Dịch Covid-19 vừa qua đã tác động sâu rộng và mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, đặc biệt TP HCM bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Để nhanh chóng phục hồi, kịp thời thích ứng phát triển trong bối cảnh đầy biến động của thế giới, TP HCM buộc phải thực hiện tốt những chương trình đột phá, trọng điểm đã đề ra. Ngoài ra, có thể xem xét thêm 5 chương trình trọng tâm sau đây để phát triển trên phương châm: "Kế thừa điểm hay - Đột phá linh hoạt - Liên kết sáng tạo - Tự chủ hiệu quả - Bền vững toàn diện".
Có chiến lược phát triển đồng bộ, cân bằng
TP HCM được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đây là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là công nghệ và tài chính. Tính tới thời điểm đầu năm 2022, xét về số lượng dự án, TP HCM đứng đầu cả nước nhưng xét về quy mô vốn đầu tư đứng thứ 3. Bên cạnh những điểm mạnh, vẫn còn những hạn chế cần cải thiện để việc thu hút FDI hiệu quả, bền vững hơn như: môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cải cách số hóa môi trường đầu tư vào Việt Nam, sở hữu trí tuệ, chống tham nhũng...
Ngoài việc cần cải thiện những hạn chế để khai thác tốt những tiềm năng, cũng cần lưu ý một nền kinh tế quá phụ thuộc vào FDI và xuất nhập khẩu là nền kinh tế có sự phát triển chưa bền vững trong dài hạn. Vì vậy, bên cạnh việc kêu gọi dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là dòng vốn chất lượng cao từ châu Âu và Mỹ, TP HCM cũng cần có chiến lược cho sự phát triển đồng bộ, cân bằng để tránh những hậu quả về lâu dài cho các thế hệ mai sau.
Liên kết vùng tạo nền tảng liên kết chuỗi
Một nền kinh tế quốc gia hay một địa phương nếu quá độc lập, không có sự liên kết hài hòa với những nền kinh tế khác cũng là một nền kinh tế phát triển chưa bền vững trong dài hạn. TP HCM là đầu tàu nên càng cần phải liên kết sâu rộng, hiệu quả để dẫn dắt, đột phá cho các nền kinh tế liên kết lân cận đầy triển vọng theo đúng chủ trương của nhà nước như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng ĐBSCL. Liên kết không chỉ là khai thác điểm mạnh của nhau mà còn cần tận dụng khắc phục những hạn chế, biến thách thức thành cơ hội bổ trợ cho nhau. Từ chính sách liên kết vùng sẽ xây dựng thành các chuỗi liên kết, nếu biết cách kết hợp sẽ tạo sự phát triển hài hòa của các thành phần kinh tế trong các ngành nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ trong thời gian tới.
Liên kết vùng không đơn giản bắt đầu từ hạ tầng giao thông mà còn cần tầm nhìn dài hạn để định hướng quy hoạch bền vững trước các tác động chủ quan và khách quan. Lãnh đạo và con người mỗi tỉnh cần thật sự hòa mình vì mục tiêu chung để khơi thông các điểm nghẽn đang tồn tại.
TP HCM cần tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong đổi mới sáng tạo để nhanh chóng phục hồi và phát triển Ảnh: Hoàng Triều
Phổ cập kiến thức về các hiệp định thương mại
Cục diện kinh tế thế giới dần khó lường do không chỉ phụ thuộc tác động của các nước lớn mà còn do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, biến đổi khí hậu... Chính những điều đó đã buộc các nước ký kết các thỏa thuận để cùng phát triển.
17 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) mà Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán là con số không nhỏ, cho thấy vai trò quan trọng của các kiến thức về các FTAs là không thể thiếu nếu muốn tồn tại, cạnh tranh, hợp tác và phát triển trên sân nhà một cách hiệu quả. TP HCM là đầu tàu kinh tế nhưng số lượng doanh nghiệp có quan tâm và thật sự hiểu về FTAs vẫn còn rất hạn chế. Vì vậy, ngoài chính sách hỗ trợ về thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh, tài chính, thuế..., thành phố cần hỗ trợ thêm các kiến thức mới về FTAs. Làm sao để các đối tượng liên quan thấy được tầm quan trọng và để cơ quan chức năng phụ trách luôn hỗ trợ kịp thời, nhiệt tình, hiệu quả.
Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP HCM
Đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP HCM dần được hoàn thiện khả thi với những khát vọng, tiềm lực, bài học kinh nghiệm trên thế giới, sự ủng hộ của nhà nước, sự hỗ trợ của các nước lớn. Bên cạnh đó, cần lưu ý vấn đề hết sức quan trọng, cốt lõi, đó là ban hành luật, quy định một cách chi tiết, cụ thể; cơ chế khen thưởng, kỷ luật, giám sát thật công tâm, minh bạch. Mặt khác, bên cạnh những giá trị về kinh tế, chính trị, mức độ am hiểu và năng lực tài chính của mỗi người dân cũng cần ngày một tốt hơn thông qua các chương trình tập huấn chính thống của nhà nước. Về lâu dài, nên đưa chương trình thành môn học bắt buộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Con người - nhân tố cốt lõi
Có 2 đối tượng cần lưu ý: nhà khoa học, nhà nghiên cứu; người lao động bình dân. Các công trình nghiên cứu khoa học là nền tảng cần thiết và quan trọng cho các phát minh đột phá hay các đề án với tinh thần trách nhiệm xã hội cao nhưng giá trị của khoa học chưa thật sự đi đôi với trị giá vật chất, điều đó tồn tại trong suốt thời gian dài, dẫn đến nạn chảy máu chất xám. Cần lắm sự trân trọng và đãi ngộ phù hợp hơn cho họ.
Bên cạnh đó, thành phố phải làm sao để mỗi người dân đều cảm thấy mình thật sự là một phần có giá trị, tiếng lòng thật sự được lắng nghe trong dòng chảy lịch sử phát triển của đầu tàu kinh tế cả nước.
Bình luận (0)