Năm trước em trai tôi sửa nhà, tính phá bếp cũ, bởi giờ dùng bếp ga, bếp từ chứ mấy ai đun bếp củi, bếp rơm. Nhưng nghĩ đến kỷ niệm thân thương thời thơ ấu, mỗi khi tết đến xuân về, căn bếp ấy lại tươi vui, nhộn nhịp, tiếng cười giòn giã tình yêu thương gia đình và khi nhìn trong sâu thẳm ánh mắt của mẹ, một sự tiếc nuối, ngậm ngùi chẳng thể nói ra thành lời, nên em trai tôi quyết định để lại.
Bếp của mẹ ăn sâu vào tâm trí của tôi - một đứa con lỡ dứt chút tình vương vấn chốn quê nghèo khốn khó ấy mà vào tận miền Nam lập nghiệp. Trong tất bật cuồng quay với công việc, tôi chỉ có thể về thăm nhà, thăm cha mẹ vào mỗi dịp tết.
Bếp quê.
Gian bếp thấp lè tè bị bao quanh bởi nhà cao tầng, ở làng giờ chỉ còn vài nhà giữ lại nhưng đến chiều khói bếp vẫn bay cao, bãng lãng. Khói làng như sự gợi nhớ kỷ niệm thân thương một thời khốn khó.
Những bữa ăn đạm bạc nhưng luôn có bàn tay săn sóc chu đáo, tận tình của các bà, các mẹ - những phụ nữ chân lấm tay bùn quanh năm chỉ biết đến cánh đồng và cả cuộc đời chỉ biết vun vén chăm lo cho chồng, cho con, giữ ngọn lửa tình thân để cả gia đình đong đầy hạnh phúc.
Mỗi lần về đến đầu làng, thấy khói bếp lam chiều, tôi đã lâng lâng trong niềm hạnh phúc trào dâng.
Biết mẹ đã nấu sẵn một nồi nước tắm hương mùi già thơm ngào ngạt, nướng mấy quả bồ kết, hương bồ kết phảng phất trong gió, đun thêm một nồi nước vỏ bưởi và lá tre, chỉ đợi con gái về nhà tắm gội, gột rửa hết những muộn phiền chốn thị thành lao xao mà yên tâm ăn tết trong tình yêu bao la của cha mẹ.
Gian bếp của mẹ bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp rộn ràng vui tươi hơn ngày thường. Tiếng xoong nồi loảng choảng va vào nhau. Tiếng lục bục của nồi chân giò ninh nhừ. Tiếng nổ lách tách của củi cháy đượm. Tiếng cơm sôi ùng ục. Tiếng lách cách băm chặt… và những hương thơm khó cưỡng của mùi cá kho khế, hương thơm nồng nàn của gạo nếp tám thơm, mặn nồng mùi mắm tôm của món thịt giả cầy thui rơm…
Cả đời mẹ tôi gắn với căn bếp đơn sơ. Cứ mỗi dịp tết đến xuân về mẹ lại tất bật, cuồng quay trong việc nấu nướng. Trước là để tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Sau là nấu những món ngon để cả gia đình cùng thưởng thức.
Nhưng trên khuôn mặt mẹ luôn bừng sáng nụ cười hiền hậu. Gian bếp lúc nào cũng đỏ lửa. Mấy ngày áp tết ngọn lửa ấy cháy thâu đêm. Bếp lửa của mẹ cũng khiến cho chị em chúng tôi gần nhau hơn, tranh thủ ngồi canh nồi bánh chưng nghi ngút khói, quây quần kể cho nhau nghe những mệt nhoài phố phường, những câu chuyện chẳng đầu chẳng cuối.
Em trai tôi ngậm ngùi kể chuyện các cụ cao tuổi trong làng đã lần lượt đi về thế giới bên kia, mỗi lần về quê tôi chẳng thể biết được, có lẽ đấy là lần cuối gặp lại những cố nhân ấy.
Mẹ chuẩn bị lá dong gói bánh.
Em trai tôi bùi ngùi kể những lần cha, mẹ già đi nhập viện lúc nửa đêm, chẳng dám báo tin cho chị, bởi ở xa lúc đó chỉ bất lực mà lo lắng. Ngọn lửa trong bếp vẫn cháy bập bùng, nhưng tôi thấy sống mũi mình cay cay.
