xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đẩy lùi trầm cảm ở tuổi học đường

Ý Linh

Cha mẹ cần tôn trọng sự riêng tư của con khi trẻ chưa sẵn sàng nói, không dò hỏi, không phán xét... Thế giới của con sẽ mở ra khi cha mẹ quan tâm đúng cách, yêu thương và tôn trọng

Sáng 21-4, Báo Người Lao Động đã tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến "Nhận diện và giúp trẻ vượt qua trầm cảm", với sự tham gia của những nhà quản lý về công tác trẻ em cấp trung ương, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM và đội ngũ chuyên gia tâm lý giàu kinh nghiệm. Ngân hàng Thương mại CP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh TP HCM tài trợ thực hiện chương trình này.

Cần phát hiện sớm

Theo các chuyên gia, liên tiếp những vụ việc trẻ tự tử gần đây - mà nguyên nhân được cho là do trầm cảm - là tiếng chuông cảnh báo về việc chúng ta cần quan tâm hơn đến cảm xúc, suy nghĩ của con trẻ. Tổng hợp hàng loạt câu hỏi gửi về chương trình cho thấy có không ít trường hợp trẻ từ 7-16 tuổi gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trong khi đó, nhiều phụ huynh, người thân của trẻ vẫn còn nhiều băn khoăn, lúng túng khi đối diện.

Bác sĩ CK2 Lâm Hiếu Minh, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM, cho biết trầm cảm là cảm xúc buồn, chán nản, cảm giác mệt mỏi, không có năng lượng; chán ăn hoặc ăn nhiều vô độ; mất ngủ hoặc ngủ triền miên; sa sút trong học tập, rối loạn về tập trung chú ý và trí nhớ; những vấn đề kích thích về tâm thần vận động hoặc bạo lực; suy nghĩ tiêu cực về bản thân và thế giới xung quanh; có ý tưởng tự sát hoặc tự hủy hoại bản thân. Nghiêm trọng hơn, người mắc chứng này nhiều khi có biểu hiện loạn thần, ảo giác, hoang tưởng.

BS CK2 Lâm Hiếu Minh lưu ý trầm cảm khác với tự kỷ. Trẻ tự kỷ liên quan đến phát triển trước 3 tuổi, thể hiện triệu chứng từ 3 - 5 tuổi gồm: chậm nói, chậm phát triển ngôn ngữ. Triệu chứng này xuất hiện từ nhỏ, gây ức chế phát triển. Trong khi đó, biểu hiện đặc trưng của trầm cảm là đột nhiên buồn rầu, chán nản, có suy nghĩ tiêu cực về bản thân và kéo dài trên 2 tuần.

Về nguyên nhân trầm cảm tuổi học đường, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - phân tích ở 3 mối quan hệ ảnh hưởng lớn nhất đến sức khỏe tinh thần học sinh là gia đình, nhà trường và xã hội.

Theo bà Mai Hoa, trong các mối quan hệ này đều có một điểm chung là đang tạo ra những áp lực lớn đối với trẻ. Áp lực bởi những kỳ vọng quá lớn của cha mẹ, áp lực từ bệnh thành tích trong nhà trường... Trong khi đó, vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh chưa được quan tâm đúng mức ở gia đình lẫn các cơ sở giáo dục công lập. Trẻ hiện nay được bao bọc quá nhiều nên thiếu kỹ năng ứng phó với áp lực cuộc sống, dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, rối loạn tâm lý. Do vậy, việc nhận biết, phát hiện biểu hiện rối loạn tâm lý của trẻ thường quá muộn.

Theo thạc sĩ tâm lý Mai Thị Nguyệt, Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu, Bệnh viện Nhi Đồng 2, điều trị cho trẻ trầm cảm nếu ở mức độ nhẹ thì chỉ cần dùng các liệu pháp tâm lý trị liệu, không cần dùng thuốc. Nhưng nếu tình trạng nặng, cần can thiệp bởi các bác sĩ chuyên khoa về tâm thần để ngăn cản những hậu quả đáng tiếc.

