Ông Phan Kim Sơn, thạc sĩ truyền thông khoa học:
Mỗi người cần thay đổi thói quen sinh hoạt
Sáng nay, tôi mua ổ bánh mì ăn vội để vào hội thảo, ăn xong thay vì bỏ túi ni-lông vào sọt rác, tôi cất vào ngăn nhỏ của balô, mang về nhà sử dụng tiếp. Nếu ném vào sọt rác, có thể túi ni-lông này không được tái chế, rất lãng phí.
Con người đang đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến môi trường như biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, rác thải nhựa. Do đó, mỗi người cần nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi thói quen sinh hoạt, sử dụng nhiên liệu thân thiện, không xả rác bừa bãi... Những hành động tưởng nhỏ nhưng góp phần đáng kể bảo vệ môi sinh, giảm nguy cơ gây biến đổi khí hậu. Ví dụ, trong gia đình có nhiều đồ vật có thể tái sử dụng. Hãy xem có thể tái sử dụng vào việc gì không trước khi vứt một đồ vật đi. Bởi bất cứ thứ gì mà chỉ sử dụng vài lần rồi phải vứt đi sẽ góp phần tạo nên những bãi rác cho nhân loại. Hoặc nên đem chai nước, hộp thức ăn của mình khi ra ngoài; giỏ, túi đựng đồ khi đi chợ hay đi mua quần áo... Vừa tiết kiệm vừa hạn chế rác thải.
Bảo vệ môi trường sống không phải của riêng ai, mỗi người phải nâng cao nhận thức và có ý thức giữ gìn vệ sinh tại mỗi gia đình và nơi công cộng. Có rất nhiều giải pháp nhưng vấn đề quan trọng hàng đầu vẫn là tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của mỗi người. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng cần có những chế tài nghiêm khắc, xử lý kiên quyết đối với hành vi thiếu ý thức gây ô nhiễm môi trường.
Những bức tranh sống động về bảo vệ môi trường góp phần nâng cao ý thức người dânẢnh: Thu HồngÔng Mai Công Ẻm, Bí thư Chi bộ ấp 7, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn:
Bắt buộc dọn sạch rác thải ra
Ở địa phương tôi có nhiều bãi đất trống, tuyến đường vắng khiến nhiều người dễ dàng xả rác thải, đặc biệt loại rác như vải vụn, bàn ghế hư, nệm, bồn cầu… do người thu gom không nhận chở hoặc nhiều người ngại tốn kém lén lút đem bỏ dẫn đến ô nhiễm xung quanh và mất mỹ quan. Để xử lý triệt để tình trạng này, địa phương cho dọn sạch rác, sau đó tăng cường tuần tra, lắp camera giám sát, trích xuất hình ảnh để xử lý nghiêm những trường hợp lén lút xả rác. Nếu 2 lần bắt tận tay, người xả rác bị buộc phải thu dọn toàn bộ lượng rác trên đường. Nhờ vậy tuyến đường Xuân Thới Thượng, điểm nóng xả rác đã không còn rác.
Ý thức không tự nhiên mà hình thành, bên cạnh tuyên truyền, giáo dục thì phải có luật và chế tài răn đe. Có thể phạt nặng bằng tiền và phạt lao động công ích, bắt buộc quét rác và đi nhặt rác. Qua đó, người vi phạm sẽ nhận ra việc dọn sạch rác vất vả thế nào mà suy nghĩ trước khi hành động sai trái.
Ông Triệu Bảo Ngọc (bảo vệ khu phố, ngụ phường 14, quận Phú Nhuận):
Tranh cổ động cũng là cách tuyên truyền hiệu quả
Ai cũng muốn có một môi trường sống xanh - sạch - đẹp, văn minh, hiện đại, tiện ích và tâm lý con người hễ thấy chỗ nào sạch quá, đẹp quá sẽ không nỡ vấy bẩn. Vậy nên, từ ngày Chi đoàn phường 14 thực hiện những bức tranh cổ động bảo vệ môi trường với những gam màu tươi tắn thì những con hẻm sạch - đẹp hẳn lên. Một mẩu giấy nhỏ rơi xuống, người dân cũng nhặt lên cho vào sọt rác. Tuy nhiên, hộp sữa, chai nước suối, hộp xốp… vẫn còn nằm vương vãi trên đường, dưới kênh do người bán hàng rong, người đi đường thải ra. Nhiều lần tuần tra, bảo vệ khu phố bắt gặp nhắc nhở, yêu cầu nhặt lên đem bỏ vào sọt rác.
Theo tôi, cần tuyên truyền mạnh hơn nữa, thường xuyên hơn nữa với nhiều kênh, nhiều hình thức khác nhau để thay đổi nhận thức, hành vi của nhiều người. Tại các khu dân cư, việc tuyên truyền cũng cần đẩy mạnh, đưa vào trong nội dung các cuộc họp tổ dân phố, phát động các phong trào xanh - sạch - đẹp thường xuyên để nâng cao ý thức người dân. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, cũng phải có chế tài đủ mạnh, xử phạt thật nghiêm những hành vi vi phạm.
Xanh hóa kênh, rạch
Trước thực trạng rạch Bà Bướm (phường Phú Thuận, quận 7, TP HCM) cây cỏ mọc um tùm, nhiều người thường xuyên vứt rác xuống lòng rạch gây ảnh hưởng đến môi trường, Ủy ban MTTQ phường Phú Thuận đã mạnh dạn đề xuất Đảng ủy phường thực hiện công trình nạo vét, gia cố bờ kè; trồng cây xanh; trang bị dụng cụ TDTT tại khu đất trống rạch Bà Bướm khu phố 2 thành công viên xanh - sạch - đẹp.
Từ khi con rạch được "xanh hóa" với bờ kè tươm tất, cây xanh mát rượi, có ghế đá, máy tập thể dục, bỗng dưng con rạch cũng sạch sẽ hơn, không còn cảnh vứt rác bừa bãi như trước. Theo bà Nguyễn Hồ Thanh Tuyền, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Phú Thuận, tất cả là nhờ người dân chung sức, họ tháo bỏ các rào chắn trồng rau, di dời vật kiến trúc và mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí để thực hiện công trình với tổng vốn đầu tư 200 triệu đồng.
Bình luận (0)