Những ngày đầu năm 2017, tuyến cáp quang biển quốc tế Asia America Gateway (AAG) bị rò nguồn điện ở khu vực thuộc vùng biển Vũng Tàu làm mất toàn bộ băng thông internet quốc tế từ Việt Nam đi Hồng Kông, Singapore, Mỹ của các nhà mạng Việt Nam đang khai thác trên tuyến cáp này. Tiếp đó, ngày 10-1, tuyến cáp quang biển Liên Á - IA lại đứt theo hướng kết nối đi Hồng Kông.
Doanh nghiệp than trời
Hai tuyến cáp liên tiếp gặp sự cố khiến mạng internet tại Việt Nam gần như “tê liệt”; người dùng, doanh nghiệp (DN) bị thiệt hại không nhỏ. Nhiều chủ tiệm internet - game than trời vì “mùa làm ăn” mà mạng đứng, không thể chơi game online, truy cập internet chậm nên khách hàng bỏ đi. Những công ty liên quan đến việc in ấn cũng “lao đao” vì không thể gửi file đến xưởng in đúng tiến độ. “Những file dung lượng lớn, trước đây chỉ mất vài phút để gửi nay phải chờ vài giờ. Khách giục liên tục vì gần Tết, chúng tôi phải chép các file ra ổ cứng USB để nhân viên chạy sang xưởng in. Xưởng ở xa, đường sá đông đúc, rất vất vả…” - bà B.P.Thảo, chủ một công ty chuyên về in ấn tại TP HCM, chia sẻ.
Còn đại diện 1 DN xuất khẩu, vận tải biển tại TP HCM cho biết mỗi ngày phải gửi đi hàng trăm file hợp đồng, chứng từ, phiếu xuất kho… đến khách hàng, các kho vận, cảng biển… trong nước và nước ngoài qua đường truyền internet. Do đứt cáp, việc chuyển file gặp khó khăn, khách hàng liên tục điện thoại thúc giục, hàng hóa không thể ra khỏi kho, cảng do chưa nhận được giấy tờ... “Nhân viên của chúng tôi phải mướt mồ hôi trả lời khách hàng, chạy đi chạy lại liên tục để xử lý. Sự cố này làm chúng tôi thiệt hại không nhỏ, các nhà mạng cần phải khắc phục nhanh và bồi thường thiệt hại cho chúng tôi…” - vị này bức xúc.
Phụ thuộc tình hình thời tiết
Theo thông tin mới nhất của đơn vị quản lý tuyến cáp AAG, tàu sửa chữa cáp dự kiến sẽ đến vị trí lỗi vào 11 giờ ngày 23-1, mối hàn đầu tiên sẽ hoàn thành vào 17 giờ ngày 25-1. Mối hàn cuối cùng dự kiến xong vào 3 giờ ngày 28-1, thời điểm hoàn tất chôn cáp dự kiến vào 7 giờ ngày 29-1 (tức mùng 2 Tết nguyên đán). Khi đó, 100% kênh truyền trên tuyến cáp này sẽ được khôi phục. Kế hoạch dự kiến nêu trên chậm hơn nhiều so với kế hoạch đã được VNPT VinaPhone cho biết trước đó (khoảng từ ngày 18 đến 23-1). Các nhà mạng trong nước cho biết với việc tàu sửa cáp AAG đến muộn, kết nối internet Việt Nam đi quốc tế trên tuyến cáp này sẽ còn lâu mới khôi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, các nhà mạng cho biết thời gian dự kiến hoàn thành công việc chưa được xác định chắc chắn bởi còn phụ thuộc vào thời tiết trên biển.
Theo các chuyên gia viễn thông, sự cố đứt cáp lần này khiến người dùng cá nhân, hộ gia đình, các DN vừa và nhỏ bị ảnh hưởng nặng nhất vì các nhà mạng sẽ ưu tiên đường truyền cho các DN lớn. Ngay khi xảy ra sự cố, các nhà mạng trong nước cho biết đã sử dụng nhiều tuyến cáp khác để chuyển tiếp lưu lượng AAG bị ngừng hoạt động nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tới khách hàng. Các nhà mạng cũng khuyến cáo người dùng nên sử dụng internet quốc tế cho những dịch vụ quan trọng, các dịch vụ khác nên chuyển sang hướng trong nước để tối ưu hóa dung lượng truyền tải.
Theo thông tin mới nhất từ Viettel, ngay sau khi nhận được thông tin về sự cố xảy ra với tuyến cáp IA vào chiều 11-1, Viettel đã nhanh chóng định tuyến, sang tải dung lượng kết nối qua hướng cáp biển APG và 2 hướng đất liền để bảo đảm tối đa chất lượng dịch vụ cho khách hàng. Đến hết ngày 11-1, Viettel đã hoàn thiện bổ sung khoảng 300 Gbps trên các hướng kết nối hiện có để duy trì dịch vụ. Viettel cũng cho biết sẽ lắp đặt thêm các bộ cache dung lượng (lưu trữ dữ liệu) cho hệ thống máy chủ của Google, Facebook tại Việt Nam để bảo đảm dịch vụ của Google, Facebook hoạt động tốt do không cần kết nối ra quốc tế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của sự cố này, việc truy cập internet của khách hàng sẽ khó tránh khỏi hiện tượng chập chờn vào các khung giờ cao điểm.
Trong khi đó, một chuyên gia về viễn thông tại TP HCM cho hay khoảng 50%- 60% băng thông internet từ Việt Nam kết nối đi quốc tế hiện vẫn qua tuyến cáp AAG. Các nhà mạng khó có thể ứng cứu, sang tải kịp thời chỉ trong vài ngày mà phải cần 1-2 tuần để chuyển tải sang tuyến cáp khác. Ảnh hưởng của sự cố đứt cáp AAG đối với tốc độ kết nối của các thuê bao internet Việt Nam đi quốc tế là hoàn toàn chắc chắn. Do vậy hiện thời người dùng nên hạn chế việc truy cập, sử dụng các dịch vụ internet hướng ra quốc tế để chờ nhà mạng ứng cứu, sang tải đường truyền.
Sẽ cải thiện trong vài ngày tới
Các chuyên gia về viễn thông cho biết các nhà mạng trong nước vừa đưa vào vận hành tuyến cáp APG do VNPT, Viettel, FPT và CMC tham gia đầu tư sau hơn 4 năm thi công. APG (Asia Pacific Gateway) là tuyến cáp quang biển nối từ Singapore, Malaysia qua Đà Nẵng (Việt Nam) tới Nhật Bản, có băng thông dự kiến 54 Tb/s (gấp gần 20 lần so với mức 2,88 Tb/s của AAG). Việc đưa vào vận hành tuyến cáp này sẽ giúp sang tải cho tuyến cáp AAG vốn hay gặp nhiều sự cố. Cho nên trong vài ngày tới có thể tốc độ truy cập internet sẽ được cải thiện khi các nhà mạng chuyển băng thông sang các tuyến cáp trên đất liền, tuyến cáp mới.
Bình luận (0)