Theo Quyết định 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh lụt, bão khu vực miền Trung (14 địa phương từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, gọi tắt là Quyết định 48), các hộ sẽ được hỗ trợ từ 12-16 triệu đồng, vay tối đa 15 triệu đồng với nhiều ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây nhà.
Dở khóc dở cười
Ngoài ra, các hộ được hỗ trợ phải xây dựng được gian nhà ở phòng tránh lụt, bão hoặc cải tạo, nâng tầng nhà ở hiện có, bảo đảm có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt cao nhất tại vị trí xây dựng; diện tích xây dựng sàn tối thiểu 10 m2; các kết cấu chính như móng, khung, sàn, mái tương đương kết cấu của nhà ở xây dựng kiên cố.
Dù căn nhà xuống cấp, ông Nguyễn Văn Trung (ngụ huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn từ chối nhận hỗ trợ xây nhà vì cho rằng mức hỗ trợ quá thấp Ảnh: Tử Trực
Hơn 2 năm triển khai, rất nhiều hộ nghèo đã được sở hữu căn nhà có gác lửng kiên cố để tránh trú khi lụt, bão. Tuy nhiên, nhiều hộ đành ngậm ngùi viết đơn xin không hưởng dự án vì không có tiền thêm vào làm nhà.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế có 3.906 hộ nghèo sẽ thực hiện xây dựng nhà theo Quyết định 48 với kinh phí trên 52,2 tỉ đồng từ trung ương. Hiện tỉnh đã giải ngân trên 31,2 tỉ đồng cho 2.235 hộ sau khi thực hiện xây dựng hoàn thành; còn 1.012 hộ có đơn xin không thực hiện, trong đó nhiều nhất là huyện Phú Vang (220 hộ), Quảng Điền (232 hộ) và Phú Lộc (298 hộ).
Tỉnh Quảng Ngãi có hơn 3.300 hộ nằm trong diện được hỗ trợ nhưng chỉ hơn 1.000 căn nhà được xây, số còn lại xin rút khỏi danh sách. “Đầu năm 2015, địa phương báo gia đình tôi nằm trong số những hộ được hỗ trợ xây nhà chống lũ, bão. Tôi vui mừng kêu thợ phá bỏ căn nhà cũ đang rệu rã, đặt móng xây nhà mới khang trang hơn. Thế nhưng, khi nhà xây lên giữa chừng, tôi mới biết được nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nghĩa Hành hỗ trợ 15 triệu đồng, tổng cộng 30 triệu đồng. Cầm tiền trên tay, tôi dở khóc dở cười, làm nhà bây giờ ít gì cũng tốn cả trăm triệu đồng, mức hỗ trợ chỉ đủ trả vật liệu làm móng thì sao xây nhà cho xong? Bây giờ, chúng tôi cứ ở tạm trong căn nhà xây thô, khi nào có tiền thì làm dần dần” - bà Huỳnh Thị Trúc (ngụ xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành) nói.
Trong khi đó, ông Trương Đình Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định - cho biết thời gian qua, dù đã nhiều lần tuyên truyền, vận động nhưng cả xã chỉ có 19/32 hộ được hỗ trợ theo Quyết định 48 đã xây dựng và hoàn thành nhà ở phòng tránh lụt, bão; số còn lại do kinh tế khó khăn nên chưa thể thực hiện. “Chúng tôi cũng đã triển khai phương án tín chấp cho các hộ chưa đủ điều kiện nhận tiền hỗ trợ được mua nợ vật liệu xây dựng nhưng họ vẫn còn e ngại” - ông Tiến thông tin.
Vận động thêm
Ông Lê Quang Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng với số tiền hỗ trợ từ Quyết định 48 thì không đủ làm một căn nhà phòng tránh lụt, bão theo quy định. Mặt khác, những hộ được hưởng chính sách đều nghèo, không có tiền để bù vào lại thêm tâm lý ngại vay ngân hàng nên xin rút. “Cách đây 1-2 năm, nếu làm một căn nhà theo quy định này thì tốn khoảng 25-30 triệu đồng nhưng giờ chi phí đã đội lên” - ông Dũng nói.
