Những người trồng chuối ở xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đang đứng ngồi không yên bởi chuối đã đến kỳ thu hoạch nhưng không thể bán do thương lái bỗng dưng biến mất.
Đây là câu chuyện không còn mới. Trước đây, khi thấy trồng chuối hiệu quả, một số người dân đã chặt bỏ mía, quýt chuyển qua trồng chuối. Trồng hàng loạt, trong khi không đảm bảo được đầu ra. Vì vậy, đến kỳ thu hoạch không thấy bóng dáng của thương lái đến như đã hứa, người dân chỉ biết khóc ròng để chuối chín rụng vườn, bởi có chặt lại mất thêm một khoản thuê nhân công.
Như hộ ông Cao Văn Thắng, tổ 5, ấp Bàu Hàm, xã Tân Lâm, với diện tích 10ha ông thu khoảng 550 tấn chuối, ông đã giảm giá thành xuống còn 1.500 đồng/kg. Vậy mà, từ ngày này qua ngày khác, ông mong chờ tin tức thương lái nhưng vẫn không thấy xuất hiện.
Nông dân lao đao khi chuối không thể bán
Không chỉ riêng ông Thắng, toàn xã Tân Lâm đến kỳ thu hoạch vẫn chưa thể xuất bán vì không thấy thương lái.
Không chỉ dân Bà Rịa - Vũng Tàu, người Đồng Nai cũng chung cảnh ngộ khi hàng trăm tấn chuối đến kỳ thu hoạch vẫn đang loay hoay tìm thương lái.
Trước tình thế cấp bách, cần phải giúp người trồng chuối giải nguy, một chiến dịch do những người dân Vũng Tàu đặt ra mang tên “Chuối nghĩa tình” đã được triển khai lan rộng khắp thành phố Vũng Tàu và nhiều huyện trong tỉnh.
Ban đầu là “giải cứu chuối” Đồng Nai, rồi đến huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu).
Với giá bán 5.000 đến 7.000 đồng/kg, trong những ngày qua, cả trăm tấn chuối đã được các tình nguyện viên rải khắp nơi.
Trong đó, phải kể đến sự góp sức của lãnh đạo siêu thị U-Mart (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã hỗ trợ phương tiện, nhân lực cùng hàng chục phóng viên trong tỉnh, phóng viên thường trú, các tình nguyên viên đã chung tay kêu gọi, chia sẻ đến người dân hỗ trợ.
Một điểm "Chuối nghĩa tình" với giá 5.000 đồng/kg
Nhiều điểm “Chuối nghĩa tình” mọc lên, tất cả đều mang hình thức hỗ trợ người dân, ai cũng nhiệt tình giúp sức. Đến nay, chiến dịch vẫn đang tiếp tục triển khai và nhân rộng ở nhiều điểm ở các tỉnh Đồng Nai, TP HCM.
Tuy nhiên, phải nhắc lại rằng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, mang tình thế cấp bách để giải quyết khó khăn trước mắt cho người dân.
Về lâu dài, trách nhiệm của những người quản lý nông nghiệp cần định hướng cho người nông dân và người nông dân cũng nên dừng ngay tư tưởng trồng trọt theo phong trào. Bởi cứ thấy lãi trước mắt liền nhào vô bất chấp hậu quả thì trước sau gì cũng "chết" dưới tay thương lái, "chết" bởi cung vượt xa cầu.
Bình luận (0)