Thời gian gần đây, rất nhiều người lo ngại về đạo đức của học sinh hiện nay. Một số cá nhân còn cho rằng nhà trường chỉ nặng dạy kiến thức, "xem nhẹ việc giáo dục đạo đức cho học sinh". Điều này hết sức "oan ức" cho ngành giáo dục, nhà trường và các thầy cô giáo.
"Tiên học lễ, hậu học văn". Đối với ngành giáo dục, đó là tiêu chí hàng đầu. Ngôi trường nào, thầy cô nào cũng luôn dạy các em điều hay, lẽ phải; giáo dục các em thành con ngoan, trò giỏi, công dân gương mẫu. Thế nhưng, nhà trường và giáo viên đang vấp phải việc "Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" trong giáo dục đạo đức cho học sinh. Bởi lẽ, nhiều phụ huynh hiện nay chỉ chăm cho con ăn ngon, mặc đẹp mà thiếu sự gần gũi, quan tâm giáo dục con từ những việc nhỏ. Một số phụ huynh còn là "tấm gương xấu" mà con nhìn thấy mỗi ngày. Những hành động, cử chỉ, lời nói của không ít các bậc cha mẹ trái ngược với những điều thầy cô dạy bảo.
Nhan nhản trên đường phố, hình ảnh phụ huynh chở con em sau lưng không đội nón bảo hiểm, "vô tư" xả rác, "vô tư" vượt đèn đỏ, "vô tư" hút thuốc nơi công cộng… Mặc dù từ trường mẫu giáo đến trường trung học đều dạy các em văn minh đô thị, giữ gìn môi trường, an toàn giao thông, tác hại của thuốc lá. Thầy cô dạy học sinh thuốc lá, bia rượu là chất độc hại nhưng ở nhà thì ông, cha, chú sử dụng hàng ngày. Nhà trường khuyên các em không nên chăm chú vào game, facebook, mạng xã hội thì cha mẹ lại say sưa "lướt" điện thoại, chẳng thèm chuyện trò, vui chơi cùng con.
Nhiều chuyện là đề tài để các thầy cô giáo kể lại nhau nghe mà không biết nên cười hay… mếu. Giáo viên luôn dạy các em phải yêu thương, đoàn kết, hòa nhã với bạn bè. Thế nhưng, có lần tôi chứng kiến, một bà mẹ đến đón con tan trường, em học sinh chạy đến kể lể gì đó, bà mẹ quát lớn làm mọi người phải giật mình: "Đồ ngu! Sao mày không đập vào mặt nó…?". Một cô giáo mời phụ huynh lên để trao đổi về việc em hay gây gổ, đánh bạn, chửi thề, nói tục. Cô vừa dứt lời, ông bố quay sang con mình: " ĐM, về nhà mày biết tao!"…
Gia đình là tế bào của xã hội, cha mẹ là người gần gũi nhất để dạy dỗ, hình thành nhân cách cho con. Cả 3 môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội phải đồng tâm hiệp lực mới có thể giáo dục đạo đức cho học sinh một cách toàn vẹn nhất. Vì vậy, giáo dục, dạy dỗ đạo đức, nhân cách cho học sinh để các em thành những công dân có tài, có đức thì không thể chỉ trông chờ vào nhà trường, thầy cô giáo.
Bình luận (0)