Mẹ tôi nấu ăn không chỉ ngon mà còn rất cầu kỳ và bài bản. Ngay cả việc làm gà để cúng sang canh cũng tỉ mỉ. Mẹ khéo léo bẻ hai chân gà vào sát đùi, rạch hai đường bên cổ gà, nhét lần lượt hai cánh gà ngược ra, dùng chỉ buộc hai chân gà lại, dựng đứng cổ gà và nghiêng về phía mình, sau đó đan cánh chéo vào nhau.
Nhìn con gà cánh phượng đẹp đến mê hồn. Mẹ dùng rượu trắng xoa nhẹ để gà luộc lên cho da vàng hơn. Lót mấy đọt đinh lăng dưới đáy nồi, mẹ xếp gà vào nồi rồi bắc lên bếp. Khi vớt gà ra phải cẩn thận hết sức. Mẹ thả con gà vào chậu nước lạnh đựng trong thau nhôm đã phơi sương từ sáng sớm tinh mơ mờ đất.
Mẹ bảo làm thế thịt gà sẽ săn lại và ngon hơn.
Việc đồ xôi mẹ tôi lưu tâm chuẩn bị kỹ lưỡng. Năm nào tôi cũng ra giếng cổ đầu đình để gánh cho mẹ hai thùng nước. Mẹ nói nấu xôi cúng thần, phật, gia tiên nhất định phải dùng nước giếng cổ.
Mẹ trân quý từng hạt gạo nếp cái hoa vàng - món quà mà thiên nhiên ưu đãi cho người nông dân. Từng đĩa xôi, chiếc oản gửi gắm bao tâm tình, bao nhiêu sự biết ơn, ước vọng năm mới tốt đẹp.
Thế nên, mẹ lựa quả gấc to đẹp nhất, cắt vào và treo gác bếp từ tháng 8, phơi gạo nếp trong bóng râm tháng 10 hanh hao. Cầu kỳ trong khâu ngâm gạo, đồ xôi, mẹ làm bằng cả yêu thương đong đầy và gửi trọn ước vọng vào món ăn bình dị chốn quê nghèo.
Nhưng mẹ chưa bao giờ ước gì cho mình. Lúc nào cũng chỉ biết cầu mong cho chồng, cho con có cuộc sống hạnh phúc, gia đình luôn sum vầy.
Khi mùi đồ ăn thơm phưng phức trong gió xuân phơi phới, nghe tiếng củi nổi lách tách, tôi biết mẹ đã dậy sớm để lo đồ cúng gia tiên.
Tôi vội vàng choàng dậy, lập cập chạy xuống bếp, thấy bóng mẹ chập chờn in trên vách gạch tường loang. Ánh lửa buổi sớm soi khuôn mặt của mẹ nhăn nheo in dấu vết của thời gian. Mái tóc mẹ đã bạc phơ theo năm tháng.
Tôi nhận ra sự vô tâm của mình trong thời gian qua.
Một góc bếp đơn sơ.
Tính xuống phụ mẹ, nhưng mẹ đã chuẩn bị xong mâm cỗ gồm 4 bát, 4 đĩa. Đĩa thịt gà mẹ chặt ngọn lừ, vàng uôm, được phủ bằng lớp lá chanh thái chỉ thật mỏng. Đĩa thịt đông gắn kết những thương yêu mới mang đi phơi sương bày cách trịnh trọng. Đĩa bánh trưng xanh và đĩa giò khoanh tròn. Bát măng hầm chân giò như tơi. Bát rau cần nấu cá, thả thêm miến. Bát mọc nấu nấm. Bát canh bóng thả thập cẩm. Mẹ đã bày biện đẹp mắt để chuẩn bị cúng gia tiên.
Mỗi năm qua đi, tóc mẹ đã bạc, lưng mẹ thêm còng, mắt mờ, chân chậm, nhưng năm nào tết đến, xuân về mẹ luôn muốn tự tay lo toan bếp núc. Với mẹ, nấu ăn cho các con là niềm vui. Với chúng tôi, mẹ luôn là ngọn lửa ấm nồng.
Tôi thầm cảm ơn em trai đã giữ lại căn bếp đơn sơ, bình dị, nơi đong đầy tình thân, nơi chất chứa bao ước mơ, nỗi niềm riêng của mẹ. Để mỗi năm tôi được về ăn tết sống trọn vẹn trong những thương yêu.
Nồi chân giò ninh nhừ.
Bình luận (0)