TP HCM đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ - công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế và là động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như cả nước.
Muốn thực hiện được những mục tiêu trên, nhất thiết phải tập trung đào tạo nguồn cán bộ và nâng cao chất lượng dịch vụ công.
Trẻ hóa cán bộ
Đào tạo nguồn cán bộ trẻ cần phải căn cứ vào yêu cầu xây dựng và phát triển TP HCM, tập trung các lĩnh vực: quản lý nhà nước về kinh tế, đô thị, thương mại quốc tế, hành chính, giáo dục, quản trị kinh doanh, khoa học công nghệ… Để giữ chân cán bộ trẻ, UBND TP HCM cần ban hành chính sách hỗ trợ thêm với những ai xung phong đi về phường, xã hay những khu vực kinh tế còn chậm tiến.
Đối với cán bộ nguồn, ngoài việc bảo đảm tốt nghiệp và có bằng cấp chính quy như mục tiêu đề ra thì vấn đề bố trí công việc sau đào tạo cũng không nên cứng nhắc, phải dám nghĩ dám làm. Cần mạnh dạn cho họ "bơi ra biển lớn", nếu thấy cần thiết phải "thả ra" ngoài làm việc vài năm để tích lũy kinh nghiệm chuyên môn rồi mới đưa trở lại bộ máy phục vụ nhà nước, khi đó hiệu quả sẽ tốt hơn, thì vẫn nên làm.
Song song đó, triển khai nhiều chính sách đãi ngộ, thu hút, giữ chân cán bộ trẻ có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm ở các vị trí công tác phù hợp. Tuyển chọn những cán bộ trẻ có trình độ cao từ các ngành, có đạo đức, phẩm chất tốt vào làm ở các cơ quan trong hệ thống chính trị, từ đó chọn lọc làm nguồn cán bộ kế cận cho thành phố.
Việc quy hoạch, đào tạo cán bộ sẽ tạo được sự hứng khởi cao hơn nếu bố trí người có đủ tài và đức, dù tuổi đời còn trẻ, vào những vị trí quan trọng. Những cán bộ do yêu cầu tuổi tác, trình độ hoặc điều kiện sức khỏe không cho phép thì rút về "hậu trường", để lớp trẻ có cơ hội thể hiện mình, thực hiện hoài bão và khát vọng.
Cán bộ Chi cục Thuế quận Phú Nhuận, TP HCM hướng dẫn thủ tục cho người dân. Ảnh: Hoàng Triều
Số hóa thủ tục hành chính
Dịch vụ công ở TP HCM những năm gần đây đã có những thay đổi rõ rệt theo hướng đơn giản hóa nhằm hỗ trợ tối đa doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, để TP HCM tiếp tục giữ được vai trò đầu tàu kinh tế, cần tập trung hơn nữa vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ công. Nhất là từ đại dịch Covid-19, yêu cầu chuyển đổi số trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Theo thống kê của Ban Đô thị HĐND TP HCM, tỉ lệ người dân và doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến tăng mạnh theo từng năm. Năm 2016 là 4%, năm 2017 là 32%, năm 2018 là 40%, năm 2019 là 56% và tăng lên đến 65% vào năm 2020.
Một số mô hình được đánh giá cao như: "Bình Thạnh trực tuyến", "Hóc Môn trực tuyến", "Bình Tân công dân số"… liên thông giải quyết thủ tục đất đai, triển khai dịch vụ công, trả hồ sơ đến tận các gia đình qua bưu điện…
Riêng năm 2021, do yêu cầu giãn cách xã hội và ảnh hưởng dịch Covid-19, tỉ lệ này lúc cao điểm là hơn 90%.
TP HCM triển khai gần 1.300 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4, tập trung vào các lĩnh vực lao động, kinh doanh và dịch vụ. Vì vậy, các thủ tục hành chính phải số hóa theo hướng đơn giản, tinh gọn nhưng vẫn bảo đảm đầy đủ để thực hiện trên môi trường mạng.
TP HCM cũng cần cải thiện chất lượng cung ứng các dịch vụ công thiết yếu khác thông qua việc khai thác triệt để hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin. Triển khai thực hiện mô hình một cửa liên thông, tiến tới mô hình một cửa liên thông hiện đại (một cửa liên thông điện tử).
Trong đó, chú ý đơn giản hóa thao tác sử dụng, cầu thị tiếp thu và cập nhật cho phù hợp với thực tế. Vấn đề bảo mật thông tin của cá nhân, doanh nghiệp phải được coi trọng, không để tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng".
Bên cạnh đó, cần phải ưu tiên tập trung cao điểm phát triển chính quyền số, kinh tế số; thực hiện chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực: y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính - ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng, đào tạo nhân lực; tận dụng thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, đặc biệt là những người trực tiếp giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp.
Trong đó, lấy người dân, doanh nghiệp và tổ chức là trung tâm để hoàn thiện các dịch vụ hành chính công theo hướng công khai, minh bạch, hiệu quả và tiện lợi.
Lấy tiêu chí sự hài lòng của người dân làm thước đo để các cơ quan hành chính hoàn thiện và cải thiện hoạt động.
Quy định trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết thủ tục hành chính và cung ứng dịch vụ hành chính công. Việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính chính là chìa khóa để chất lượng dịch vụ công ở mỗi cơ quan, đơn vị được sát sao, nhạy bén hơn.
Mời tham dự cuộc thi
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1. Các giải pháp nhằm duy trì, phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?
Tác phẩm tham dự cuộc thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn; chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng, 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.
Bình luận (0)