Xâm phạm di tích lịch sử
Đọc loạt bài “Đà Lạt đang biến dạng” trên Báo Người Lao Động từ ngày 26 đến 29-7, tôi rất bức xúc về việc hàng ngàn héc-ta rừng thông xung quanh hồ Tuyền Lâm, với tuổi đời lên đến hàng trăm năm, đã bị đốn hạ. Rừng thông bao quanh hồ Tuyền Lâm, di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia, đã bị chặt bỏ thay vào đó là những dự án resort, villa, sân golf... đã phá vỡ cảnh quan thiên nhiên nơi đây.
Khi nhắc đến Đà Lạt, mọi người đều nghĩ về một TP mộng mơ được tạo nên bởi những rừng thông bạt ngàn, những đường dốc quanh co và khí hậu vô cùng mát mẻ... Nhưng với việc đốn hạ hàng loạt cây thông để phục vụ cho các dự án thì sau này Đà Lạt có còn mộng mơ, nên thơ, mát mẻ nữa hay không? Chắc chắn là không.
Là công dân ở TP núi, tôi mong các vị lãnh đạo TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng có những giải pháp tích cực để trả lại “Đà Lạt ngàn thông” cho người dân.
Nguyễn Duy Sơn (TP Đà Lạt)
Vì lợi ích trước mắt
Đến Đà Lạt, tôi đã từng tiếc ngẩn ngơ khi người ta đập bỏ hai ngôi nhà cổ để xây dựng đài truyền hình, từng xót xa khi đường Nguyễn Chí Thanh tuyệt đẹp bị che khuất tầm nhìn bởi tòa nhà Bưu điện TP Đà Lạt và bây giờ là rừng thông xung quanh hồ Tuyền Lâm bị đốn hạ. Thật không hiểu nổi, chỉ vì lợi ích trước mắt mà chính quyền tỉnh Lâm Đồng sẵn sàng chặt bỏ những cây thông hàng trăm năm tuổi. Rừng có nhiệm vụ giữ nước, chống xói mòn, sạt lở và là lá phổi xanh cho người dân. Nay rừng đã bị chặt phá thì người dân có nguy cơ sẽ đối mặt với hạn hán, bão lũ rất nghiêm trọng. Tại sao chính quyền TP Đà Lạt không nhận ra vấn đề này hay biết nhưng vì lợi ích trước mắt mà bất chấp tất cả.
Ai cũng biết Đà Lạt từ xưa là một TP của không khí mát lạnh, của ngàn thông, của những thác nước... Với những điều kiện tự nhiên như vậy, Đà Lạt đã thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Đà Lạt đang chết dần, chết mòn do chính sách chặt bỏ rừng để xây dựng các khu nghỉ dưỡng, sân golf... khiến Đà Lạt ngày càng... nóng. Đà Lạt nên thơ của ngày xưa giờ đây mất rồi!
Phạm Tin (TP Đà Nẵng)
Cho phá rừng thì có khác nào chấp nhận lũ lụt sẽ nhấn chìm đồng bằng trong tương lai. Nếu tỉnh Lâm Đồng muốn tăng thu ngân sách, sao không phát triển công nghiệp ở các huyện khác còn nghèo. Ví dụ như Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lộc... Ở những khu vực này, đất đai mênh mông, đồi chẳng còn một ngọn thông... Muốn xây dựng bao nhiêu cũng không ảnh hưởng gì tới TP Đà Lạt. Còn các doanh nghiệp thì không biết bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan tuyệt đẹp của đất nước ngoài túi tiền của mình.
Trịnh Bá (TPHCM)
Lo lắng
Những ngày TPHCM nắng nóng, mọi người thường tìm một địa điểm du lịch để “hạ nhiệt”. Và TP Đà Lạt là nơi tránh nóng tốt nhất, là địa điểm du lịch và nghỉ dưỡng lý tưởng bởi nhiệt độ ở đây luôn trong khoảng 18-210C, cao nhất chưa bao giờ quá 300C và thấp nhất không dưới 50C. Góp một phần để Đà Lạt có nhiệt độ lý tưởng như vậy là rừng thông bạt ngàn. Thế nhưng, thời gian gần đây, người ta đã đốn hạ nhiều héc-ta rừng thông có tuổi thọ lâu năm để xây dựng resort, khu nghỉ dưỡng... Rồi đây, Đà Lạt có còn mát mẻ nữa không khi mà con người ra sức triệt hạ rừng.
Nhìn cảnh rừng thông bị tàn phá ở TP Đà Lạt, không chỉ người dân Đà Lạt đau lòng mà những người dân đang sống ở hạ lưu cũng cảm thấy lo lắng. Không lo lắng sao được khi rừng đầu nguồn bị chặt phá và hậu quả của nó sẽ vô cùng nguy hiểm, cuộc sống và tính mạng của người dân bị đe dọa nghiêm trọng. Môi trường bị triệt phá đồng nghĩa với việc người dân phải đối mặt với thiên tai khắc nghiệt.
Nguyễn Ngọc Thiên An (TPHCM)
Tôi cho rằng lãnh đạo TP Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng cần quan tâm đến cảnh quan môi trường xung quanh khu vực hồ Tuyền Lâm. Nếu như cứ tiếp tục phá rừng và thay vào đó là các khu nghỉ dưỡng, sân golf... ngày càng mọc lên nhiều thì chắc chắn Đà Lạt sẽ không còn là Đà Lạt nữa. Dù có phát triển đến đâu thì cũng cần phải giữ lại những cánh rừng thông, giữ lại lá phổi xanh của TP ngàn hoa.
Tại sao lại chấp nhận TP Đà Lạt “chết dần” như vậy? Lẽ nào người Đà Lạt thụ động và dễ dàng chấp nhận tất cả vậy sao? Hãy hành động ngay, nếu không, trong khoảng thời gian ngắn nữa thôi, Đà Lạt sẽ bị mất bởi những siêu dự án dành cho người giàu và khách quốc tế.
Phạm Thị Hạnh (Lâm Đồng)
Bình luận (0)