Theo ghi nhận của Viện Công nhân và Công đoàn, hiện hầu hết các doanh nghiệp ở khu vực phía Nam vẫn đang sản xuất chỉ bằng 30%-40% công suất, nếu như tình trạng sản xuất khôi phục cao hơn sẽ rất khó khăn trong vấn đề nhân công.
Những năm gần đây, nhiều người lao động từ các địa phương đổ về TP HCM, các tỉnh miền Đông Nam Bộ - nơi có nhiều khu công nghiệp. Họ chấp nhận sống trong những khu nhà trọ chật chội, thiếu tiện nghi… để tiết kiệm từng đồng gửi về quê cho gia đình.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, các khu nhà trọ công nhân bị ảnh hưởng nặng nề nhất: thất nghiệp, không có tiền để sinh sống và đóng tiền trọ, nhiều ca mắc Covid-19… Khó khăn khiến họ quyết định hồi hương để rồi khi doanh nghiệp khôi phục sản xuất - kinh doanh thì lại thiếu lao động trầm trọng.
Người lao động nhập cư đã và đang đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của các tỉnh, thành đóng góp đáng kể cho ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, chưa có sự đầu tư đúng mức về nhà ở cùng nhiều vấn đề khác cho lực lượng lao động nhập cư.
Trong tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế, đã đến lúc các chủ doanh nghiệp phải có tầm nhìn xa hơn, trân trọng, chăm lo cho người lao động nhiều hơn thay vì chỉ nhắm đến mức lương tối thiểu. Bởi lẽ lương chỉ là một yếu tố, người lao động xứng đáng được nhiều hơn thế, như điều kiện lao động và sự tôn trọng.
Để người lao động có thể "an cư lạc nghiệp", các vấn đề an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội, y tế và giáo dục là cực kỳ quan trọng. Vì họ không chỉ ăn ở và đi làm mà phải được hòa nhập trọn vẹn vào cộng đồng nơi họ sống và làm việc.
Trong quy định đầu tư vào các khu công nghiệp, cần yêu cầu doanh nghiệp xây dựng khu lưu trú công nhân, hoặc chính quyền địa phương dùng ngân sách đầu tư công của địa phương xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, đi kèm chính sách cho mua trả góp hoặc thuê với giá rẻ.
Chú trọng hơn nữa các chính sách chăm sóc sức khỏe tinh thần. Ở những khu nhà ở cho người lao động, nhất thiết phải có các thiết chế văn hóa như nhà văn hóa, thư viện, sân thể thao và cả trường học. Cần khuyến khích người lao động nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn để tự hoàn thiện mình với các chính sách hỗ trợ, miễn giảm học phí. Bởi người lao động có trình độ chuyên môn cao thì giá trị gia tăng mà họ tạo ra cũng cao hơn.
Mỗi người lao động từ các địa phương khác đến làm việc đều có đóng góp nhất định, nên họ phải được xem như là công dân của địa phương. Có như vậy, họ mới gắn bó và cống hiến nhiều hơn.
Bình luận (0)