Hoạt động Công đoàn (CĐ) hiện nay diễn ra trong điều kiện nước ta đang trong giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Do vậy, công tác quy hoạch, bố trí và đào tạo cán bộ CĐ cần có những điều chỉnh phù hợp với điều kiện hoàn cảnh mới.
Theo tôi, tùy đặc thù từng địa phương, Tổng LĐLĐ Việt Nam nên có chính sách linh hoạt trong bố trí cán bộ, nhất là đội ngũ chuyên trách. Đơn cử như LĐLĐ quận 1 hiện nay quản lý 1.800 CĐ cơ sở với 110.000 đoàn viên, một con số rất lớn nhưng chúng tôi chỉ có 10 cán bộ CĐ. Chính vì lực lượng quá mỏng nên chúng tôi gặp khó khăn trong việc vận động thành lập CĐ cơ sở mới cũng như tổ chức, điều hành phong trào, nhất là thu kinh phí, đoàn phí, giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể. Trường hợp không thể bố trí thêm cán bộ CĐ, nên cho phép các CĐ cấp trên cơ sở được sử dụng cộng tác viên để làm các công việc như thành lập CĐ cơ sở, quản lý tài chính CĐ…
Là người đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động (NLĐ) được pháp luật thừa nhận, để khẳng định chỗ đứng, cán bộ CĐ ngoài kiến thức, bản lĩnh còn phải có kỹ năng. Tình hình quan hệ lao động, nhất là trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài diễn biến khó lường; thực trạng nhà đầu tư làm ăn thua lỗ rồi bỏ trốn xảy ra ngày càng nhiều khiến quyền lợi NLĐ bị mất trắng. Từ đó đòi hỏi tổ chức CĐ phải xây dựng lực lượng cán bộ đủ mạnh thì mới có thể làm tốt vai trò đại diện. Theo tôi, trước hết cần đổi mới mạnh mẽ nội dung tập huấn, bồi dưỡng đối với cán bộ CĐ cơ sở tại doanh nghiệp. Ngoài thường xuyên cập nhật kiến thức cơ bản về pháp luật lao động, Luật CĐ, Luật BHXH, các cấp CĐ cần chú trọng rèn giũa một số kỹ năng hoạt động khác cho đội ngũ cán bộ CĐ như: kỹ năng tuyên truyền, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng NLĐ; kỹ năng vận động, thuyết phục; kỹ năng đối thoại và thương lượng tập thể. Việc đầu tư chiều sâu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ sẽ giúp đội ngũ cán bộ ở cơ sở tự tin hơn trong việc thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ.
Bình luận (0)