Công trình cấp nước sinh hoạt ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) được triển khai xây dựng vào năm 2014. Giai đoạn 1 có tổng vốn khoảng 21 tỉ đồng, cấp nước sinh hoạt cho khoảng 2.000 hộ dân. Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục mở rộng cấp nước thêm cho 4.000 hộ dân với kinh phí tăng thêm khoảng 9,6 tỉ đồng và giao về cho Ban Quản lý Dự án (BQLDA) Đầu tư và Xây dựng huyện đảo Lý Sơn làm chủ đầu tư.
Khát nước từng ngày
Đến khoảng đầu năm 2015, giai đoạn 1 của dự án hoàn thành nhưng đến nay, người dân Lý Sơn vẫn không có nước sử dụng, phải dùng nước giếng hoặc mua nước bình.
Có mặt tại khu vực công trình cấp nước Lý Sơn, chúng tôi ghi nhận cả khu vực công trình cấp nước đóng cửa im ỉm, nhà điều hành hệ thống không có bóng dáng công nhân, các đường ống dẫn nước không có nước, thiết bị dùng sửa chữa đường ống để khắp nơi…
Ông Phạm Văn Thanh (ngụ xã An Hải) cho biết từ khi công trình được xây dựng xong đến nay không có công nhân đến vận hành, suốt ngày đóng cửa. “Lúc đầu nghe UBND huyện đầu tư nhà máy nước, ai cũng mừng nhưng từ khi xây dựng xong đến nay, nước chẳng thấy đâu. Dân khát nước từng ngày mà công trình làm xong bỏ hoang kiểu này, lãng phí quá” - ông Thanh bức xúc.
Còn công trình hệ thống cấp nước ở xã Hải Chánh (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) có tổng số vốn hơn 20,4 tỉ đồng do Công ty CP Nước sạch Quảng Trị làm chủ đầu tư xây dựng, sau đó được điều chỉnh với nguồn vốn lên đến hơn 30 tỉ đồng, trong đó 19 tỉ đồng từ vốn ngân sách nhà nước, hơn 8,3 tỉ đồng do Ý tài trợ, số còn lại được huy động từ đơn vị chủ đầu tư dự án.
Tháng 6-2014, công trình được khởi công xây dựng trên diện tích khoảng 1 ha tại thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh gồm các hạng mục như trạm bơm, khu xử lý cụm lắng đứng, lọc nhanh hộp khối, bể lọc nhanh, bể chứa nước sạch, bể xử lý bùn, hệ thống cấp điện cùng nhiều hạng mục phụ trợ khác... Đến cuối năm 2015, các hạng mục xây dựng thuộc công trình cấp nước sạch này đã hoàn thiện tiến độ đạt 80%. Tuy nhiên, từ đó đến nay, công trình ngừng xây dựng, bỏ hoang, người dân địa phương đã tận dụng nơi này thả trâu, bò.
Vẫn còn phải chờ
Lý giải về nguyên nhân không cung cấp nước sau khi hoàn thành, đại diện BQLDA Đầu tư và Xây dựng huyện đảo Lý Sơn cho biết sau khi công trình hoàn thành có chạy thử nhưng sau đó phải ngưng để chờ hoàn tất thủ tục nghiệm thu, bàn giao. “Trong quá trình đưa công trình vào sử dụng, vì tuyến ống chính của công trình cấp nước nằm trong dự án mở rộng tuyến đường trung tâm huyện đang triển khai nên buộc phải tổ chức di dời đường ống ra vị trí khác, công trình tạm ngưng vận hành. Hiện công việc di dời đường ống đã hoàn thành một số đoạn và sẽ tiến hành cấp nước ở những vị trí hoàn thành” - ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc BQLDA Đầu tư và Xây dựng huyện đảo Lý Sơn, cho biết.
Tuy nhiên, theo nhiều người dân Lý Sơn, việc để xảy ra sự cố “chồng lấn” giữa 2 dự án trên là điều khó hiểu. “Cả 2 dự án đều do BQLDA làm chủ đầu tư. Vì sao trong quá trình thi công 2 dự án lại không lường trước việc này, dẫn đến đường ống phải đào lên móc xuống, gây lãng phí?” - một người dân ở Lý Sơn đặt câu hỏi.
Với công trình hệ thống cấp nước ở xã Hải Chánh, ông Hồ Đình Thái, Chủ tịch UBND xã Hải Chánh, cho biết nếu công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ bảo đảm việc cấp nước sinh hoạt cho trên 1.500 hộ dân với khoảng 8.190 nhân khẩu của địa phương. “Khi thấy công trình bỏ hoang, xã đã kiến nghị lên HĐND các cấp cùng các cơ quan chức năng để có biện pháp khắc phục nhưng vẫn chưa có kết quả” - ông Thái nói.
Còn ông Lê Thành Ty, Phó Giám đốc Công ty CP Nước sạch Quảng Trị, nói nguyên nhân khiến công trình bị ngưng giữa chừng là do thiếu vốn. Hiện đơn vị đang chờ gói hàng hóa, vật tư, trang thiết bị trị giá 8,3 tỉ đồng từ nguồn vốn đầu tư ODA.
250.000 đồng/m3 nước (!)
Ngày 11-4, UBND xã An Bình (Lý Sơn) cho biết nắng hạn kéo dài khiến lượng nước ngọt dự trữ trên đảo Bé cạn kiệt, nhiều hộ dân phải mua nước từ đảo Lớn chở qua với giá 250.000 đồng/m3.
“Hiện nhà máy chế biến nước mặn thành nước ngọt do các đơn vị tài trợ cũng chỉ hoạt động cầm chừng, không đủ cho người dân dùng. Đặc biệt, lượng du khách đổ ra đảo Bé ngày càng đông nên nhu cầu sử dụng nước ngọt càng trở nên khan hiếm” - đại diện UBND xã An Bình nói.T.Trực
Bình luận (0)