Chiều 28-10, chương trình "Tình thương cho em" của Báo Người Lao Động đã thăm hỏi và trao tặng 20 triệu đồng cho 4 hoàn cảnh trẻ mồ côi do dịch Covid-19 có cha, mẹ là đoàn viên, công nhân viên chức lao động thuộc LĐLĐ quận 11.
Các hoàn cảnh gồm: em P.M.N (SN 2015; ngụ phường Bến Thành, quận 1) đang sống cùng mẹ là giáo viên cấp 2 và bà ngoại đã ngoài 70 tuổi; em T.N.M.C (SN 2007; ngụ phường Bến Thành, quận 1) đang sống cùng ba và 2 anh em khác; em C.N.H (SN 2012; ngụ phường 10, quận 10) mất cả cha và bà ngoại do dịch bệnh, đang sống cùng mẹ và anh trai; em T.N.T.T (SN 2008; ngụ xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) đang sống cùng anh hai (học sinh lớp 12) và cha là công nhân vệ sinh chợ, thất nghiệp nhiều tháng qua.
Trong đó, 3 trường hợp nhận hỗ trợ tại trụ sở LĐLĐ quận 11, 1 trường hợp được chương trình trực tiếp đến thăm và trao hỗ trợ tại nhà riêng.
Tâm sự với chúng tôi, ông Trần Ngọc Vinh (ngụ phường Bến Thành, quận 1) chia sẻ từ ngày vợ ông mắc Covid-19 không may qua đời, cuộc sống gia đình trở nên xáo trộn. Con gái ông, em T.N.M.C, ít nói và ngại chia sẻ hơn. Con nuôi của vợ chồng ông (9 tuổi) cũng trở nên trầm tính vì nhớ mẹ.
Giữa tháng 8, vợ ông phát hiện mắc Covid-19. Sau 2 ngày điều trị tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy, vợ ông không qua khỏi.
Đột ngột mất đi người mẹ thân yêu là cú sốc không thể tưởng tượng nổi của các con ông. "Thương nhất là thằng con út, nó là con nuôi, vợ chồng tôi nhận từ hồi đỏ hỏn. Tội nghiệp, thằng nhỏ đã nhiều thiệt thòi, nay mẹ nuôi cũng không còn nữa" – ông Vinh nghẹn ngào.
Trước dịch, ông là lái xe của một công ty tại quận 11. Vợ ông phụ bán quán tạp hoá. Dịch ập tới, vợ ông thất nghiệp, kinh tế gia đình phụ thuộc vào 3,2 triệu đồng tiền lương cơ bản của công ty.
Em P.M.N (ngụ phường Bến Thành, quận 1) vụng về dỗ dành khi mẹ khóc.
Chương trình "Tình thương cho em" đến thăm và trao hỗ trợ cho em C.N.H (SN 2012; ngụ phường 10, quận 10) có cha mắc Covid-19 không may qua đời.
Ba hoàn cảnh trẻ mồ côi nhận hỗ trợ từ chương trình "Tình thương cho em" tại trụ sở LĐLĐ quận 11.
Tiếp nhận hỗ trợ từ chương trình "Tình thương cho em", ông Vinh cho biết sẽ dùng số tiền này để xoay xở lo cho các con trong lúc gia cảnh có nhiều khó khăn như hiện nay. Ông Vinh cũng bày tỏ mong sớm có thể đi làm trở lại để kiếm tiền nuôi các con ăn học.
Nhắc về người chồng không may mắc Covid-19 qua đời, chị Trần Lệ Khanh (ngụ phường Bến Thành, quận 1), không cầm được nước mắt. Chị nói, đó là mất mát không gì có thể bù đắp nổi. Nỗi đau là quá lớn khi bỗng chốc con mất cha, vợ mất chồng chỉ vỏn vẹn trong vài ngày.
Thấy mẹ khóc, em P.M.N ngơ ngác. Nghe người xung quanh nhắc con dỗ dành mẹ, N. vụng về quay sang ôm mẹ vào lòng. Nhìn đứa trẻ chưa kịp hiểu chuyện, nước mắt người mẹ lại không ngừng rơi.
Đầu tháng 8, cao điểm dịch bệnh, anh Phan Vũ Huy, chồng chị, có biểu hiện sốt, ho. Cả gia đình, gồm vợ chồng chị, con gái và mẹ chồng (hơn 70 tuổi) test nhanh âm tính.
Nghĩ chỉ sốt bình thường, anh Huy tự mua thuốc uống. Hơn một tuần sau, bệnh vẫn không thuyên giảm, chị lo lắng đưa chồng đi bệnh viện. Sau nhiều ngày phải chuyển hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, bác sĩ cho hay anh mắc Covid-19 nhưng "không thể cứu được nữa, phổi đã trắng hết rồi". Ít ngày sau, anh mất.
Cầm số tiền do bạn đọc Báo Người Lao Động hỗ trợ, chị thút thít nói lời cảm ơn. Chị kể từ ngày trường đóng cửa vì dịch, mấy tháng nay chị mất việc. Đồng lương giáo viên chẳng dư giả, mấy tháng nay hai con phải chật vật rất nhiều.
Ông Đỗ Thanh Tú, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra LĐLĐ quận 11, nhận định chương trình "Tình thương cho em" của Báo Người Lao Động đã giúp giải tỏa bớt những căng thẳng của xã hội trong thời điểm khó khăn hiện tại do dịch bệnh gây ra.
Đồng thời, ông Tú bày tỏ hy vọng chương trình sẽ tiếp tục lan toả, giúp đỡ cho nhiều em nhỏ không may mồ côi do đại dịch khác để các em sớm vượt qua khó khăn, có điều kiện phát triển tốt hơn.
Bình luận (0)