Ở TP HCM ai cũng biết sân bay Tân Sơn Nhất hiện chỉ có một lối đi để ra vào là đường Trường Sơn (quận Tân Bình), đáng chú ý, phần lớn các phương tiện đi qua chứ không có nhu cầu vào sân bay. Thống kê của Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho thấy trung bình mỗi ngày có hơn 30.000 lượt xe ra vào sân bay thông qua đường Trường Sơn, trong đó những ngày lễ, Tết lượng phương tiện tăng gấp 2-3 lần nên ùn tắc cứ thế diễn ra.
Nhất thiết phải làm đường trên cao
Trong 5 năm gần đây, để giải quyết bài toán ùn tắc trên, TP HCM đã tiến hành thực hiện hàng loạt dự án. Nào là mở rộng đường hiện hữu cùng với làm hàng loạt cầu vượt tại những vị trí thường xảy ra kẹt xe như nút giao Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn, Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ, Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám, Trường Sơn - Hồng Hà - Bạch Đằng… Kết quả không như mong đợi. Thực tế cho thấy tại nút giao Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ, Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám kể từ khi có cầu vượt thép đã giúp giảm ùn tắc cục bộ nhưng lại khiến áp lực giao thông đổ dồn về các đường lân cận, phát sinh điểm kẹt xe mới. Hai cầu vượt nút giao Trường Sơn - Hồng Hà - Bạch Đằng, Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn cũng được đưa vào sử dụng vẫn không thể "cứu vãn" kẹt xe trong khu vực sân bay.
Mới đây, cơ quan chức năng lại tiếp tục triển khai dự án có quy mô lớn hơn, làm đường nối đường Trần Quốc Hoàn với Cộng Hòa có tổng mức đầu tư gần 4.850 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ nay đến năm 2024, với hy vọng giải vấn đề ùn tắc cho sân bay. Thế nhưng, dự án này nếu đưa vào sử dụng cũng khó giải quyết được căn cơ vấn đề ùn tắc, bởi như đã nói ở trên, phần lớn các phương tiện đi qua chứ không có nhu cầu vào sân bay. Điển hình, tại nút giao Trường Sơn - Hồng Hà - Bạch Đằng rất nhiều phương tiện không có nhu cầu vào sân bay nhưng hằng ngày vẫn phải lưu thông qua lại, nhất là trong giờ cao điểm hướng từ cửa ngõ Tây Bắc vào trung tâm TP và hướng ngược lại nên kẹt xe vẫn cứ thế diễn ra.
Vì vậy, bên cạnh việc xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, TP nhất thiết phải xem xét đầu tư đồng bộ hoàn chỉnh tuyến đường trên cao để kết nối giao thông thuận lợi và tránh xung đột, các phương tiện lưu thông vào đường trên cao để đến sân bay.
Đó là tuyến trên cao số 1 theo quy hoạch từ Cộng Hòa - Lăng Cha Cả - Điện Biên Phủ - cầu Thủ Thiêm 1 dài khoảng 9,5 km. Đặc biệt, nghiên cứu thực hiện tuyến đường trên cao nối Nam Sài Gòn với khu vực sân bay TSN do Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) lên ý tưởng và đề xuất có chiều dài 14,1 km, 4 làn xe, điểm đầu tại nút giao Cộng Hòa - Trường Chinh (quận Tân Bình) và kết thúc ở đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh). Lộ trình này chạy dọc các đường Cộng Hòa - Bùi Thị Xuân - hẻm 656 (đường Cách Mạng Tháng Tám) - Bắc Hải - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - dọc kênh Ông Lớn.
Khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) thường xuyên xảy ra ùn tắc trong giờ cao điểm và lễ, Tết.Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tuân thủ nghiêm ngặt quy hoạch
Theo thống kê, TP HCM mỗi năm bình quân tăng thêm 200.000 người, hiện có khoảng 9 triệu phương tiện cá nhân (tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2018). Trong đó có hơn 825.000 ôtô (tăng gần 16%) và 8,12 triệu xe máy (tăng hơn 6%). Chỉ trong 10 năm (từ năm 2010 đến 2020) đã tăng thêm hơn 4 triệu phương tiện giao thông. Theo thống kê, bình quân mỗi tháng có 30.000 phương tiện giao thông đăng ký mới, tức là mỗi ngày có 1.000 phương tiện đăng ký mới. Vì vậy, nhiều tuyến đường sau khi được mở rộng và xây mới đưa vào sử dụng chưa bao lâu cũng đã ùn tắc giao thông, kẹt xe. Như đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) có tới 10 làn xe hay đường Mai Chí Thọ, xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức) được mở rộng lên cả chục làn xe nhưng vào giờ cao điểm lại tràn ngập phương tiện nhích từng chút.
Phát triển hạ tầng giao thông, mở rộng và nâng cấp cầu, đường theo quy hoạch là việc trước sau gì cũng phải làm để chỉnh trang độ thị, hướng đến TP thông minh. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một cách khách quan là khó có hệ thống cầu, đường nào chịu nổi tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân nhanh chóng tại đô thị lớn như TP HCM như đã thống kê ở trên.
Trở lại câu chuyện ùn tắc quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, ngoài các giải pháp cầu đường thì để giải quyết căn cơ nhất chính là vấn đề mật độ xây dựng. Thực trạng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất bị bủa vây nhà cao tầng, khu dân cư trên đường Trường Sơn, Hồng Hà, Bạch Đằng, Hậu Giang, Thăng Long, Phan Thúc Duyện… Từ đó, làm tăng đột biến dân số, lượng xe trong khu vực sân bay, kết nối giao thông ra vào cho các công trình dân sinh dẫn đến xung đột trực tiếp giữa các phương tiện giao thông.
Nên cương quyết với tình trạng quy định đã có nhưng vẫn mọc lên nhà cao tầng, chung cư, khu dân cư mới. Cấp thẩm quyền rà soát quy hoạch xây dựng để hạn chế mật độ xây dựng tập trung đông dân cư ở khu vực sân bay vốn đã ùn tắc giao thông, kẹt xe. Làm được việc này, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa ngành quy hoạch, giao thông, xây dựng trong việc cấp phép các công trình lớn tại khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất sao cho bảo đảm nhu cầu giao thông, có thể phân kỳ đầu tư phù hợp. Ví dụ chỉ cấp phép cho những công trình đủ điều kiện có bãi giữ xe và đường kết nối giao thông đã được mở rộng, không gây kẹt xe.
Xem xét ưu tiên cho xe vào sân bay
Cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất trong thời gian chờ đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng giao thông cũng khá lâu, cần lắm giải pháp giảm kẹt xe trước mắt, đó là ưu tiên cho phương tiện giao thông ra vào sân bay.
Theo đó, có thể tổ chức giao thông phù hợp, phân luồng hạn chế phương tiện không có nhu cầu nhưng lại đi qua sân bay trong khung giờ cao điểm, dành làn đường cho xe ra vào sân bay, xe buýt và phương tiện công cộng.
Bình luận (0)