Ông Dũng cho biết tỉnh đã điều chỉnh, bổ sung 223 hộ thay thế cho những trường hợp rút lui nên hiện có khoảng 789 hộ không thực hiện. “Giai đoạn 3 của dự án với mục tiêu xây dựng 40% đã phải tạm dừng vì kinh phí từ trung ương chưa chuyển vào, chúng tôi đã có báo cáo gửi UBND tỉnh đề nghị giải quyết” - ông Dũng thông tin.
Theo ông Nguyễn Đề, Trưởng Phòng Quản lý nhà - Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh lụt, bão trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 48 sẽ hoàn tất vào cuối năm 2016 nhưng đến nay, chỉ mới 36,3% hộ được phê duyệt, hoàn thành xây dựng. Cụ thể, có 1.169 hộ dân được hỗ trợ nhưng khi đưa vào triển khai thực hiện, nhiều hộ nghèo không có nhu cầu xây nhà ở. Danh sách hộ nghèo được phê duyệt còn 768 hộ, đến thời điểm hiện tại chỉ có 279/768 hộ đã hoàn tất xây dựng, cải tạo nhà ở.
“Nhằm đẩy nhanh tiến độ, chúng tôi đã có nhiều văn bản đôn đốc các địa phương rà soát lại danh sách, tìm hiểu vướng mắc, có những hỗ trợ kịp thời. Tuy nhiên, để làm tốt việc này, chính quyền địa phương cần phối hợp với các tổ chức, đoàn thể tích cực vận động thêm nguồn lực để hỗ trợ hộ nghèo xây nhà phòng tránh lụt, bão” - ông Đề nhấn mạnh.
Đổi bò vì nuôi mãi không lớn
Tháng 7-2015, từ nguồn vốn của Chương trình 135, UBND xã Quế Phước, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam trao 60 con bò giống cho các hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn. Mỗi con bò trị giá 14 triệu đồng, nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, người dân góp vốn đối ứng 4 triệu đồng. Đến thời điểm hiện tại, đã có 12 hộ xin đổi bò vì cho rằng giống kém chất lượng, nuôi mãi không lớn...
Ông Huỳnh Bá Cường, Chủ tịch UBND xã Quế Phước, cho biết nguyên nhân không phải do chất lượng bò giống mà là điều kiện chăn nuôi không phù hợp. 60 con bò giống là bò lai, hình thức nuôi nhốt, cho ăn cỏ và cám nhưng người dân lại chăn thả trên núi trong khi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương vào mùa nắng thiếu nước, mùa mưa thiếu cỏ nên bò kém phát triển. Địa phương đã cho phép người dân đổi bò giống phù hợp với cách nuôi của gia đình nhưng vẫn khuyến khích họ trồng cỏ, xây chuồng trại nuôi nhốt vì bò lai có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Tr.Thường
Mang nợ
Ông Nguyễn Tấn (ngụ huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết giữa năm 2015, địa phương thông báo ông cùng nhiều gia đình ở xã Hành Tín Tây được hỗ trợ xây nhà chống lụt, bão. “Nhà tôi ọp ẹp, đợt lụt năm 2013 ngập tới nóc..., nghe được hỗ trợ cứ nghĩ cũng đủ xây một nửa căn nhà nên chạy vay xây căn nhà hơn 100 triệu đồng. Giờ mỗi tháng lãi vay hơn 1 triệu đồng, không biết đường nào để trả nợ” - ông Tấn nói.
Riêng tại xã Hành Tín Đông và Hành Tín Tây có gần 100 hộ lâm cảnh khó khăn, nợ nần vì trót xây nhà chống lụt, bão. Trong đó có những hộ vì mức hỗ trợ quá thấp, cũng có một số hộ xây nhà xong mới biết không được hỗ trợ theo Quyết định 48.
Ông Bùi Đình Thời, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành, cho biết đã kiến nghị cấp trên xem xét, đưa những hộ này vào diện hỗ trợ khác nhưng vẫn chưa có kết quả. T.Trực
Bình luận (0)