Vừa qua, người dân ở chung cư tại 49 đường 66 (phường Thảo Điền, quận 2, TP HCM) gọi điện qua đường dây nóng Báo Người Lao Động phản ánh về việc chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp sổ hồng cho cư dân. Anh T. (cư dân block C2) kể ký hợp đồng mua căn hộ từ năm 2014, đến đầu năm 2015, chủ đầu tư bàn giao phần thô để anh hoàn thiện và đến cuối năm thì xong. Sau khi chuyển vào ở được 2 năm, anh T. vẫn chưa thấy chủ đầu tư làm thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (hay còn gọi là sổ hồng).
Chủ đầu tư liều, cư dân "dài cổ"
Mang thắc mắc của mình đi hỏi những căn hộ xung quanh, anh T. mới biết cũng chung số phận. "Đến nay là năm thứ 4 ở trong căn hộ được quảng cáo là cao cấp nhưng tôi vẫn chưa nhận được giấy tờ gì chứng minh mình là chủ sở hữu do nhà nước cấp theo quy định" - anh T. bức xúc. Chung cư này có 4 block gồm A1, A2, C1 và C2 do Tập đoàn Novaland xây dựng với khoảng 1.000 căn hộ nhưng nhiều cư dân cho biết vẫn chưa có sổ hồng.
Dù cư dân đóng 5% giá trị căn hộ còn lại để làm sổ hồng nhưng chủ đầu tư chung cư Khang Gia vẫn chưa thực hiện cam kết
Cũng ở phường Thảo Điền, nhiều cư dân ở chung cư Thảo Điền Pearl do Công ty SSG 2 thuộc Tập đoàn SSG làm chủ đầu tư vẫn chưa được cấp sổ hồng dù đã ở được 5 năm. Một số người dân cho biết việc chung cư bị chậm cấp sổ hồng do chủ đầu tư thay đổi thiết kế, sai với bản vẽ ban đầu nên các cơ quan chức năng phải rà soát lại pháp lý của từng căn. Đầu năm 2018, cư dân được thông báo nộp hồ sơ để làm sổ hồng nhưng sau nửa năm mà vẫn chưa thấy đâu. "Chúng tôi đóng tiền mua căn hộ không thiếu một xu, nếu chậm thì dọa bị tính lãi nhưng chủ đầu tư chậm làm sổ hồng cả 5 năm thì ai chịu trách nhiệm?" - một cư dân kể tội chủ đầu tư khi không thể cầm cố căn hộ để lấy vốn làm ăn.
Còn ở quận Gò Vấp, chung cư Khang Gia do Công ty CP Đầu tư và Phát triển địa ốc Khang Gia xây dựng cũng đang lâm vào cảnh bế tắc mặc dù những cư dân đầu tiên vào ở từ năm 2012. Động thái mới nhất là hồi tháng 3-2017, chủ đầu tư thông báo cư dân đóng 5% giá trị căn hộ còn lại để làm sổ hồng. Anh N. (cư dân block C) cho biết vào thời điểm trên, nhiều cư dân dù biết điều này là vô lý bởi chỉ khi nào giao sổ hồng thì cư dân mới đóng khoản tiền 5% giá trị hợp đồng.
Tuy nhiên, anh N. và nhiều hộ dân khác vẫn sẵn sàng đóng vì nghĩ rằng chủ đầu tư đang gặp khó, cư dân cùng hỗ trợ để sớm có sổ hồng. Nhưng sau gần 1 năm rưỡi nhưng chẳng thấy sổ hồng đâu. "Không có sổ hồng thì không được đăng ký hộ khẩu. Muốn làm tạm trú thì cần xác nhận của công ty có mua nhà ở đây, chỉ có cái xác nhận thôi mà công ty cũng lấy mấy chục ngàn đồng. Khổ còn hơn đi ở trọ bởi nếu gặp được chủ nhà trọ tốt bụng, họ còn cho ghép chung hộ khẩu" - anh N. ngao ngán.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Ban Quản trị chung cư Khang Gia Tân Hương (phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP HCM), than thở 5 năm qua, chung cư vẫn chưa được hoàn công nên chuyện có sổ hồng là điều xa vời. Lý do là chủ đầu tư tự ý xây dựng sai phép, thay đổi công năng. Cụ thể, phần diện tích thương mại tại tầng 1, lửng và tầng 2 bị chủ đầu tư chia nhỏ thành 71 căn hộ. "Sở Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ phần sai phạm trên thì mới xem xét việc hoàn công cho chung cư, khi đó mới tính đến việc làm sổ hồng..." - ông Hùng nói.
