Dự thảo Luật Thuế tài sản có bố cục về đối tượng chịu thuế, không chịu thuế; người nộp thuế; căn cứ tính thuế; giá tính thuế; thuế suất; nguyên tắc miễn, giảm thuế; miễn thuế, giảm thuế; đăng ký, khai, tính và nộp thuế giống như những sắc thuế khác.
Trong khi soạn thảo cũng như khi thông qua luật, cơ quan soạn thảo và thực thi không thể không tính tới "câu chuyện" lách thuế. Hiện nay, đa số người mua và bán bất động sản đều muốn kê khai giá trị chuyển nhượng thấp hơn so với giá trị thực để "lách" thuế. Đối với thuế tài sản cũng vậy, nếu người nộp thuế chỉ cần kê khai giá trị nhà thấp hơn so với giá mà hai bên chuyển nhượng hoặc tạo lập thì sẽ gây khó khăn đối với việc tính thuế tài sản. Dù kịch bản lách thuế có giới hạn nhất định do cơ quan quản lý có bảng giá nhá đất nhưng không phải là không thể xảy ra. Thực tế đã chứng minh như vậy.
Biểu đồ về ảnh hưởng của Luật Thuế tài sản đối với các hộ gia đình (Nguồn: Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách)
Đối với tài sản là nhà, đất mà cá nhân, tổ chức tạo lập từ khoản thu nhập chính đáng; đồng thời, họ đã thực hiện các nghĩa vụ thuế (thuế thu nhập cá nhân…) cho khoản thu nhập đó, trước khi tạo lập tài sản. Chưa kể, người mua đã đóng phí trước bạ khi chuyển nhượng bất động sản hoặc thuế tiêu thụ khi mua máy bay, du thuyền, ô tô… Như vậy, nếu họ tiếp tục gánh thêm thuế tài sản liệu có hợp lý và công bằng?
Bất cứ một sắc thuế nào ban hành không rõ ràng, cụ thể, chắc chắn, không tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Do đó, cơ quan quản lý nên xem xét một cách thật cẩn trọng khi ban hành đạo luật điều chỉnh một sắc thuế. Một sắc thuế muốn thực hiện tốt cần phải hiệu quả, thực tiễn, ít mục tiêu và phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội từng quốc gia. Bên cạnh tính toán mức thu phù hợp, Chính phủ cần chú trọng hơn đến việc quy định rõ trách nhiệm giải trình công khai đến nhân dân của các cấp, từ trung ương đến địa phương.
Bình luận (0)