Không thể phủ nhận trong xã hội hiện nay vẫn tồn tại kiểu người vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, sống thiếu trách nhiệm với cộng đồng, chỉ quan tâm đến những cảm giác và cảm xúc của cá nhân… Tuy nhiên, những điều chưa tốt đó đã bị khai thác quá nhiều, khoét quá sâu nên nhiều người dễ nghĩ đó là sự phổ quát. Hơn nữa, người ta thường có xu hướng nhìn thấy những cái xấu nhiều hơn cái tốt, vì thế mọi sự liên quan đến hành vi xấu dễ bị đánh giá chủ quan.
Trong khi đó, những điều giản đơn như gặp người lớn phải chào thưa, gặp người thân lễ phép, gặp người ơn phải trân quý, kính trọng… được cụ thể hóa thành những điều bình dị rất đời thường, ngay trong chính mỗi gia đình. Lớn lên trong lời ru của mẹ, trưởng thành từ chiếc nôi gia đình với những câu ca dao, tục ngữ; những bài học làm người khó quên… Tất cả là hành lang quan trọng để người ta làm người tử tế.
Cha mẹ nào cũng muốn con mình nên người. Nên người không phải thuật ngữ giáo điều hay nói cho vui mà là chuẩn mực trong cuộc sống. Đó chính là kiểu sống có trước, có sau; ứng xử thấu tình đạt lý; tương tác và giao tiếp lịch sự; biết kiểm soát chính mình; biết sống có ích cho mình và cộng đồng; biết thực hiện và tuân thủ những giá trị chuẩn mực... Những điều này thể hiện hằng ngày, hằng giờ thậm chí hằng phút, hằng giây qua hành vi, cử chỉ, thái độ, cách nói năng đúng mực…
Dạy trẻ biết ơn, lễ phép với thầy cô giáo cũng là một trong những hành trang để làm người tử tế Ảnh: Hoàng Triều
Tuy nhiên, sự tử tế không phải là tài sản quý theo kiểu của để dành cũng không phải là món quà tự nhiên được ban tặng mà đó là hành trình làm người, hoàn thiện bản thân. Sự tử tế có được nhờ nguyên tắc của việc làm theo cái đúng dẫu là bắt chước; dựa trên quá trình rèn giũa, điều chỉnh và hoàn thiện để có những suy nghĩ, bày tỏ cảm xúc và hành vi tốt - ngay cả với nút like hay những dòng bình luận trên mạng xã hội.
Dĩ nhiên, sự tử tế cũng có thể bị chi phối rất lớn từ tiền tài, vật chất. Khi người ta sống vị kỷ, nghĩ đến lợi ích cá nhân nhiều hơn lợi ích cộng đồng, bàng quan thì cũng là lúc họ mất dần niềm tin về cái thiện, điều tốt, đẩy sự tử tế ra xa.
Vì vậy, để hình thành sự tử tế cần phải có những tác động từ gia đình, thầy cô, những bài học trong cuộc sống xã hội.
Trước hết, gia đình cần quan tâm giáo dục con trẻ từ thơ ấu thông qua việc giữ nếp nhà bằng cách đối xử đúng mực với cha mẹ, ông bà; gật đầu chào thầy cô, bác bảo vệ của trường để con cái noi theo; biết kiểm soát hành vi để mình trở nên nghiêm túc và tinh tế khi ứng xử với con cái... Việc làm gương, định hướng và điều chỉnh hành vi cho con rất quan trọng. Đó chính là cơ sở để trẻ vững tin vào những chuẩn mực của sự tử tế dù có những tác động trái chiều.
Dạy làm người tử tế cũng chính là mục tiêu và phương thức của nhà trường. Từng tác động, từng bài giảng, từng sẻ chia, hãy hướng học sinh vào sự tử tế. Ngoài ra, môi trường xung quanh và xã hội cũng cần lên án mạnh mẽ cái xấu, sự vô cảm, thờ ơ; nhân rộng những hành vi tử tế, những hoạt động vì cộng đồng… Dạy sự tử tế không bao giờ là trễ.
Bình luận (0)