Sáng 3-8, UBND huyện Củ Chi (TP HCM) tổ chức sơ kết, tọa đàm công tác cung cấp nước, tiếp cận và sử dụng nước sạch 6 tháng đầu năm 2017.
Ông Trương Khắc Hoành, Tổng Giám đốc Công ty CP Hạ tầng nước Sài Gòn (Saigon Water) thống kê sau hơn 2 năm đầu tư các giải pháp cấp nước như lắp đặt đồng hồ cá nhân, đồng hồ tổng, bồn nước tập trung và trạm cấp nước, tổng số vốn bỏ ra đã hơn 2.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, người sử dụng nước còn hạn chế nên hiệu quả chưa cao. Điều đáng nói là trong số hơn 70.000 đồng hồ nước lắp đặt đến tận nhà dân thì có đến 36.000 đồng hồ không sử dụng nước liên tục trong 6 tháng, chiếm tỉ lệ 51%.
Nhiều hộ dân ở huyện Củ Chi được gắn đồng hồ nước nhưng không sử dụng
Trong đó, rất nhiều cơ quan nhà nước cũng không sử dụng nước hoặc sử dụng với số lượng chỉ vài khối nước mỗi tháng. Dù công ty có chính sách miễn phí 5 khối nước đầu tiên nhưng nhiều hộ chỉ dùng hết số lượng này rồi không sử dụng nữa.
Ông Hoành cho biết số lượng nước sạch mà người dân huyện Củ Chi sử dụng khoảng 10.000 m3/ngày, tương đương với 53 triệu đồng. Số tiền trên không đủ trả công cho nhân viên ghi chỉ số nước và thu tiền hàng tháng chứ không nói đến lợi nhuận. Trong 6 tháng đầu năm, Saigon Water lỗ sau thuế hơn 91 tỉ đồng. Nhìn vào kết quả kinh doanh này, các ngân hàng thương mại đều quay lưng lại với doanh nghiệp và không muốn cho vay.
Do vậy đơn vị này đã đề nghị UBND TP tạm dừng đầu tư giai đoạn 2 nhưng không được chấp thuận. Ông Hoành thông tin trong năm 2017 sẽ đầu tư mạng lưới cấp nước ở 3 xã nhưng không đầu tư dàn trải mà chỉ tập trung ở những trục trung tâm, khu đông dân cư.
Bà Trần Mỹ Anh nói còn tình trạng đồng hồ nước nằm xa nhà dân
Bà Trần Mỹ Anh (ngụ ấp Bến Cỏ, xã Phú Hòa Đông) nhận định nhiều nơi ở ấp có mạng lưới đi qua nhưng chưa được gắn đồng hồ nước. Bên cạnh đó, đơn vị cấp nước cũng để đồng hồ ở xa nhà dân nên nhiều người chưa mặn mà. Bà Anh cũng thắc mắc về việc tại sao cùng một tuyến hẻm mà chỉ gắn đồng hồ một bên dẫn đến bên còn lại bức xúc. Ngoài ra, khóa van đồng hồ có dấu hiệu kém chất lượng, dễ gãy, khi người dân báo hư hỏng thì lâu được sửa chữa. Một điều đáng báo động là nhiều cơ sở, doanh nghiệp được gắn đồng hồ mà lại không sử dụng trong khi nhiều nhà không được gắn.
Trong khi đó, trưởng ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng nêu toàn ấp có 634 hộ dân nhưng mới chỉ có 509 hộ được dùng nước sạch, mặc dù là dùng qua bồn tập trung nhưng người dân vẫn đang rất mong mỏi. Người dân cũng đề nghị đơn vị cấp nước khi chuyển nước vào bồn thì thông báo để người dân đến lấy cho tiện lợi hơn, đỡ mất công chờ đợi, đi ra bồn mà không có nước.
Người dân xã Phú Mỹ Hưng đề nghị thông báo thời gian xe bồn tới để người dân đến lấy nước
Ông Lê Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết huyện ủy và UBND đã có chỉ đạo cán bộ, đảng viên và các đơn vị trực thuộc phải sử dụng nước sạch và coi đó là một tiêu chí để xét thi đua cuối năm. Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, UBND huyện đã giao phòng kinh tế thống kê danh sách đưa cho Saigon Water khảo sát lại. Huyện cũng đã đưa ra yêu cầu phải sử dụng nước sạch mới được cấp giấy phép kinh doanh.
Đối với những cơ sở, doanh nghiệp đã được Sở Tài nguyên và Môi trường TP cấp phép, phải chờ đến khi giấy phép hết hạn mới có thể yêu cầu họ sử dụng nước sạch. Trong năm 2017, huyện Củ Chi đặt mục tiêu 98,5% hộ dân được cung cấp, tiếp cận và sử dụng nước sạch, trong đó số hộ dân đã được gắn đồng hồ sử dụng nước sạch là 80%.
Bình luận (0)