Đẩy lùi trầm cảm ở tuổi học đường - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyếnẢnh: Quốc Thắng

Trở thành bạn của con

Trước những băn khoăn khi con ở tuổi dậy thì có biểu hiện khép kín, ít kết nối với cha mẹ, tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy cho rằng khi dậy thì, trẻ có sự biến đổi về nội tiết tố, sự phát triển nhanh của cơ thể, sự thay đổi trong cảm xúc. Cùng với nhiều nhu cầu mới khiến trẻ lúng túng, hoài nghi về bản thân, giữ khoảng cách với cha mẹ... Lúc này, cha mẹ cần quan tâm hỏi về những băn khoăn, lo lắng của con để giải đáp; mua vài cuốn sách tâm lý tuổi dậy thì tặng con đọc, tâm sự với con về kỷ niệm thời dậy thì của chính mình... Cha mẹ cần tôn trọng sự riêng tư của con khi trẻ chưa sẵn sàng nói, không dò hỏi, không phán xét... Thế giới của con sẽ mở ra khi cha mẹ quan tâm đúng cách, yêu thương và tôn trọng.

Thạc sĩ Mai Thị Nguyệt phân tích thêm: Cha mẹ nên nhìn lại mình để đánh giá xem có tiếng nói chung với con chưa; đồng thời tìm hiểu nhu cầu, quan điểm của lứa tuổi con để có thể hiểu và thông cảm. Khi giao tiếp với con, thay vì cha mẹ nói nhiều thì nên học cách lắng nghe tích cực. Khi đó, trẻ sẽ cảm thấy được tôn trọng, những câu chuyện của con có giá trị với cha mẹ. Đó là động lực giúp trẻ dễ dàng nói ra quan điểm cá nhân trước mặt cha mẹ.

Với góc độ quản lý nhà nước về công tác trẻ em, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết thời gian tới, cục sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc truyền thông, giáo dục các kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ, đặc biệt là chăm sóc, bảo vệ con về mặt tâm lý, tình cảm. Qua đó, giúp cha mẹ nắm bắt tâm lý, tình cảm, nhu cầu của con một cách tích cực hơn, sớm hơn để giảm thiểu những vụ việc tự sát, tai nạn thương tích của trẻ. 

Hiện nay, có nhiều đơn vị hỗ trợ tâm lý như: Trung tâm Tham vấn tâm lý - Nhà Văn hóa Phụ nữ TP HCM; Phòng khám Tâm lý tại các bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), Bạch Mai (Hà Nội); phòng tham vấn tâm lý học đường…

Bảo vệ trẻ trên mạng xã hội

Theo tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Hữu Long, Phó Giám đốc Phân viện Miền Nam - Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, cách thức để giúp con sử dụng mạng xã hội (MXH) hiệu quả là cung cấp thông tin về các trang MXH phổ biến hiện nay; giới thiệu những MXH phù hợp với độ tuổi, nhu cầu của trẻ; thường xuyên trò chuyện với con về các vấn đề liên quan MXH; hướng dẫn con cách thức bảo mật thông tin cá nhân, giới hạn thời gian sử dụng MXH, dạy con cách ứng xử văn minh trên mạng...

Phụ huynh cũng nên dùng MXH cùng con, có thể kết bạn hoặc "bí mật" theo dõi; thường xuyên tương tác với con, vào trang của thành viên là bạn con để gián tiếp tìm hiểu.

Thay vì ngăn cấm, cha mẹ nên cởi mở khi con dùng MXH, để con thấy cha mẹ cũng có thể là người bạn của mình. Cần lưu ý khi đã đặt nguyên tắc cho con thì cha mẹ cũng phải thực hiện nguyên tắc đó (công khai trang MXH của cha mẹ cho con; tiết chế đăng tải những thông tin không tích cực...).

Quan tâm nạn bắt nạt ở học đường

Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy lưu ý cha mẹ, thầy cô cần quan tâm đến nạn bắt nạt ở học đường để giúp trẻ hóa giải mâu thuẫn xung đột sớm, chia sẻ những cảm xúc tiêu cực. Khi có người giúp đỡ, đồng hành, những ảnh hưởng xấu này sẽ giảm đi. Đặc biệt, nên dạy trẻ các kỹ năng ứng xử, giải quyết mâu thuẫn xung đột, chuyển hóa cảm xúc tiêu cực... Ngoài ra, cần rèn cho trẻ nội lực vững vàng, đó là thể lực tốt, trí lực tốt, tâm lực tốt, thì trẻ có thể vượt qua mọi trở ngại trong cuộc sống.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo