Các biện pháp được phát động rầm rộ từ phong trào “hai không” đến “bốn không” nhằm chống cái gọi là “bệnh thành tích” thực chất chỉ để chống hành động quay cóp của học sinh là chủ yếu. Thực tế cho thấy hiệu quả của phong trào đó giảm nhanh chỉ sau vài năm và đến nay thì xã hội nhận được các con số đẹp kể trên, trong khi nạn quay cóp trong học sinh vẫn còn, chẳng những trong các kỳ thi mà cả trong các đợt kiểm tra thường kỳ!
Có một câu hỏi rất cốt lõi nhưng không hiểu vì lý do gì mà cho đến nay người ta vẫn né tránh đặt ra: Tại sao tệ nạn quay cóp vẫn tồn tại? Điều hiển nhiên là học sinh chỉ quay cóp khi không đủ kiến thức để làm bài. Khi nhiều học sinh thường xuyên không đủ kiến thức làm bài thì đó là biểu hiện của sự yếu kém trong việc truyền đạt kiến thức và chất lượng giáo dục.
Người quay cóp có tội nhưng đồng thời cũng là nạn nhân đáng thương của sự yếu kém ấy. Xử lý hành vi quay cóp khi phát hiện được là cần thiết song dù có làm nghiêm đến đâu thì cội nguồn của vấn đề vẫn còn đó. Cách xử lý chỉ tập trung vào hành vi quay cóp, cố tình hay vô tình đều đánh lạc hướng dư luận xã hội.
Thế còn “bệnh thành tích” và những con số đẹp từ đâu ra và nó phục vụ ai? Chắc chắn không phải là từ bản thân học sinh hay phụ huynh của các em. Ai cũng có thể trả lời chính xác cho câu hỏi trên, trừ những người không muốn nhìn nhận sự thật. Cũng như trong bất kỳ cuộc đấu tranh nào, điều đầu tiên là cần xác định rõ 2 chủ thể: chống ai và ai chống. Cái sảy “bệnh thành tích” từ lâu trở thành cái ung nhọt - thói gian dối tập thể.
Nếu hố đen trong vũ trụ nuốt trọn mọi thiên thể gần nó, nuốt luôn cả ánh sáng thì hố đen trong xã hội nuốt chửng mọi đạo đức tốt đẹp của con người, kể cả lương tâm. Cái gốc của căn bệnh là đây nhưng người mắc bệnh không bao giờ dám thừa nhận. Cái gọi là “bệnh thành tích” thực chất là sự gian dối, thiếu trung thực.
Ngày nay, nếu muốn, con người luôn có thể bổ khuyết những kiến thức còn thiếu nhưng lỗ hổng thiếu trung thực nói trên phải chữa trị bằng cách nào đây? Thế nên, những con số tỉ lệ tốt nghiệp cao chót vót ấy càng đẹp bao nhiêu thì càng gây đau đớn bấy nhiêu!
Bình luận (0)