Chỉ có thể khởi kiện
Theo tìm hiểu, ở TP HCM còn hàng chục chung cư mà người dân đã ở nhiều năm nhưng chưa được cấp sổ hồng. Nguyên nhân dẫn đến việc chủ đầu tư chậm làm sổ hồng cho người mua nhà là do xây nhà sai thiết kế dẫn đến không thể hoàn công. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư thu tiền làm sổ hồng của người dân nhưng lại không nộp tiền sử dụng đất cho cơ quan nhà nước hoặc cầm cố luôn quyền sử dụng đất tại ngân hàng.
Cư dân ở chung cư tại 49 đường 66 (phường Thảo Điền, quận 2) vẫn chưa nhận được sổ hồng cho căn hộ quảng bá là cao cấp của mình dù đã nhận nhà từ năm 2014
Luật sư Đỗ Ngọc Thanh (Công ty Luật TNHH MTV Dân Luật) cho biết trong trường hợp chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp sổ hồng thì người dân có thể khiếu nại lên các sở - ngành TP để những đơn vị này đốc thúc chủ đầu làm thủ tục cấp sổ hồng. Bên cạnh đó, người dân chung cư cũng có thể khởi kiện ra tòa để tòa án buộc chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng.
Còn luật sư Lê Trọng Thêm (Công ty Luật LTT&Lawyers) thì nói rằng Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đều quy định người dân khi mua nhà ở hợp pháp từ chủ đầu tư sẽ đủ điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở. Chủ đầu tư phải có nghĩa vụ giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) và hồ sơ có liên quan theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán căn hộ chung cư.
Trong trường hợp chủ đầu tư chậm trễ thực hiện thủ tục cấp sổ hồng cho người mua căn hộ thì tùy vào thời gian chậm trễ và số lượng hộ gia đình bị chậm trễ cấp sổ hồng, chủ đầu tư có thể bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức từ 30 triệu đồng đến 1 tỉ đồng (điều 26 Nghị Định 102/2014/NĐ-CP). Luật hiện hành cũng cho phép người mua nhà tự đi đăng ký để được cấp sổ hồng theo điều 72 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
Tìm hiểu kỹ khi ký hợp đồng!
Theo luật sư Lê Trọng Thêm, do nhu cầu về nhà ở gia tăng, thường thì người mua ít quan tâm đến các điều khoản pháp lý trong hợp đồng mua bán căn hộ và hoàn toàn tin tưởng vào uy tín của chủ đầu tư nên giao toàn quyền cho chủ đầu tư trong việc làm sổ hồng.
Vì vậy, luật sư Thêm khuyến cáo: Mua bán nhà là quan hệ dân sự, người mua cần chủ động tìm hiểu kỹ tình trạng pháp lý dự án, năng lực chủ đầu tư và cần thương lượng, đàm phán các điều khoản trong hợp đồng mua bán căn hộ chung cư một cách chi tiết và rõ ràng. Ngoài ra, người mua căn hộ chung cư cũng nên đàm phán chi tiết và cụ thể về mức phạt vi phạm nghĩa vụ làm thủ tục cấp sổ hồng đối với chủ đầu tư để làm căn cứ khi tranh chấp này phát sinh.
Bình luận (0)