Năm 2015, Ban Quản lý (BQL) Rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Hương đã bàn giao 88 ha đất lâm nghiệp tại Tiểu khu 127 cho UBND xã Hồng Tiến, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế quản lý sử dụng và cấp cho người dân có đất sản xuất.
Xã không có quyền?
Trong đó, UBND xã Hồng Tiến để dành 28 thửa với tổng diện tích trên 21 ha cấp cho các hộ dân khi bị thu hồi đất thực hiện các công trình phúc lợi trên địa bàn xã và 16 hộ dân đổi đất của Trại giam Bình Điền thuộc Bộ Công an. Số diện tích còn lại trên 61 ha (đã trừ đất giao thông, sông suối), xã Hồng Tiến dự kiến xét giao cho những hộ dân khó khăn nhưng có khả năng trồng rừng, tạo điều kiện để họ phát triển kinh tế.
Sau khi xem xét, UBND xã Hồng Tiến thống nhất danh sách 62 hộ dân thuộc diện ưu tiên cấp đất nên đã tính toán kinh phí thiết kế phân lô, đo đạc cắm mốc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo đó, mỗi hộ dân phải đóng mức phí 3,5 triệu đồng để làm các thủ tục trên.
Nhiều hộ dân nằm trong danh sách được cấp đất ngay lập tức nộp tiền sau khi UBND xã Hồng Tiến có thông báo với hy vọng sớm có đất sản xuất. Thế nhưng, đến nay, họ vẫn chưa được chính quyền địa phương cấp đất trồng rừng, phát triển kinh tế.
"Tại buổi tiếp xúc cử tri xã, nhiều người đã đặt câu hỏi tại sao BQL Rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Hương bàn giao đất cho xã nhưng đất lại không được cấp cho dân. Lúc đó, chủ tịch xã trả lời việc cấp đất đã bàn giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) thị xã Hương Trà, xã không có quyền hạn giải quyết" - ông Lê Văn Đanh (trú tại thôn 2, xã Hồng Tiến) cho biết.
Trong khi hơn 60 hộ dân mỏi mòn chờ cấp đất thì UBND xã Hồng Tiến lại "xẻ" 7 ha cấp cho ông Lê Văn Hòa - khi đó là Phó Bí thư Đảng ủy xã, nay là Chủ tịch UBND xã - để trồng rừng. Ông Hòa được "mượn" 7 ha sau khi làm đơn gửi UBND xã Hồng Tiến nêu lý do người dân không có điều kiện trồng rừng (?).
Khu đất rừng này đã được bàn giao nhưng hơn 2 năm vẫn chưa cấp cho dân Ảnh: Quang Nhật
Tự ý thu tiền là sai quy định
Ông Lê Văn Hòa thừa nhận xã Hồng Tiến đã thu 3,5 triệu đồng của mỗi hộ để thuê Trung tâm Kỹ thuật TN-MT (Sở TN-MT tỉnh Thừa Thiên - Huế) tiến hành đo đạc, phân lô. Đơn vị này đã tạm ứng 30% số tiền do người dân nộp để thực hiện công việc theo hợp đồng.
Theo ông Hòa, việc đo đạc đã xong, UBND xã Hồng Tiến đã xây dựng phương án bàn giao đất cho dân gửi lên UBND thị xã Hương Trà. Thế nhưng, cơ quan này trả lời rằng xã không đủ khả năng và quyền hạn để cấp đất cho dân, phải đợi chủ trương của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.
"Khi chúng tôi làm việc với thị xã thì Phòng TN-MT đã giới thiệu Trung tâm Kỹ thuật TN-MT đo đạc. Bảo xây dựng phương án giao đất cho dân nhưng khi xã xây dựng phương án xong thì thị xã lại nói như vậy" - ông Hòa phân trần.
Thế nhưng, ông Trần Hưng Long, Trưởng Phòng TN-MT thị xã Hương Trà, lại khẳng định cơ quan này chưa bao giờ chỉ đạo hay giới thiệu về việc hợp đồng phân lô, đo đạc đất lâm nghiệp ở xã Hồng Tiến. Việc thuê trung tâm đo đạc là do xã tự ý.
"Chúng tôi đã có 2 tờ trình về việc giao đất ở xã Hồng Tiến cho dân, gửi lên UBND tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Tỉnh cũng chưa có quyết định thu hồi phần diện tích này. Việc UBND xã Hồng Tiến tự ý thu tiền người dân như vậy là sai quy định pháp luật. Riêng chuyện cán bộ xã mượn 7 ha rừng thì các quy định không cấm" - ông Long nhận xét.
Phải có phương án giao đất
Theo ông Trần Quốc Thức, Giám đốc BQL Rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Hương, đến nay, BQL đã bàn giao cho xã Hồng Tiến trên 537 ha đất sản xuất sau khi thanh lý rừng. Trong đó, năm 2015 là 88 ha, năm 2016 gần 81 ha. Khi bàn giao, ông Thức cho biết đều có sự chứng kiến của chính quyền địa phương và kiểm lâm địa bàn.
"Trách nhiệm giao đất cho dân không phải của chúng tôi. Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có văn bản yêu cầu nêu rõ đất rừng sau khi thanh lý phải quản lý đến khi tỉnh có quyết định thu hồi. Trình tự thì địa phương phải xây dựng phương án giao đất cho dân, được phê duyệt mới thực hiện thu hồi. Thực tế, từ khi giao đất rừng cho các địa phương đến nay, chúng tôi chưa nhận được quyết định thu hồi đất rừng nào của UBND tỉnh" - ông Thức cho biết.
Bình luận (0)