Cô gái thắc mắc thì được trả lời: “Chật quá, không còn chỗ”. Việc xảy ra vào ngày 8-2. Đúng một tháng sau, ngày 8-3, HTX Vận tải thủy bộ - du lịch Hội An (tỉnh Quảng Nam) - chủ quản xe buýt nêu trên, mới cho biết đã đình chỉ công tác 1 tháng đối với tài xế Phan Nguyễn Duy Lâm, phụ xe Lê Xuân Tường bị đình chỉ công tác không lương 3 tháng. Hành động của tài xế Lâm và phụ xe Tường được đánh giá “làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh xe buýt”.
Không chỉ là câu chuyện về cách ứng xử xấu xí kia của 2 người trong ngành xe buýt với NKT mà trong đời sống thường ngày, nhiều người cũng tỏ ra vô tâm, thậm chí bỏ quên NKT. Tại TP HCM, ngoài vỉa hè của một số tuyến đường ở trung tâm có lối đi dành cho người khiếm thị, còn lại đều không có. Mới đây, khi thí điểm lắp đặt barie trên vỉa hè một số tuyến đường để ngăn xe máy chạy lên, người ta không nghĩ tới sự đi lại của NKT khi phải vất vả với cây gậy dò đường hay chiếc xe lăn mà sức vóc yếu đuối rất khó xoay trở trong sự chật hẹp và nhiều chướng ngại. Đến khi dư luận lên tiếng, cơ quan thực hiện mới có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Ngay từ năm 2002, Bộ Xây dựng đã có văn bản quy định các thiết kế xây dựng trường học, trụ sở làm việc, nhà văn hóa, bệnh viện, chung cư... phải bảo đảm cho NKT có thể tiếp cận nhưng nhiều nơi không thực hiện. Dù TP HCM luôn ưu tiên và miễn phí vé xe buýt cho NKT nhưng nhiều NKT cho biết họ vẫn bị phân biệt đối xử, cảm thấy bị xúc phạm, tổn thương...
Nhưng cũng có những hình ảnh khác, những ứng xử tốt đẹp khác với NKT. Tháng 6-2016, tại TP Đà Nẵng, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và một số doanh nghiệp, khách sạn đưa vào sử dụng hai lối ra biển cho NKT ở công viên Biển Đông và bãi tắm Mỹ An. Trên lối đi kết nối từ các tấm composite dài 40 m, NKT dễ dàng đưa xe lăn xuống sát mé biển, tận hưởng nắng gió, không khí trong lành. Đáng ghi nhận nhất là các sân bay luôn dành sự quan tâm đặc biệt trong việc hỗ trợ NKT làm thủ tục và đưa đón ra máy bay, ưu tiên đường đi lại, nhà vệ sinh, góp phần cho nhiều người khác hiểu thêm để hành xử tiến bộ, văn minh với NKT.
Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tiếp nhận, tạo điều kiện cho nhiều NKT làm việc. Có thu nhập, có niềm vui sống, họ hòa nhập tốt, tìm bạn đời, xây dựng cuộc sống tươi đẹp. Nước ta cũng có nhiều VĐV khuyết tật giành huy chương tại các giải đấu quốc tế, đem lại niềm tự hào và trân trọng nỗ lực phi thường, đóng góp lớn lao của họ cho thể thao nước nhà.
Hãy cùng nhau tạo thành mỹ cảm xã hội, ứng xử văn minh với NKT. NKT cần được tôn trọng, đối xử công bằng, không chấp nhận sự thương hại. Thực tế cho thấy dù thể chất có khiếm khuyết nhưng rất nhiều NKT có tâm hồn sáng trong, tốt đẹp còn bao người lành lặn thể xác mà tâm hồn khiếm khuyết, đạo đức sứt mẻ, tâm địa xấu xa.
Bình luận (0)