Thí sinh xoay lưng lại bàn sau để nhìn bài bạn tại
Dư luận đòi hỏi bằng mọi giá phải ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực trong thi cử và cả ở ngành giáo dục nhưng đâu là giải pháp hữu hiệu? Bộ GD-ĐT đã từng nêu khẩu hiệu “Nói không với tiêu cực trong thi cử” và “Nói không với bệnh thành tích trong giáo dục” nhưng chỉ được thực hiện ở mùa thi năm 2007. Bộ tổ chức thi theo cụm, chấm chéo giữa các cụm rồi quay lại tổ chức thi và chấm chéo tại địa phương nhưng tiêu cực vẫn tồn tại. Các nhà chuyên môn lại đề xuất và tranh luận việc bỏ hay giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc biến kỳ thi quốc gia thành kỳ thi gọn nhẹ ở địa phương hay các trường. Đó chỉ là những giải pháp tình thế, chưa thể chạm đến căn nguyên thực sự của vấn nạn tiêu cực trong giáo dục.
Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tiêu cực trong thi cử. Thứ nhất, chương trình học quá tải, vượt khả năng nhận thức của đa số học sinh ở hầu hết các môn học, khiến việc dạy - học rất khó đạt hiệu quả nên đã biến thành đọc - chép để học thuộc lòng. Khi ấy, kỳ thi không còn đánh giá được đầy đủ thành quả học tập của học sinh mà chỉ để kiểm tra sự “thuộc bài”. Ít ai có khả năng học thuộc hàng ngàn trang sách, dẫn đến việc gian lận thi cử dường như trở nên tất yếu của cả thầy và trò.
Thứ hai, việc quản lý, điều hành ngành giáo dục còn quan liêu, bao cấp. Mọi việc do cấp trên quyết định, chỉ đạo bằng biện pháp hành chính hay phong trào thi đua, cấp dưới phải tuyệt đối chấp hành, bất kể hoàn cảnh và điều kiện ở cơ sở thế nào. Chính áp lực từ các chỉ tiêu áp đặt đã dẫn tới bệnh thành tích. Khi không thể đạt các chỉ tiêu đó bằng con đường chính đáng, cả thầy và trò sẽ thông đồng với nhau lập những thành tích ảo bằng con đường gian lận.
Hai nguyên nhân nêu trên đã chỉ rõ hai giải pháp cơ bản để chống tiêu cực trong thi cử và của toàn ngành giáo dục. Trước hết là đổi mới căn bản, toàn diện chương trình giáo dục phổ thông để học sinh có quyền lựa chọn chương trình học thích hợp. Trong chương trình mới, việc thi cử cũng đổi mới bằng những công cụ đánh giá, loại bỏ việc học thuộc lòng mà đo lường được thành quả học tập của học sinh một cách nhẹ nhàng, chính xác.
Song song đó, phải đổi mới cơ chế quản lý điều hành giáo dục. Cần giảm bớt những chỉ tiêu và quyết định từ cấp trên áp đặt cho cấp dưới, trao quyền tự chủ và tự quyết định cho những người trực tiếp thừa hành ở cơ sở. Trong đó, giáo viên có vai trò quan trọng nhất. Cần đặc biệt lưu ý đổi mới công tác thi đua. Khi phát động thi đua trong ngành giáo dục, Bác Hồ đặt tiêu chí “Thi đua dạy tốt-học tốt”. Thi đua dạy tốt thì phải bao gồm thi cử tốt, tức thi cử nghiêm túc, phản ánh đúng chất lượng đào tạo chứ không phải nhằm đạt thành tích ảo với tỉ lệ tốt nghiệp cao. Vì thế, xin đừng lấy tỉ lệ tốt nghiệp hay tỉ lệ học sinh khá, giỏi làm thước đo thành tích, năng lực các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
VỤ TIÊU CỰC THI CỬ TẠI BẮC GIANG Ngày 18-6 sẽ có kết luận thanh tra Liên quan đến vụ tiêu cực thi cử tại hội đồng thi Trường THPT Dân lập Đồi Ngô (huyện Lục Nam - Bắc Giang), ngày 12-6, Bộ GD-ĐT cho biết kết luận thanh tra về vụ tiêu cực thi cử này sẽ được công bố vào ngày 18-6 tới. Hiện tất cả các bài thi của học sinh trường THPT Dân lập Đồi Ngô vẫn được chấm bình thường, sau đó Sở GD-ĐT Bắc Giang sẽ tổ chức chấm thanh tra một lần nữa, nếu phát hiện có vi phạm sẽ xử lý nghiêm. Tất cả học sinh sẽ được đối xử bình đẳng như nhau. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, để tạo sự yên tâm cho thí sinh, sau khi có kết quả thanh tra mới tính tới việc xử lý. “Nếu đủ điểm đỗ tốt nghiệp, thí sinh mang thiết bị ghi hình có thể dự thi đại học bình thường” - ông Hiển khẳng định.
Y.Anh |
Bình luận (0)