Nhân sự kiện “Người phụ nữ bẻ hoa mai anh đào ở Đà Lạt” bị búa rìu dư luận “chặt chém” không tiếc lời tôi lại chợt nhớ đến mình 30 năm về trước. May cho tôi thời đó phương tiện truyền thông còn ít ỏi và cũng không ai “để tâm” nhiều như bây giờ. Nếu không thì chắc đã lên “đoạn đầu đài”.
Ngày đó, vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7, lãnh đạo tỉnh và các huyện, xã đi dâng hương tri ân các liệt sĩ ở nghĩa trang. Nhiều người, trong đó có tôi cùng nhìn thấy một cành sứ Thái Lan bị tét sắp lìa thân cây.
Tôi muốn bó nó vào thân cây nhưng lại không có dây. Suy nghĩ một lúc tôi nghĩ hay là mình xin mang nó về nhà ươm lại. Một chút duy tâm, tôi nghĩ dại: “Hay là các liệt sĩ muốn tặng mình chăng?”. Ý kiến hay.
Tôi đã nhờ anh em “tét” luôn miếng vỏ còn dính rồi cẩn thận đem về nhà. Chờ ráo mủ tôi dâm vào chậu. Đất tốt, nhành hoa khỏe nên bén rất nhanh. Tôi chuyển nhà lên thành phố nhưng không quên mang “nó” theo.
Rừng thông Bản Áng (huyện Mộc Châu, Sơn La) được bảo tồn rất tốt. Ảnh: Phạm Dũng
Nay đã 30 năm. Giờ cành hoa sứ gầy năm nào nay trở thành cây sứ Thái Lan cho hoa màu hồng vững chãi trong chậu với bộ gốc, rễ cực đẹp. Đúng như tôi suy nghĩ.
Liên hệ “phụ nữ bẻ mai anh đào” ở chùa Tuyền Lâm (Đà Lạt) mà báo giấy, báo mạng, người đọc tốn nhiều thời gian, giấy mực. Có cần thiết lắm không, khi mà cô ấy đã có lời xin lỗi. Mà có chắc là cô ấy bẻ không hay là người khác bẻ rồi đưa như lời “trần tình” của cô.
Giá như. Tôi nói giá như cành hoa cô ấy cầm bị ai tước trước đó hoặc gió làm gãy thì người đi qua nhặt lên hay giẫm lên thì cành hoa vô tri kia có gây bão mạng hay không? Tôi lại nói giá như cô ấy là một khách du lịch bình thường hay một người nào đó chắc không bị chặt chém, ném đá nhiều đến vậy.
Đằng này cô ấy lại là Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận nên mới bị “tấn công” đến mức UBND tỉnh phải kêu giải trình.
Cũng ở Lâm Đồng, cách đây vài tháng thôi cũng gây "bão mạng" về việc nhiều nam thanh nữ tú ăn mặc thời trang đi phượt lên chùa. Nơi tôn nghiêm nhưng các bạn trẻ ăn ngã nằm ngồi, xả rác rồi mang cả dép vào qua nơi đặt bảng “Xin để dép bên ngoài”. Rồi chuyện đó cũng qua nhanh thôi.
Chuyện Đà Lạt ngày nay còn nhiều vấn đề xã hội cần quan tâm để tạo cho một Đà Lạt nên thơ, đáng yêu trong mắt mọi người. Đà Lạt cần lắm những rừng thông, đồi thông. Đà Lạt thông! Ai lên Đà Lạt bây giờ cũng chép miệng: “Đà Lạt nóng quá, nắng quá, thông bị bức tử hết rồi”.
Nhà khối, nhà ống, nhà cao tầng đua nhau phủ kín làm cho một Đà Lạt nên thơ ngày nào đang chết dần chết mòn.
Đâu rồi những mái nhà độc đáo chỉ có ở Đà Lạt? Đà Lạt ngày xưa ở đâu? Hãy trả lại Đà Lạt những gì của Đà Lạt, đặc trưng của Đà Lạt mới là người yêu Đà Lạt.
Đà Lạt đâu chỉ có mai anh đào mà còn có muôn ngàn loài hoa khác từ vương giả, đài cát đến những loài hoa bình dị chen nhau trong cỏ, trong lá để tạo nên một Đà Lạt ngàn hoa, ngàn sương và chìm đắm yêu thương.
Chỉ mấy ngày nay thôi người phụ nữ ấy cũng quá “nổi tiếng” lắm rồi. Tôi mong dư luận chấp nhận lời xin lỗi của cô ấy và UBND tỉnh Bình Thuận đừng quá bận tâm mà hãy lo nhiều việc khác làm cho Bình Thuận ngày càng phát triển.
Người dân, dư luận và đặc biệt là lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, thành phố Đà Lạt hãy lên án những tổ chức, cá nhân hoặc bất kỳ ai làm biến dạng Đà Lạt, cấu kết làm một Đà Lạt nên thơ, hùng vĩ trở thành một Đà Lạt khói bụi, đầy nắng và biệt thự hạng sang nằm giữa những đồi thông bị bức tử…
Bình luận (0)