Người Việt Nam từ xưa đến nay có truyền thống "lá lành đùm lá rách", sẵn sàng giúp đỡ đồng bào khi gặp khó khăn, hoạn nạn.
Phải làm bài bản
Tuy nhiên, thực tế cho thấy công việc thiện nguyện như "trăm hoa đua nở" và cách làm cũng chưa ổn do mỗi người làm một cách. Thiếu phương pháp và hệ thống thống nhất nên dễ phát sinh nhiều vấn đề. Ví dụ có gia đình nhận được nhiều hỗ trợ từ các cá nhân, đoàn thể nhưng có gia đình nhận quá ít, dẫn đến mất tình đoàn kết xóm làng.
Vậy nên, việc giúp đỡ, làm từ thiện trong khi đồng bào miền Trung đang chịu cảnh lũ lụt mang ý nghĩa rất tốt nhưng cần phải học hỏi cách làm, có sự phối hợp với chính quyền địa phương và rút kinh nghiệm qua từng đợt.
Nếu huy động được số tiền lớn thì cần phải xây dựng kế hoạch sử dụng bài bản. Muốn làm kế hoạch bài bản thì một người không thể làm được mà phải lập một quỹ thiện nguyện được vận hành bởi những người có chuyên môn và có người phụ trách về tài chính. Khi vận hành chuyên nghiệp, tất cả nguồn tiền chi tiêu đều rõ ràng, công khai.
Nhà dân ở xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh ngập sâu trong nước từ 1-1,5 m trong ngày 20-10 Ảnh: ĐỨC NGỌC
Với số tiền hàng trăm tỉ đồng được huy động, nhất định phải có người làm kế toán, thậm chí thuê người làm công tác kiểm toán để kiểm kê tiền chi tiêu có đúng hay không? Việc làm bài bản này sẽ giúp bảo vệ danh dự, uy tín người đứng ra huy động hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi người đóng góp.
Bên cạnh đó, việc vận động nguồn quỹ nào, xây dựng kế hoạch nào thì phải giải quyết vấn đề đó mà thôi, không thể vận động tiền cứu trợ đồng bào miền Trung lại đi giúp cho người nghèo bệnh tật ở nơi khác. Mặc dù nguyên tắc giúp người nào cũng xuất phát từ lòng tốt, cũng mang ý nghĩa cao cả nhưng mục đích bị thay đổi sẽ không hay.
Phải chuyên nghiệp
Một vấn đề nữa là tính pháp lý vì hiện nay chỉ có Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và một số tổ chức được phép vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện. Nếu đợi những tổ chức này vận động thì sẽ không đủ lực cũng như độ nhanh nhạy trong khi người dân cần được giúp đỡ ngay. Như vậy, quy định pháp luật liên quan đến hoạt động cứu trợ đang đi sau thực tế cho nên cần phải thay đổi.
Cụ thể, bất cứ cá nhân nào nhận thấy bản thân có uy tín, muốn gây quỹ thì phải có tư cách pháp nhân. Việc này rất đơn giản, cá nhân đó có thể lập một quỹ hoặc một công ty, doanh nghiệp xã hội có con dấu, tài khoản, có người phụ trách để giám sát qua lại lẫn nhau.
Tại Việt Nam, hiện có các loại hình, tổ chức mà luật pháp cho phép: Quỹ từ thiện, hội, doanh nghiệp, cơ sở bảo trợ xã hội…Nhiều người nghĩ rằng đi từ thiện mà phải giấy tờ này nọ nhưng thật ra việc gì cũng cần phải rõ ràng, chuyên nghiệp thì mới bền vững, công việc thiện nguyện sẽ đi vào hệ thống, không manh mún như hiện nay.
Trên thế giới có 3 nhóm người đi thiện nguyện: cá nhân, người nổi tiếng và doanh nghiệp - doanh nhân. Điều khác biệt ở các nước trên thế giới là người dân không bao giờ mang tiền đến trao trực tiếp cho người cần giúp đỡ mà họ thường đóng góp vào một tổ chức xã hội có pháp nhân, có tay nghề. Còn ở nước ta, nhiều người tự đứng ra vận động, tự mang tiền huy động được đi phát.
Đối với những văn nghệ sĩ, người nổi tiếng trên thế giới họ hoạt động thiện nguyện cũng rất khác chúng ta. Họ sẽ lập ra một quỹ hoặc tổ chức từ thiện, thuê người có chuyên môn và với tầm ảnh hưởng sâu rộng của người nổi tiếng, họ huy động nguồn lực rất dễ dàng. Khi đi giúp đỡ, người nổi tiếng cũng chỉ giám sát chứ không trực tiếp mang tiền đi tặng từng người. Tương tự, doanh nghiệp ở các nước có trách nhiệm với xã hội cũng lập ra quỹ vì cộng đồng hoặc đóng góp cho các tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp không trực tiếp đi làm từ thiện.
Đừng làm tổn thương đồng bào nơi lũ lụt!
