà con gói bằng sắn.
Bánh tổ và bánh "B.52"
Chiều cuối tháng Chạp, cha đi nhổ sắn đem về, mẹ tôi lột vỏ, rửa sạch, tách bỏ tim rồi mài củ sắn thành bột. Cái bàn mài là miếng nhôm cha cắt ra từ ống đèn dù Mỹ, dùng cây đinh đục thật nhiều lỗ nhỏ; củ sắn được mài bên nhám của bàn mài. Bột sắn mài, trộn thêm bột sắn khô, ít đậu đen hấp chín làm nhân, mẹ tôi cũng gói được mấy chục bánh ú.
Cả nhà lại thức suốt đêm giã bột gói bánh "B.52" . Bánh gồm sắn luộc cho vào cối đá giã nhuyễn cùng với chuối nai chín, dùng lá chuối gói lại, cột chặt bằng lạt tre như đòn bánh tét, đem nấu lại lần nữa, khi lột đòn bánh ra bánh rất dẻo và thơm ngon.
Bánh "B.52" là món mà khi còn chiến tranh bà con quê tôi làm thức ăn mang theo khi vào rừng sâu tránh những tọa độ pháo đài bay B.52 Mỹ ném bom, được gói vừa dài vừa to cho nhiều người ăn nên gọi hài là bánh "B.52". Tết thời chiến tranh, bà con gói bánh ú sắn, bánh "B.52" tặng bộ đội, du kích.
Những cái bánh đơn sơ ngày Tết đâu phải chỉ còn trong hoài niệm. Ngày cuối năm, tôi dạo bước qua chợ thị trấn Tiên Kỳ, gặp cụ già bưng rổ bánh ú sắn đi bán, mua một chùm còn nóng hổi; cụ cười móm mém, kể chuyên ngày xưa…
Đi thăm làng cổ Lộc Yên, về quê xã Tiên Sơn, ngắm chiếc bánh chần gừng; cùng bánh tổ, bánh nổ, bánh in, xôi vang, xôi gấc, những kỷ niệm ấm áp, yêu thương ùa về, tôi bỗng thấy mùa xuân ấm áp lạ thường.
Bình luận (0)