Thông tư 12/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6. Theo đó, người khuyết tật (NKT) nếu đáp ứng đủ điều kiện sức khỏe sẽ được đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái ô tô hạng B1 (ô tô chở người dưới 9 chỗ, xe tải dưới 3,5 tấn) với xe số tự động.
Đang chờ hướng dẫn
Đại diện Trung tâm Sát hạch và Đào tạo lái xe Trường Cao đẳng GTVT trung ương III cho biết đang thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT về việc đào tạo và cấp bằng lái ô tô cho NKT. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trường vẫn chưa biết quy định về phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị được thiết kế theo tiêu chuẩn nào để phù hợp với NKT nên đang chờ hướng dẫn từ Bộ GTVT.
Theo đại diện trường này, NKT không thể sử dụng xe sát hạch giống như người bình thường nên phải trang bị cho họ loại phương tiện riêng. Thêm vào đó, hệ thống nhà chờ, xe lăn, phòng y tế… cũng cần được chuẩn bị để phục vụ NKT khi cần thiết.
Trung tâm Sát hạch và Đào tạo lái xe Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải trung ương III
Ông Trần Ái Việt, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Thành Công, cho rằng quy định đào tạo và cấp bằng lái ô tô cho NKT theo thông tư của Bộ GTVT mang tính nhân văn rất cao nhưng tính đến thời điểm này, vẫn chưa có học viên nào đến đăng ký. Hơn nữa, trung tâm cũng đang chờ hướng dẫn từ Bộ GTVT về quy chuẩn đối với trang thiết bị, cơ sở vật chất…
Theo ghi nhận, hiện vẫn chưa có trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe nào chuẩn bị xong phương tiện, trang thiết bị để đào tạo và cấp bằng lái xe cho NKT do phải chờ hướng dẫn thi hành Thông tư 12/2017/TT-BGTVT.
"Nếu có hướng dẫn thi hành thì ít nhất cũng phải mất 1 tháng để chuẩn bị, điều này đồng nghĩa với việc phải mất ít nhất 4 tháng sau mới có học viên thuộc diện khuyết tật được cấp bằng" - đại diện một trung tâm sát hạch và đào tạo lái xe nói.
Nên thí điểm ở một số trung tâm
Ông Võ Trọng Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe Sở GTVT, băn khoăn theo Thông tư 12/2017/TT-BGTVT thì NKT được đào tạo và cấp bằng B1 nhưng thông tư lại không quy định cụ thể NKT như thế nào thì được đào tạo cấp bằng lái xe.
Về tiêu chuẩn sức khỏe, NKT học, lấy bằng lái xe hạng B1 số tự động cũng phải tuân thủ Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BGTVT-BYT. Theo đó, những người bị cụt hoặc mất chức năng một bàn chân, một bàn tay, chân hoặc tay còn nhưng không toàn vẹn không được phép học và cấp bằng lái xe. Hơn nữa, tính đến thời điểm này, chưa có cơ sở nào trên địa bàn TP chuẩn bị xong cho việc tiếp nhận, đào tạo NKT đến học lái ô tô.
"Tuy nhiên, nếu NKT đáp ứng được quy định của Thông tư 24/2015/TTLT-BGTVT-BYT thì các cơ sở vẫn áp dụng các thiết bị và phương tiện sát hạch cho người bình thường" - ông Nhân nhấn mạnh.
Trong khi đó, nhiều trung tâm đào tạo cho rằng để đào tạo NKT, các trung tâm phải mua loại xe riêng hoặc hoán cải một số chức năng, bộ phận kỹ thuật của xe và phải qua đăng kiểm kỹ thuật thì mới được đưa ra đào tạo. Ngoài ra, các trung tâm cũng phải chuẩn bị đội ngũ giáo viên phù hợp để dạy NKT... Thế nhưng, số NKT thuộc diện được đào tạo và cấp bằng lái xe B1 rất ít. Vì vậy, nhiều trung tâm chưa mấy mặn mà.
Một số trường đào tạo và sát hạch lái xe khác thì cho rằng không nên đầu tư đại trà, chỉ nên thí điểm tại một số trung tâm để tránh lãng phí về trang thiết bị, đội ngũ giáo viên. Ngoài ra, nên phối hợp với các trung tâm bảo trợ xã hội để hỗ trợ NKT, tránh việc phải đầu tư trang thiết bị y tế tại các trung tâm sát hạch. Đối với các phương tiện cho NKT, nên giảm các trang thiết bị và hạn chế tốc độ của xe để tránh những sự cố trên đường.
Điều kiện cấp giấy phép lái xe hạng B1 cho NKT
Khoản 2, điều 43 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định điều kiện để cấp giấy phép lái xe hạng B1 số tự động cho NKT: Người học phải có đủ điều kiện, hồ sơ theo quy định tại điều 7, điều 9 của thông tư này (công dân Việt Nam, người nước ngoài được phép cư trú hoặc đang làm việc, học tập tại Việt Nam; đủ tuổi, sức khỏe, trình độ văn hóa theo quy định…), phải đăng ký học tại cơ sở đào tạo được phép đào tạo, phải học đủ thời gian, nội dung chương trình đào tạo theo quy định, được tự học các môn lý thuyết nhưng phải được kiểm tra, cấp chứng chỉ đào tạo.
Đối với NKT không đủ điều kiện điều khiển xe tập lái hạng B1 số tự động, muốn đào tạo để cấp giấy phép lái xe hạng B1 số tự động, người học vẫn phải thỏa những điều kiện trên. Ngoài ra, cơ sở đào tạo có thể sử dụng ô tô của NKT để làm xe tập lái; ô tô của NKT phải có kết cấu phù hợp với việc điều khiển của NKT, bảo đảm các điều kiện theo quy định của Nghị định 65/2016/NĐ-CP.
Bình luận (0)