Những ngày gần đây, không ít người bức xúc khi xem đoạn clip ghi lại hành động cứu trợ đồng bào miền Trung của một nhóm YouTuber. Theo đó, nhóm này đi thuyền đến khu vực bị ngập lụt để đưa đồ cứu trợ cho người dân. Thế nhưng, thay vì đưa tận tay, họ đứng từ xa ném nhu yếu phẩm về phía người nhận. Người nhận quà phải giơ tay chụp hoặc bơi ra nhặt. Không chỉ vậy, nhóm YouTuber còn dán tên của mình lên phần quà, đứng trên thuyền hô to mình thuộc kênh này, nhóm nọ.
Trong lúc cả nước hướng lòng về miền Trung bằng những hành động thiết thực nhất, vẫn còn đó những kẻ chỉ trích người này, so sánh người kia. Như ca sĩ Thủy Tiên, vừa kêu gọi quyên góp vừa đến tận nơi san sẻ cùng đồng bào cũng bị gièm pha cách ăn mặt, nghi ngờ tự đánh bóng tên tuổi...
Làm từ thiện giống như "vác tù và hàng tổng", cho dù làm tốt đến đâu thì cũng gặp phải tranh cãi. Khi lòng tốt bị nghi ngờ, nó sẽ là vật cản rất lớn đối với những tấm lòng tốt khác, khiến cho lòng tốt không thể phát huy hết những năng lượng tích cực cũng như cản trở cơ hội của những người đang gặp khó khăn.
Đáng lên án nhất là không ít người mượn danh nhóm này, đơn vị nọ bớt xén tiền bạc và những phần quà vốn đã ít ỏi của người dân vùng lũ. Có kẻ bất chấp nỗi đau khổ của gia đình nạn nhân, bày trò lừa đảo, như vụ vợ của một nạn nhân trong vụ sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3 bị kẻ xấu lừa đảo, chiếm đoạt 100 triệu đồng từ số tiền mà nhiều người san sẻ cho gia đình chị. Hay những mặt hàng được các nhóm thiện nguyện tìm mua để hỗ trợ bà con vùng lũ bỗng trở nên "sốt giá", khan hàng.
Dù có thể có những bào chữa theo cách này hay cách khác nhưng xin đừng làm tổn thương thêm những đồng bào đang gánh chịu quá nhiều mất mát, đau thương...
Tương Quan
Giải vây bị vu oan là ngăn cản
Thông tin về miền Trung nóng lên từng ngày nhưng công tác giúp đỡ người dân nơi đây đang gặp nhiều bất cập, khó khăn khi các đoàn cứu trợ liên tục đổ về vùng lũ, trong đó phần lớn là tự phát.
Trường hợp ông Lý Văn Đinh - cán bộ xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị - là một ví dụ. Từ thời điểm trận lũ lịch sử bắt đầu đổ về, ông Đinh là một trong những cán bộ lăn xả trong trận lũ để giúp dân. Cũng nhờ sự vận động của ông, nhiều đoàn thiện nguyện của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân... biết được tình hình khó khăn, khốn đốn của bà con địa phương và kịp thời cứu trợ hàng hóa, chia sẻ nỗi đau. Hơn hết, những chuyến cứu trợ đó đều được thực hiện bài bản, đến đúng nơi, đúng chỗ, đặc biệt kịp thời hỗ trợ bà con nằm ở vùng rốn lũ sâu nhất. Đó là nhờ những đoàn thiện nguyện có được sự phối hợp chủ động và bài bản với địa phương.
Thế nhưng, ông Lý Văn Đinh lại bị tai bay vạ gió trong một chuyến hàng cứu trợ. Các nhà hảo tâm phát tâm vào vùng lũ giúp bà con nhưng không lường được tình hình, khi tiến hành phát lương thực, tình trạng giành giật đã xảy ra. Một số người dân đã nhờ đến sự can thiệp của chính quyền địa phương. Khi thấy mọi chuyện bắt đầu phức tạp, đoàn cứu trợ đã... bỏ đi. Chuyện không dừng lại ở đó, cán bộ xã Lý Văn Đinh từ chỗ ra giải vây cho đoàn cứu trợ lại bị vu oan trên mạng xã hội Facebook là "chính quyền xã ngăn cản đoàn cứu trợ".
Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Văn Đinh cho biết hơn nửa tháng nay, lãnh đạo cùng các cán bộ xã, kể cả ông không ngày nào không lội nước để hỗ trợ các đoàn từ thiện đến với bà con, kể cả là những vùng xung yếu nhất.
"Tất cả các chuyến hàng cứu trợ đến với xã Hải Thành đều được thực hiện trọn vẹn, nghĩa tình, vì các đoàn từ thiện đều có thông báo trước. Với chính quyền xã chúng tôi, đoàn nào đến giúp bà con, chúng tôi luôn xem đó là nghĩa cử cao quý và biết ơn lắm. Do vậy, khi được phối hợp, chúng tôi hướng dẫn và hỗ trợ hết mình để hàng cứu trợ đến đúng nơi, đúng chỗ. Sự việc vừa qua quả thật làm tôi và nhiều đồng nghiệp rất buồn"- ông Đinh thổ lộ.
Ý Linh
Bình luận (0)